Vốn tín dụng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo ở Cao Bằng

Việt Hải Thứ tư, ngày 16/10/2019 06:00 AM (GMT+7)
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40) đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội tại tỉnh Cao Bằng.
Bình luận 0

Nuôi đàn trâu, bò 25 con từ vốn ưu đãi

Dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh ủy, chính quyền các cấp tỉnh Cao Bằng đã thực hiện bổ sung nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH thực hiện cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; bố trí Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng CSXH cấp huyện; bố trí về địa điểm, thời gian, an ninh, an toàn các buổi giao dịch của Ngân hàng CSXH tại điểm giao dịch xã, phường, thị trấn.

Hằng năm UBND tỉnh, huyện, thành phố đã bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH tỉnh để bổ sung vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến nay, nguồn vốn địa phương chuyển sang đạt 22,5 tỷ đồng, tăng 16,4 tỷ đồng so với năm 2014, trong đó ngân sách tỉnh là 14,6 tỷ đồng; ngân sách huyện 7,9 tỷ đồng.

img

Vợ chồng chị Nông Thị Năm (xóm Lũng Cưởm, xã Lưu Ngọc, huyện Trà Lĩnh) vay vốn Ngân hàng CSXH trồng chanh leo xuất khẩu. Ảnh: Việt Hải  

Năm 2016, sau khi được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, được các cấp Hội Phụ nữ tuyên truyền chủ trương, chính sách về tín dụng ưu đãi, chị Lục Thị Lệ xóm Bản Mặc, xã Quang Hán, huyện Trà Lĩnh đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để mở rộng chăn nuôi và thoát nghèo, vươn lên khấm khá.

Nhiều năm trước, chị Lục Thị Lệ đã biết đến tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng CSXH. Nhưng do chưa có kinh nghiệm  sản xuất nên chị không dám vay vốn để mở rộng chăn nuôi mà chỉ duy trì nuôi 3 con bò có từ trước.

Chị Lệ cho biết: “Trong lúc đang tìm hướng thoát nghèo thì tôi được Hội Phụ nữ tư vấn và Ngân hàng CSXH tiếp sức kịp thời. Với số vốn 50 triệu đồng vay được từ Ngân hàng CSXH, tôi đầu tư mua thêm 3 con bò sinh sản, nâng cấp chuồng trại nuôi thêm trâu, bò vỗ béo. Sau 4 năm mở rộng quy mô chăn nuôi, đến nay gia đình tôi có 25 con trâu, bò. Từ hộ nghèo, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, gia đình tôi đã thoát nghèo, vươn lên hộ khá giả, trung bình thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi khoảng 150 triệu đồng/năm”.

Nguồn vốn Ngân hàng CSXH tỉnh Cao Bằng

131.609 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn

169.500 lao động được tạo việc làm 

1.944 học sinh, sinh viên theo học tại các trường ĐH, CĐ

35.274 công trình nước sạch và vệ sinh được xây dựng

1.812 căn nhà mới được xây cho hộ nghèo

Chị Nông Thị Năm (xóm Lũng Cưởm, xã Lưu Ngọc, huyện Trà Lĩnh) chia sẻ: “Gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo. Để có vốn đầu tư trồng cây chanh leo xuất khẩu, năm 2018, gia đình tôi vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để trồng 450 gốc chanh leo, hứa hẹn thu khoảng 40 - 45 triệu đồng/năm”.

Quan tâm tới vốn tín dụng chính sách

Bí thư Huyện ủy Trà Lĩnh Nông Văn Đàm cho biết: “Chỉ thị số 40 đã thực sự tạo ra sự chuyển biến rõ nét về tín dụng chính sách xã hội tại địa phương. Cấp ủy, chính quyền địa phương coi công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên…”.

UBND huyện Trà Lĩnh đã ban hành văn bản yêu cầu UBND các xã, thị trấn tăng cường chỉ đạo và tạo mọi điều kiện thuận lợi đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với Ngân hàng CSXH, bố trí 450 triệu đồng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang để bổ sung vốn cho hộ nghèo và đối tượng chính sách vay.

Đến nay, tổng nguồn vốn của Ngân hàng CSXH huyện Trà Lĩnh đạt 121,3 tỷ đồng, tăng 31,8 tỷ đồng so với năm 2014. Doanh số cho vay giai đoạn 2014 - 2019 đạt 164,7 tỷ đồng/4.982 lượt hộ được vay vốn. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 120,65 tỷ đồng/2.866 hộ còn dư nợ. Vốn tín dụng chính sách giúp 4.892 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác của huyện được vay vốn; góp phần tạo việc làm cho 154 lao động…

Theo Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Cao Bằng Vương Quang Minh, Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư đi vào cuộc sống đã tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách. Nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem