Vốn ưu đãi về tận bản
Già làng Rơ Chăm Hót ở xã Đất Bằng, huyện Krông Pa nhớ lại: “Cách đây 10 năm, bà con dân làng nghèo lắm, chỉ biết trồng cây lúa rẫy và cây mì thôi. Khi nào ông trời có mưa thì có ăn, không có mưa thì mất mùa, lại đói. Bà con mình muốn mua trâu, bò, trồng cà phê, cao su thì không có tiền vốn. Bây giờ được Đảng, Nhà nước quan tâm và Ngân hàng CSXH cho vay vốn, bà con mình đã biết làm ăn, cuộc sống ngày càng khấm khá”.
Nhiều hộ nông dân tỉnh Gia Lai dử dụng vốn vay ưu đãi để đầu tư trồng và chăm sóc cà phê. Ảnh: Trần Giáp
Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành hỗ trợ về khuyến nông, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã biết làm ăn, từ nghèo đói vươn lên khấm khá, chuyện thất học cơ bản đã bị đẩy lùi. Vốn ưu đãi đã góp phần làm cho các buôn làng vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn ở Gia Lai đang ngày một trù phú hơn. Cùng với nguồn vốn vay ưu đãi, các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển sản xuất hàng hóa, khai thác lợi thế của vùng.
Bà Nay H’Kuan - Phó Chủ tịch UBND xã Chư Mố, huyện Ia Pa chia sẻ: “Trước đây bà con ngại vay vốn vì không biết sử dụng như thế nào cho hiệu quả. Nhưng nhờ sự phối hợp tốt giữa Ngân hàng CSXH với các cơ quan, hội, đoàn thể nên hộ nghèo, hộ cận nghèo đã biết sử dụng vốn vay vào đầu tư trồng trọt, chăn nuôi. Nhiều hộ đồng bào DTTS đã khá giả, giàu có nhờ dùng vốn vay để trồng, chăm sóc cà phê, hồ tiêu, chăn nuôi đại gia súc như trâu, bò…”.
Đảm bảo an sinh xã hội
Không chỉ góp phần tạo công ăn, việc làm và giảm nghèo, nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH cũng đã tạo điều kiện để hàng chục ngàn học sinh-sinh viên nghèo ở Gia Lai được vay vốn đi học, lập thân, lập nghiệp. Ông K’sor Nha (dân tộc Gia Rai) nhiều năm nay luôn là điển hình gia đình mẫu mực, con cháu hiếu học của huyện vùng sâu Krông Pa. Trong 10 người con của ông thì có tới 9 người được đi học trung cấp, cao đẳng, đại học. “Nếu không có chương trình tín dụng đối với học sinh-sinh viên thì vợ chồng tui đâu có sức nuôi sắp nhỏ ăn học, có nghề nghiệp được…”-ông K’sor Nha xúc động nói.
Ông Kpăh Ngun - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho biết: “So với trước kia, tỷ lệ người địa phương đi học đại học, cao đẳng trong 10 năm trở lại đây đã tăng lên rất nhiều. Sau khi ra trường, nhiều em về phục vụ cho địa phương”.
Theo ông Lê Văn Chí - Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Gia Lai, để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ tham mưu cho cấp ủy thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. “Chúng tôi sẽ làm tốt hơn công tác tuyên truyền chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước để người dân biết và thực hiện; vận động hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS mạnh dạn vay vốn làm ăn; tích cực phối hợp các ngành, các cấp, các tổ chức hội, đoàn thể làm tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho hộ vay vốn…”- ông Chí cho biết.
13 năm qua, nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH đã giúp khoảng 67.000 hộ trên địa bàn tỉnh Gia Lai thoát nghèo; góp phần hình thành các vùng chuyên canh cây trồng, chăn nuôi gia súc phù hợp với đặc thù ở mỗi địa phương. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 50.000 học sinh - sinh viên được vay vốn học tập. Tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 3-4%.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.