Khi đọc thông tin người nông dân dùng chổi quét rau cho tơi tả, giả rau tự nhiên như bị sâu, hàm ý không phun thuốc để dễ bán tôi hết sức ngạc nhiên. Chưa nghe chưa thấy chuyện này bao giờ.
Ngày 3.5, một phóng sự truyền hình trong chương trình Cà phê sáng của VTV3 đã phát một đoạn phóng sự ngắn nói về việc giả làm rau bị sâu ăn bằng cách dùng chổi quét qua các luống rau, làm rau rách. Đây là cách để đánh lừa người tiêu dùng, khiến họ tưởng là rau sạch, dễ bán.
Video clip của chương trình này đã gây chấn động dư luận, khiến nhiều người hoang mang về “cách làm giả rau sạch”.
Trong clip, người phụ nữ vừa cầm chổi quét qua những luống rau vừa chia sẻ: “Rau mà non người ta không dám ăn nên bây giờ phải quét để giả sâu ăn. Quét xong để từ 2 - 3 hôm thu hoạch mới thật rau”.
Người đàn ông trồng rau chia sẻ trong clip: “Mình dùng chổi quét xuống nhìn cũng giống như rau rách. Quét thế chẳng qua để lừa người tiêu dùng”.
Nghe chuyện này, mấy người bạn của tôi chuyên trồng rau trên Củ Chi cười sặc cơm:
-Không có đâu, không có đâu …
Cười mà không thèm một lời giải thích bởi họ đã quá mệt mỏi với những bản tin bịa đặt như vậy.
Tôi đọc trên Dân Việt, những nông dân tại địa phương quay clip (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) đã phản ứng cho rằng clip được dàn dựng, họ yêu cầu chính quyền địa phương làm rõ, yêu cầu đơn vị phát thông tin phải xin lỗi.
Nhưng bản tin truyền hình này đã được truyền đi rất nhanh và được viết lại, chia sẻ trên nhiều trang mạng, kéo theo hàng chục ngàn lời chửi nông dân vô đạo đức ở phần comment.
Người dân Vĩnh Thành phải phá bỏ rau đi sau khi VTV3 đăng tải thông tin “dùng chổi quét lên rau để giả làm rau sạch”.
Câu chuyện này làm tôi nhớ đến một ví dụ tương tự là cái túi bao trái xoài. Năm nay, không có cơn mưa “rụng bông xoài” như hàng năm, tức là cơn mưa lớn khi xoài đúng độ nở bông nên xoài trúng mùa ở Nam Bộ.
Mừng thấy ghê nhưng chưa kịp bán lứa nào thì giá rớt te tua vì mấy cha nhà báo đưa tin túi bao trái xoài (chống sâu bệnh) làm biến đổi màu trái xoài. Mấy cha cứ canh me “xiên que” Hai Lúa hoài sống sao nổi đây trời.
Người bạn nông dân của tôi kể lại. Thông tin này làm người tiêu dùng và thương lái sợ không dám mua, giá xoài vào đỉnh điểm mùa vụ đã rớt giá thảm hại, người nông dân “te tua” vì trả nợ mẹ, nợ con cho cây xoài. Xoài cát loại 1 từ 30.000 đồng/kg rớt xuống sàn 10.000 đồng/kg mà vẫn có ngày không bán được.
Năm 2015, thông tin tương tự cũng được tung ra một lần và các sở ngành vào cuộc xác định loại bao trái mà nông dân đang sử dụng không có bất cứ tác dụng phụ nào ngoài ngăn cản côn trùng đục trái, đẻ trứng, chim dơi ăn trái...
Người nông dân khổ lắm vì thiên tai, hạn mặn, vì thiếu vốn, vì đủ thứ…xin đừng làm hại họ bằng những thông tin thiếu cân nhắc, thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết nửa vời như vậy.
Tôi không cho rằng các cơ quan truyền thông, trang mạng kể cả trang cá nhân có mục đích phá hoại hoặc tiêu diệt người nông dân nhưng rõ ràng là nó đã làm cho nhiều nông dân bị phá sản, khánh kiệt với những thông tin độc hai.
Thường là sau đó, cơ quan truyền thông phát tin lờ đi, nếu có xin lỗi hoặc đính chính cũng chưa đủ. Bởi vậy các hội đoàn, tổ chức xã hội, các vị luật sư nên có những phiên khởi kiện với đầy đủ chứng cứ pháp lý để các cơ quan truyền thông và cá nhân gây hậu quả phải đền bù xứng đáng cho nông dân.
Người nông dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời cô đơn và cô độc lắm, họ không thể làm việc đó, quá khả năng.
Chẳng lẽ cứ để nông dân bị thua thiệt, bị chơi xấu mãi sao?
Vụ việc dàn dựng clip lấy chổi quét rau này, tối muộn ngày 11.5, VTV đã nhìn nhận sai sót trong nghiệp vụ của phóng viên thực hiện và đưa ra lời xin lỗi với nông dân Vĩnh Thành. Nghề báo vốn được tôn trọng bởi nó đứng về sự thật, người làm báo không thể bóp méo và dựng chuyện để làm tổn hại đến lợi ích của những người yếu thế trong xã hội.
Thiết nghĩ, lời xin lỗi của VTV là một hành động cần phải có theo đúng các quy định của pháp luật, để phần nào khiến người nông dân vơi bớt những giọt nước mắt, mồ hôi đã đổ xuống trên cánh đồng. Nhưng chỉ một lời xin lỗi đã đủ cho những thiệt thòi của nông dân hay chưa? Những vụ việc thế này không chỉ làm nông dân liểng xiểng vì thiệt hại kinh tế, cái đáng kể hơn đã mất đi, là lòng tin giữa người với người.
Đó mới là cái mất đau đớn nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.