Cũng với hành vi này, nhiều bảo mẫu đã đi tù. Ảnh cắt từ clip của đồng nghiệp.
Theo đó, trẻ em là đối tượng được đặc biệt quan tâm ở tất cả nền pháp lý trên thế giới. Xâm phạm đến trẻ em là một hành vi đáng bị lên án, xử lý. Trở lại vụ việc của trường Anh Vương, luật sư Phan Minh cho rằng, các cháu đã bị đối xử tàn ác vì các cô bảo mẫu đã dùng cây, dây thép và tay chân ngắt, véo... Những đứa trẻ còn là người phụ thuộc nên tất cả các hành vi đó có dấu hiệu của việc vi phạm Điều 110 Bộ luật Hình sự, với tội hành hạ người khác.
Trước đây, tại Bình Dương, một bảo mẫu tên Phụng đã từng phải nhận mức án 24 tháng tù giam. Bà Phụng mở điểm giữ trẻ tư nhân. Buổi trưa, bà đem em bé gái khoảng 3 tuổi ra tắm, rồi giẫm đạp, tạt nước vào mặt cùng với những cú đánh bằng tay. Mới đây, tại quận Thủ Đức, TP.HCM, hai cô bảo mẫu một trường mầm non tư thục cũng phải chịu mức án 3 năm tù giam vì hành vi tương tự. Trước đó nữa, tại Biên Hòa, bảo mẫu Q.T.K.H cũng bị phạt tù.
“Giữ trẻ, chăm nom trẻ là một công việc cực nhọc, với trẻ tự kỷ còn phải vất vả hơn nhiều lần. Vì vậy, đối với các em nhỏ, người bảo mẫu phải có kỹ năng, chuyên môn và tình thương yêu thực sự mới có thể làm nổi. Ai cũng thấu hiểu nỗi nhọc nhằn này, nhưng không vì thế mà các cô giáo vi phạm pháp luật”, luật sư Minh nói.
Trước thông tin lãnh đạo thành phố kiên quyết xử lý, chấn chỉnh hoạt động trong lĩnh vực giáo dục mầm non và ông Lê Sơn, Phó chủ tịch UBND phường 15, quận Tân Bình nói sẽ xử lý nghiêm; luật sư Phan Minh nói: “Chính quyền địa phương là đơn vị phải chịu trách nhiệm đầu tiên trong vụ việc này. Không thể biện hộ cho việc suốt thời gian dài trường hoạt động nhưng không có bất cứ sự quan tâm, kiểm tra nào. Việc trẻ bị đánh đến khi báo chí phanh phui ra thì phường mới vào cuộc là đã thiếu trách nhiệm”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.