Vụ "kỳ án vườn mít": Cha Lê Bá Mai bức xúc trước phát ngôn của Viện trưởng VKSNDTC

Thứ năm, ngày 30/10/2014 22:02 PM (GMT+7)
“Tôi rất bức xúc với ông Bình, sau khi tòa xử xong chúng tôi đã gửi đi biết bao nhiêu lá đơn, nhưng đến giờ tôi chỉ nhận được duy nhất trả lời của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang”, ông Lê Bá Triệu – cha ruột Lê Bá Mai nói.
Bình luận 0

Trước thông tin ông Nguyễn Hòa Bình – Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC) cho rằng, từ khi tòa tuyên án lần cuối đến nay, Lê Bá Mai không có đơn kêu oan nên không có yếu tố đưa “vụ án vườn mít” ra xét xử lại theo trình tự giám đốc thẩm, PV đã có cuộc nói chuyện với ông Lê Bá Triệu – cha ruột Lê Bá Mai để làm rõ điều này.

"Không những chuyển qua bưu điện, chúng tôi còn ra tận Hà Nội"

Trao đổi với PV, ông Triệu cho biết: “Mai bị tuyên án vào ngày 30.8.2013 thì tới ngày 4.9.2013 tôi đã làm nhiều lá đơn đơn gửi tới Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, VKSNDTC, Tòa án Nhân dân Tối cao để kêu oan cho nó”.

Cũng theo ông Triệu, trong lần thăm nuôi Mai tại trại giam Bình Phước vào ngày 4.9, ông hỏi Mai “đã gửi đơn đi chưa?” thì được Mai trả lời: “Cán bộ nói mấy hôm nay là ngày lễ (thời điểm Quốc khánh - PV) nên chưa nhận”. Cuối tháng đó ông tiếp tục hỏi thì Mai trả lời: “Con đã gửi đi từ ngày 5.9”.

img

Ông Lê Bá Triệu chờ đợi trước một phiên xử con trai.

Để chắc chắn lá đơn đã được chuyển, ông Triệu lên gặp trực tiếp một lãnh đạo trại giam Bình Phước thì được vị này khẳng định “đã gửi đi rồi”. Khi ông hỏi “gửi cho ai?” thì vị này nói “Mai gửi cho ai thì chúng tôi chuyển đến người ấy”.

Vẫn chưa yên tâm, trong lần thăm nuôi Mai vào tháng 10.2013 ông Triệu một lần nữa hỏi con về giấy xác nhận của nơi tiếp nhận đơn thì Mai trả lời “con chưa nhận được”. Nghe vậy ông xuống hỏi một cán bộ trực văn phòng tại trại giam về giấy xác nhận này thì người cán bộ cũng không đưa cho ông mà tiếp tục khẳng định “chúng tôi đã gửi đi rồi”.

“Không chỉ có những lần đó, vào tháng 3.2014 gia đình chúng tôi đã ra Hà Nội và tới tận VKSNDTC, Tòa án Nhân dân Tối cao để đưa đơn kêu oan. Giấy tờ xác nhận đã nhận đơn của những nơi này đến giờ tôi vẫn còn giữ” – ông Triệu nói.

Khi được hỏi về phát ngôn của ông Nguyễn Hòa Bình, ông Triệu cho biết: “Tôi rất bức xúc với ông Bình, sau khi tòa xử xong chúng tôi đã gửi đi biết bao nhiêu lá đơn, nhưng đến giờ tôi chỉ nhận được duy nhất trả lời của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang”.

Cùng trao đổi với PV về thông tin này, luật sư Trịnh Thanh (người cùng với luật sư Bùi Quang Nghiêm bào chữa miễn phí cho Lê Bá Mai) khẳng định, sau khi án được tuyên, ông và luật sư Nghiêm đã thảo hai lá đơn đề nghị xem xét lại vụ án theo trình tự giám đốc thẩm và hủy án xét xử lại theo hướng tuyên Lê Bá Mai vô tội.

img

Luật sư Trịnh Thanh trong phiên xử Lê Bá Mai ngày 30.8.2013.

Hai lá đơn này đã được chuyển tới TAND Tối cao và Viện trưởng VKSNDTC. Vào ngày 20.1.2014 ông đã nhận được “giấy báo phát” của Bưu chính Việt Nam cho biết hai lá đơn đã được chuyển đến những địa chỉ nói trên. Tuy vậy cũng như ông Triệu, đến thời điểm này hai vị luật sư vẫn chưa nhận được trả lời của hai cơ quan này.

Cách đây gần 1 tháng có đoàn xuống xem lại hiện trường

Ông Lê Bá Triệu tiếp tục cho PV biết điều này trong cuộc trao đổi. Theo ông, vào khoảng đầu tháng 10 vừa qua một đoàn khoảng 7 người của VKS, TAND và công an đã tới khu vực vườn mít để xem lại hiện trường.

Biết điều này, ông Triệu đã đi theo thì thấy công an viên Trần Văn Sinh (người lập biên bản trong vụ án Lê Bá Mai) dẫn đường không đúng so với trước đây. Sau đó ông Triệu đã phải nhắc nhở: “Ngày xưa anh chỉ như thế nào thì bây giờ anh chỉ y như vậy để cơ quan điều tra làm việc”.

“Tuy nhiên do đường đi lầy lội nên những người này không đến được hiện trường. Sau đó họ trở về chòi của tôi để uống nước và hỏi về bà Hảo (nhân chứng khẳng định Mai vô tội – PV). Tôi kể lại toàn bộ như sau: 

Khi xảy ra vụ án tôi chưa biết bà Hảo (sau khi Mai bị kết án vợ chồng ông Triệu mới từ Thanh Hóa vào Bình Phước để kêu oan cho con – PV), nhưng hôm tôi vào thì bà Hảo gặp tôi và nói: “Trời ơi anh ơi, thằng Mai nó oan quá, em biết mà em không làm gì được”. Sau đó bà ấy kể lại cho tôi câu chuyện đã chứng kiến.

img

Lê Bá Mai trong phiên xử ngày 30.8.2013.

Nói đến sức khỏe của Mai thời điểm hiện tại, ông Triệu cho biết: “Hàng tháng tôi vào thăm nuôi thì thấy em nó bình thường, tuy nhiên đôi lúc có mệt mỏi. Khi hỏi về vụ án tôi cũng phải lựa lời, nếu nhắc tới nhiều Mai lại kêu mệt”.

Kể từ khi vụ án xảy ra, gần 10 năm qua ông và vợ đã chuyển hẳn vào Bình Phước sinh sống. Hàng ngày hai người vẫn đi làm mướn để lấy tiền trang trải cuộc sống và thăm nuôi Mai.

Tóm tắt vụ án

Khoảng 8 giờ ngày 12.11.2004, cháu Thị Hằng (SN 1995) và cháu Thị Út (SN 1993) đi mót củ sắn (củ đậu) nhưng đến tối chỉ có cháu Hằng trở về. Sau đó gia đình tổ chức tìm kiếm, và đến ngày 16.11.2004 thì phát hiện xác Út ở vườn mít nhà ông Dương Bá Tuân. Từ câu chuyện của cháu Hằng, nghi can Lê Bá Mai (người làm thuê cho ông Tuân) đã bị bắt vào ngày 17.11.2004.

Theo kết luận của CQĐT tỉnh Bình Phước thì ngày 12.11.2004, Mai rủ cháu Út vào vườn mít và dụ dỗ để thực hiện hành vi giao cấu, bị chống trả Mai đã lấy quần siết cổ nạn nhân đến chết sau đó vùi xác gần gốc mít.

Ngày 16.3.2005, TAND tỉnh Bình Phước xét xử và tuyên tử hình Lê Bá Mai về tội “Giết người” và “Hiếp dâm trẻ em”. Ngày 4.8.2005, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM xét xử đã tuyên giữ nguyên án tử hình.

Sau hai phiên xử, Mai liên tục kêu oan và cho rằng, bị cơ quan điều tra ép cung nên mới nhận tội. Ngày 12.12.2006, Viện trưởng VKSND Tối cao có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm với lý do: “Chưa có căn cứ vững chắc” và có nhiều vi phạm trong quá trình điều tra vụ án, thiếu sót trong việc khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ...

Ngày 5.2.2007, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm đã chấp nhận kháng nghị, hủy 2 bản án để điều tra lại theo quy định pháp luật. Cùng quan điểm Hội đồng Thẩm phán đã tuyên hủy bản án phúc thẩm.

Tháng 7.2010, TAND tỉnh Bình Phước xử sơ thẩm lần 2 trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng VKSND tỉnh Bình Phước vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố. Ngày 18.5.2011, TAND tỉnh Bình Phước mở phiên xử sơ thẩm được mở lại và tuyên Lê Bá Mai không phạm tội, trả tự do ngay tại phiên tòa.

Tuy nhiên vào tháng 6.2011 Viện KSND tỉnh Bình Phước đã kháng nghị, yêu cầu Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM xét xử theo hướng buộc tội đối với bị cáo. Sau đó phiên tòa phúc thẩm lần 2 được mở lại vào ngày 19.6.2012, và trong lần xử này tòa tuyên trả hồ sơ, giao Bộ Công an tiếp tục điều tra.

Hơn 6 tháng sau, trong phiên xử sơ thẩm lần 3 kết thúc vào ngày 5.1.2013 HĐXX đã tuyên phạt Lê Bá Mai án chung thân, tuy nhiên mức án này tiếp tục bị VKS tỉnh Bình Phước kháng nghị lên tử hình. Sau đó phiên phúc thẩm lần 3 đã được lên lịch xét xử vào tháng 5.2013, tuy nhiên 2 buổi xét xử sau đó vào ngày 6.5.2013 và 20.5.2013 đều bị hoãn lại.

Tới ngày 30.8.2013 phiên phúc thẩm lần 3 đã được diễn ra. Tại phiên tòa này HĐXX tuyên phạt Lê Bá Mai án chung thân.

(Theo Infonet)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem