Như vậy bị án Lê Bá Mai có viết đơn kêu oan sau phiên tòa phúc thẩm lần ba (năm 2013) chứ không như thông tin phủ nhận tại nghị trường Quốc hội vừa qua.
|
Lê Bá Mai tại phiên xử chiều 3.1.2013. Ảnh: Phụ nữ TP.HCM. |
Trước đó, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói rằng sau phiên tòa phúc thẩm, Lê Bá Mai không có đơn kêu oan. Trong văn bản trả lời các ĐBQH ký ngày 1.11, VKSND Tối cao cũng tái khẳng định điều này, đồng thời viện cho rằng không có căn cứ xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm vụ án “vườn mít”.
Theo luật, đơn kêu oan của bị án không phải là cơ sở để kháng nghị giám đốc thẩm hay tái thẩm vụ án. Nhưng từ những thông tin trong đơn kêu oan, cơ quan tố tụng có thể xem xét, đối chiếu với chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, nếu thấy có căn cứ kháng nghị thì cơ quan tố tụng có thẩm quyền (trong trường hợp vụ án “vườn mít” là viện trưởng VKSND Tối cao và chánh án TAND Tối cao) sẽ kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Vụ án này từng gây nhiều tranh cãi về đánh giá chứng cứ, bởi chứng cứ kết tội cũng có mà chứng cứ gỡ tội cũng nhiều. Ngay trong bản án phúc thẩm lần ba buộc tội Lê Bá Mai, tòa cũng cho rằng vụ án này “vừa có chứng cứ buộc tội vừa có chứng cứ gỡ tội”. Trong khi chứng cứ là những gì có thật, mà sự thật thì chỉ có một.
Và dù kết luận bị cáo phạm hai tội đặc biệt nghiêm trọng (tội đặc biệt nghiêm trọng này liền sau tội đặc biệt nghiêm trọng kia) và không có tình tiết giảm nhẹ nào nhưng tòa chỉ tuyên phạt Lê Bá Mai chung thân thay vì phải tuyên tử hình. “Có lẽ tòa đã chọn biện pháp “trung dung” khi đưa ra mức án như vậy cho “an toàn”. Bởi nếu tuyên tử hình Lê Bá Mai và bản án đã được thi hành, nhỡ sau này có tình tiết mới xác định Mai vô tội thì hậu quả sẽ khôn lường, sai lầm sẽ không còn sửa lại được nữa” - ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao, từng bình luận về vụ án này như thế trên báo Pháp Luật TP.HCM.
(Theo Pháp luật TP.HCM)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.