Vụ 8B Lê Trực: "Chúng tôi bức xúc lắm nên phải nói ra"

Thái Bình Thứ tư, ngày 30/08/2017 13:30 PM (GMT+7)
Tháng 10.2016, việc tháo dỡ phần sai phạm công trình tại 8B Lê Trực kết thúc giai đoạn 1. Từ đó tới nay, giai đoạn 2 công việc tháo dỡ vẫn đang “dậm chân tại chỗ” do nhiều khúc mắc. Trong một diễn biến mới nhất, đại diện chủ đầu tư – Công ty CP May Lê Trực đã công bố những thông tin gây sốc.
Bình luận 0

GPXD không đúng quy hoạch chi tiết?

Chiều 29.8, tại sự kiện “Thông tin báo chí về lĩnh vực trật tự xây dựng” diễn ra tại Hà Nội, đại diện chủ đầu tư là Phó TGĐ Lê Văn Hùng đã cung cấp nhiều thông tin cho báo chí xoay quanh việc cưỡng chế, xử lý sai phạm công trình 8B Lê Trực.

img

"Giờ khổ như vậy, bức xúc lắm nên chúng tôi phải nói ra" - Phó TGĐ Lê Văn Hùng trần tình

Gây sốc trước hết, là đại diện May Lê Trực khẳng định việc cưỡng chế tháo dỡ không tuân thủ Quy hoạch chi tiết mà chỉ dựa theo GPXD 11/GPXD-SXD ngày 24.3.2014. Trong khi đó, “giấy phép này lại cấp không đúng Quy hoạch chi  tiết 1/500 được UBDN TP Hà Nội phê duyệt và sai với Tiêu chuẩn thiết kế nhà ở cao tầng”.

Cụ thể, dẫn quy hoạch chi  tiết 1/500 tại lô đất ký hiệu L30 của May Lê Trực được TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định 2452/QĐ-UBND ngày 5.12.2008 là “Quy hoạch duy nhất được cấp có thẩm quyền phê duyệt và cho đến nay vẫn đang có hiệu lực pháp luật thi hành”.

Tiếp tục, theo văn bản 8987/UBND-XD ngày 4.11.2010 của UBND TP Hà Nội, văn bản 4160/QHKT-TH ngày 15.12.2010 của Sở QH&KT thì dự án 8B Lê Trực thuộc phụ lục I – các dự án công trình cao tầng loại II – Giai đoạn 2 được cho phép tiếp tục triển khai theo đúng với tầng cao đã được chấp thuận (20 tầng).

Một viện dẫn khác, là khoản 4, điều 30 Luật Quy hoạch đô thị 30/2009/QH12 của Quốc hội khóa XII: “Đồ án quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt là cơ sở để cấp GPXD và lập dự án đầu tư xây dựng”.

Từ đây, ông Lê Văn Hùng kết luận, việc cấp GPXD cho dự án 8B Lê Trực và xây dựng công trình phải tuân thủ theo đúng QHCT 1/500 đã được phê duyệt. là: Chiều cao công trình 69,1m; 20 tầng (gồm 17 tầng, 2 tầng kỹ thuật và 1 tầng mái).

Tháng 3.2014, Sở Xây dựng cấp GPXD 11/GPXD-SXD cho công trình, mà theo đại diện May Lê Trực, “không đúng với QHCT xây dựng và tiêu chuẩn thiết kế Việt Nam”. Cụ thể công trình được cấp phép theo nội dung: chiều cao công trình là 53m với 18 tầng nổi, 4 tầng hầm.

Trước câu hỏi vì sao dự án được cấp GPXD không đúng QHCT mà DN không phản hồi lại cơ quan cấp phép thời điểm đó (2014), thì LS. Lê Văn Thiệp, Văn phòng Luật sư toàn cầu (đơn vị bảo trợ pháp lý cho May Lê Trực) phân bua: “Thời điểm đó chúng tôi chưa xác lập quan hệ, tham gia tư vấn pháp lý cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, lúc đó, nhận thức chung về giấy phép này, giữa May Lê Trực và Thành phố là dĩ hoà vi quý, người ta yêu cầu thì thực hiện chứ không biết là không đúng quy định".

Ông Hùng lập luận, việc Sở Xây dựng cấp phép giảm 1 tầng ở, 1 tầng kỹ thuật và giảm 16,1m chiều cao là trái với  Quy hoạch chi  tiết được duyệt tại Quyết định 2452/QĐ-UBND. Ngoài ra, theo quy định nếu điều chỉnh cấp phép thì phải điều chỉnh quy hoạch trước và cấp có thẩm quyền là UBND TP chứ không phải cấp sở.

Về phía mình, ông Hùng bức bối: "Tại sao chúng tôi không kêu ngay từ đầu mà thậm chí khi bị kết luận sai phạm còn xin phá dỡ tầng 19 là để cho êm chuyện, để không có lùm xùm... Tuy nhiên, giờ khổ như vậy, bức xúc lắm nên chúng tôi phải nói ra…".

Công trình được “miễn” GPXD?

Tiếp tục đưa ra các luận cứ pháp lý, đại diện chủ đầu tư khẳng định công trình 8B Lê Trực thuộc đối tượng không phải đề nghị cấp GPXD.

Dựa vào một loạt cơ sở pháp luật như: Nghị định 12/2010/NĐ-CP ngày 15.2.2010; Quyết điịnh 04/2010/QĐ-UBND ngày 20.1.2010 của UBND TP Hà Nội; Nghị định 64/2012/NĐ-CP năm 2012 quy định về cấp phép xây dựng, công trình này thuộc diện miễn cấp phép xây dựng. Đồng thời, “nếu công trình đã khởi công xây dựng thì không phải đề nghị cấp GPXD” (Công trình đã được khởi công từ năm 2010) – ông Hùng lưu ý.

img

Cho rằng những kiến nghị liên quan của chủ đầu tư May Lê Trực là “có cơ sở”, theo thẩm quyền giải quyết, Thanh tra Bộ Xây dựng chuyển kiến nghị này tới UBND TP Hà Nội từ tháng 6.2016

Tháng 6.2016, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng, TS. Phạm Gia Yên chuyển đơn kiến nghị của khách hàng, đại diện Công ty CP May Lê Trực tới Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Theo Thanh tra Bộ, những kiến nghị nêu trong đơn (có bao gồm vấn đề công trình 8B Lê Trực thuộc diện miễn cấp GPXD, việc Sở Xây dựng cấp GPXD 11/GPXD-SXD là sai quy định…) là “có cơ sở”. Thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ đề nghị Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo kiểm tra, xem xét từng vấn đề.

Cụ thể, công trình 8B Lê Trực đã được khởi công theo Thông báo khởi công ngày 15.2.2010 theo kết cấu và quy mô công trình là 20 tầng (được UBND phường Điện Biên xác nhận), sau khi Sở Xây dựng thẩm định Thiết kế cơ sở. Như vậy, đại diện chủ đầu tư lập luận, công trình đã được khởi công xây dựng trước khi Nghị định 64/2012/NĐ-CP năm 2012 ra đời và có hiệu lực. Từ đây, “theo các quy định pháp luật nêu trên, công trình 8B Lê Trực luôn thuộc đối tượng không phải có GPXD”.

Chưa dừng lại, bằng một số ý kiến của đơn vị chuyên môn, May Lê Trực cho rằng việc phá dỡ giật cấp ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết cấu chịu lực và tuổi thọ công trình. Điển hình, ngày 24.10.2016, Tổng hội Xây dựng có văn bản gửi Tập đoàn Phương Bắc – đơn vị phá dỡ giai đoạn 1 công trình, thể hiện nội dung: “Việc thiết kế phá dỡ phức tạp nhất là phá dỡ phần giật cấp theo thiết kế, đặc biệt là phần giật cấp 2m46 về phía Bắc là hết sức phức tạp phải xử lý hệ cột dầm mới do bị thay đổi tính toán chịu lực, cần được nghiên cứu tính toán cẩn trọng”.

Ngày 27.10.2016, trong báo cáo gửi Thủ tưởng và các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng, Tập đoàn Phương Bắc cũng kêu “khó": “Do tính chất phức tạp về kiến trúc và kết cấu của tòa nhà nên việc đưa ra biện pháp tháo dỡ giai đoạn 2 rất khó khăn. Cụ thể, phá dỡ phần giật cấp của tòa nhà sẽ phải bỏ hầu như các cột và dầm biên chịu lực của tòa nhà”.

Công ty May Lê Trực đưa ra phản hồi về quyết định xử lý vi phạm của Thành phố tại dự án 8B Lê Trực là quyền của DN. Tuy nhiên, việc đúng sai ra sao cần phải xem xét thêm, bởi đến nay, sau gần 2 năm nhận quyết định cưỡng chế, May Lê Trực mới cung cấp các tài liệu để xác minh việc đúng sai của mình tại dự án 8B Lê Trực.

Điều "lạ" là, khi nhận được GPXD số 11/2014 và cho rằng mình bị cấp sai, thay vì có văn bản phản hồi lên Sở Xây dựng để điều chỉnh, chủ đầu tư lại tiếp tục thi công theo thiết kế tại Quy hoạch ban đầu. Tới khi bị phản ánh xây dựng sai giấy phép, May Lê Trực chủ động đề ra phương án tự tháo dỡ phần vi phạm. Phải đến khi quá trình tháo dỡ giai đoạn 2 gặp khó khăn, May Lê Trực mới cung cấp thông tin cho báo chí.

LS. Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem