Thứ nhất, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí sau khi vào làm việc với lãnh đạo VKSND TP.HCM và VKSND huyện Bình Chánh đã khẳng định ông Nguyễn Văn Tấn không phạm tội kinh doanh trái phép theo Điều 159 BLHS 1999. Trên cơ sở này, tân viện trưởng Tối cao yêu cầu viện trưởng VKSND TP.HCM chỉ đạo viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh ra ngay quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, đồng thời công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại (nếu có) cho ông Tấn theo đúng quy định. Tiếp nữa, ông cũng yêu cầu viện trưởng VKSND TP.HCM tạm đình chỉ công tác đối với kiểm sát viên và lãnh đạo VKSND huyện Bình Chánh trực tiếp tiến hành tố tụng để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm.
Ông Nguyễn Văn Tấn (Ảnh NLĐ)
Thứ hai, viện trưởng VKSND TP.HCM đã chỉ đạo viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh ban hành quyết định đình chỉ vụ án hình sự, quyết định đình chỉ bị can đối với ông Tấn với lý do “hành vi không cấu thành tội phạm”. Bên cạnh đó, viện trưởng VKSND TP.HCM cũng ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Lê Thanh Tòng - Phó Viện trưởng VKSND quận 6, nguyên Phó Viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh, người trực tiếp ký cáo trạng truy tố chủ quán Tấn cùng một kiểm sát viên có liên quan của huyện Bình Chánh.
Thứ ba, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết ông đã chỉ đạo tổ chức kiểm điểm các cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Bình Chánh để có giải pháp về công tác tổ chức cán bộ, báo cáo tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị, Bộ Công an ra quyết định.
Như Pháp Luật TP.HCM từng phân tích, theo quy định của Điều 159 BLHS 1999 thì kinh doanh trái phép gồm có ba hành vi là kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký, kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có. Người bị xử lý hình sự tội kinh doanh trái phép phải có một trong ba hành vi này kèm theo điều kiện “đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm”.
Ấy thế, dù không hề có dấu hiệu phạm tội nhưng ông Tấn vẫn bị cáo buộc đã phạm tội kinh doanh trái phép. Cái gọi là căn cứ xử lý hình sự nằm ở chỗ ông không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (gọi tắt là giấy chứng nhận ATTP) trong khi giấy chứng nhận này hoàn toàn không phải là giấy phép riêng như mô tả trong tội kinh doanh trái phép mà ông Tấn bị xử lý.
Điều rất không hay trong vụ việc là UBND huyện Bình Chánh đã có yêu cầu sai khiến các cơ quan tố tụng do không tìm hiểu kỹ quy định để thực thi cho đúng đã bị “rối” theo, dẫn đến nhiều cái sai tiếp nối.
Khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho ông Tấn, UBND huyện đã ghi chú: “Chỉ hoạt động kinh doanh sau khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao”. Thế nhưng quy định “có nguy cơ cao” đó đã bị bãi bỏ cách đây hơn ba năm. Vì đồng nhất sai giữa giấy chứng nhận ATTP với giấy phép riêng mà công an và VKS huyện Bình Chánh đã lần lượt khởi tố và truy tố sai. Để rồi ông Tấn đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự oan!
Đáng nói hơn cả là sai trái đó lại được thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho rằng “khởi tố có căn cứ nhưng máy móc, nóng vội”. Vậy xử lý hình sự ông Tấn có đúng không? Không rõ. Có sai không? Cũng không rõ. Khi vụ việc không được Công an TP.HCM kịp thời minh định, cá nhân ông Tấn và dư luận hết sức hoang mang, lo lắng. Rất nhiều người kinh doanh khác, nhất là những trường hợp chưa có giấy chứng nhận ATTP, cảm thấy bất an vì có thể bị xử lý hình sự bất cứ lúc nào.
“Chân lý chỉ là một”. Các chỉ đạo quyết liệt, hợp luật của tân viện trưởng VKSND Tối cao; các quyết định đình chỉ đúng với bản chất của vụ việc cùng với các yêu cầu xác đáng của người đứng đầu VKSND TP.HCM và Công an TP.HCM đồng loạt cho thấy điều này. Giờ thì mọi người có thể yên tâm rằng bất kỳ ai cũng có quyền kinh doanh bình thường, đúng quy định, nếu có sơ suất cơ quan chức năng sẽ nhắc nhở để hoàn thiện, cùng lắm là bị xử phạt hành chính. Những người có quyền hạn mà làm sai ắt phải chịu các chế tài thích đáng.
Thu Tâm (Pháp luật TP.HCM)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.