Vụ chặt phá vườn chuối tiền tỷ ở Hải Phòng: Hành xử không đúng luật

Lê Chiên (thực hiện) Thứ ba, ngày 23/05/2017 21:53 PM (GMT+7)
Đó là nhận xét của luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Luật Đại Nam) khi trả lời phỏng vấn PV Dân Việt, xung quanh vụ vườn chuối hàng ngàn cây sắp thu hoạch, trị giá gần tỷ đồng của ông Phạm Văn Quân (trú tại xã Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) bị một nhóm người chặt phá tan nát ngay trong đêm...
Bình luận 0

Theo đó, Luật sư Tuấn - Giám đốc Công ty Luật Đại Nam cho biết:

img

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật Đại Nam

Cho dù vườn chuối của ông Quân nằm trên diện tích đất có tranh chấp nhưng việc ông Chí (Giám đốc Công ty Chí Linh) ủy quyền Đỗ Hữu Mạnh (SN 1971, ở Kênh Giang, Thủy Nguyên, là nhân viên Công ty Chí Linh) thuê người chặt phá vườn chuối như Báo Điện tử Dân Việt phản ánh là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi đó có dấu hiệu của “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” được quy định tại Điều 143, Bộ luật Hình sự.

Theo đó “Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”

Nếu phạm tội có tổ chức; để che giấu tội phạm khác; tái phạm nguy hiểm hoặc số chuối bị thiệt hại có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Nếu số chuối bị thiệt hại có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

Nếu số chuối bị thiệt hại có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

Bên cạnh việc phải chịu hình phạt, người phạm tội còn phải bồi thường thiệt hại cho ông Quân.

Việc tự ý thuê người đến chặt hạ vườn chuối của gia đình ông Quân (không được sự đồng ý của ông Quân cũng như không hề thông báo cho ông Quân và chính quyền) là hết sức coi thường pháp luật, theo kiểu côn đồ.

Vậy ông Quân phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình, khi mà tài sản của mình bị hủy hoại?

Như tôi đã nói trên, vụ việc có dấu hiệu của “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”, do đó ông Quân cần trình báo với cơ quan điều tra. Cơ quan Điều tra cần nhanh chóng vào cuộc để ngăn chặn, xử lý nghiêm. Có như thế quyền lợi chính đáng của công dân mới được bảo vệ, và quan trọng hơn còn tránh được những sự việc xấu có thể xảy ra.

Nhưng ông Chí lại cho rằng, ông Quân đã trồng chuối trên đất của Công ty Chí Linh, mặc dù công ty đã nhiều lần yêu cầu ông Quân phải di chuyển nhưng ông Quân lại không thực hiện. Trong khi đó ông Quân lại cho rằng đất đang trồng chuối là đất mà gia đình đã khai hoang từ những năm 1980. Trong trường hợp này, ông Chí phải làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của công ty, lại vừa đúng pháp luật?

Đại diện của Công ty Chí Linh có quyền làm đơn yêu cầu quan chức năng giải quyết tranh chấp (khiếu nại hoặc khởi kiện đến Tòa án). Nếu quyết định giải quyết khiếu nại (hoặc quyết định của Tòa án) khẳng định đất mà ông Quân trồng chuối đó thuộc quyền sử dụng của ông Công ty Chí Linh thì kết luận đó cũng sẽ nêu rõ trách nhiệm của ông Quân trong việc xử lý vườn chuối của mình. Nếu ông Quân không thực hiện nghĩa vụ đó thì việc cưỡng chế để thi hành án hoặc thi hành Quyết định hành chính đối với vườn chuối sẽ do cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định.

Cảm ơn Luật sư!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem