Bạc Liêu: Cảnh báo rủi ro chơi hụi... lúa mùa

Chúc Ly Thứ ba, ngày 23/05/2017 09:20 AM (GMT+7)
Thời gian gần đây, nhiều vùng nông thôn ở Bạc Liêu xuất hiện một hình thức hùn vốn “lạ đời”: chơi hụi lúa mùa (HLM). Người dân đổ xô góp vốn và rồi có người trắng tay vì bị… giựt hụi.
Bình luận 0

Thời gian dây hụi dài lê thê

Theo người dân địa phương, HLM là hình thức hụi mở theo vụ lúa hàng năm. Sau khi kêu gọi đủ hụi viên để lập 1 dây hụi, cứ sau mỗi vụ thu hoạch lúa (vụ lúa từ 3-4 tháng) sẽ tổ chức bỏ thăm ra giá để hốt hụi, lúc này ai bỏ cao sẽ được hốt. Mỗi năm làm 3 vụ lúa nghĩa là có 3 người được hốt. Tùy theo số lượng hụi viên tham gia mà chủ hụi quyết định thời gian và số tiền huy động của dây hụi.

img

Anh Liêm lao đao vì bị hụi viên giựt gần 100 triệu đồng. Ảnh: Chúc Ly

Theo tìm hiểu của phóng viên Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, phần lớn những dây hụi này thường có nhiều người tham gia, dẫn đến thời gian kéo dài. Theo bà Phạm Thị Lê (xã Hưng Phú, huyên Phước Long), người từng tham gia chơi HLM cho biết: “Thông thường các dây hụi từ 10-15 hụi viên; tuy nhiên cũng có những dây hụi lên đến 20 - 25 hụi viên; thời gian kéo dài 5 - 7 năm, có khi cả chục năm và người chơi cứ góp vốn đều đều trong thời gian này. Cũng có người tham gia 2 - 3 chân hụi cùng lúc”.

Còn theo bà Nguyễn Kim Liễu (ấp Thanh Sơn, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình): “Chơi HLM xuất phát điểm là một hình thức góp vốn rất tốt, tạo điều kiện cho bà con vùng nông thôn tiết kiệm được tiền sau mỗi vụ lúa, hoặc giúp những người khó khăn xoay sở trong lúc cấp bách. Tuy nhiên, cũng do thời gian một dây hụi thường kéo dài quá lâu nên tạo ra một số bất cập. Nhiều người chơi cùng lúc nhiều dây hụi, có khi làm mất giấy hụi rồi xảy ra cự cãi”.

img

Những giấy nhận hụi ghi tay rất sơ sài. Ảnh: Chúc Ly

Lãi ít, rủi ro cao

Mặc dù có số tiền huy động khá lớn, nhưng theo người chơi HLM, hình thức này chủ yếu để tiết kiệm tiền chứ thật ra không có nhiều lãi. Đồng thời, việc thu hồi vốn chỉ dựa vào “uy tín” của chủ hụi. Bên cạnh đó, chơi HLM phụ thuộc nhiều vào việc thu hoạch lúa sau mỗi mùa vụ. Nếu mùa màng thất bát, tình trạng giựt hụi, vỡ hụi xảy ra ngày càng nhiều khi hụi viên không có đủ khả năng chi trả.

"HLM phụ thuộc nhiều vào tình hình sản xuất của bà con nông dân, khi mất mùa bà con không có tiền đóng dễ dẫn đến rủi ro vỡ hụi. Với hình thức này bà con không nên mở rộng quá nhiều thành viên cũng như giữ giá trị dây hụi vừa phải, tốt nhất chỉ nên chơi hụi với người thân trong nhà”.

Ông Nguyễn Văn Phúc 
- Phó Bí thư thường trực xã Phong Thạnh Tây B, huyện Phước Long

Anh Nguyễn Thanh Liêm - một chủ hụi tại ấp Thanh Sơn, xã Vĩnh Bình than vãn: “Tính đến nay tôi có khoảng 4, 5 dây hụi bị hụi viên giựt tiền, tổng số tiền lên đến gần 100 triệu đồng. Ở những chân hụi, lúc  đầu hụi viên đóng tiền rất sòng phẳng, tuy nhiên càng về sau thì càng chây ỳ, không chịu đóng tiền dù đã hốt từ rất lâu. Tôi phải xuất tiền nhà để lắp tiền cho các hụi viên khác”.

Ông Trần Văn Ngỗ - Trưởng ấp Thanh Sơn lý giải: “Hụi viên phải nuôi hụi tới cùng thì mới có lãi, còn hốt hụi trước chắc chắn chịu lỗ vì phải bỏ giá rất cao. Tại địa phương đã có nhiều trường hợp hụi viên hốt hụi rồi không đóng tiền, bỏ xứ đi xa; cũng có trường hợp chủ hụi do bị quá nhiều hụi viên giựt tiền nên giựt lại của hụi viên khác, rồi xảy ra đánh nhau cũng vì chơi HLM”.

“Trong năm 2016, ấp đã nhận được 3 đơn khiếu nại từ lùm xùm HLM. Tổ hòa giải của ấp chỉ đứng ra khuyên răn người thiếu tiền thực hiện đúng như cam kết vì chơi HLM là hình thức người dân tự thỏa thuận với nhau, không có giá trị pháp lý” - ông Ngỗ thông tin.

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Văn Thới - Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình, cho biết: “Đây là hình thức chơi hụi mới, tự phát trong dân và dựa vào thỏa thuận với nhau, chưa có giá trị pháp lý, địa phương sẽ cho rà soát để có những khuyến cáo với bà con nông dân”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem