Vụ chìm tàu Trường Hải 06 và cái giá quá đắt

Thứ ba, ngày 22/02/2011 10:40 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau vụ chìm tàu, chưa cần đến chủ tàu thận trọng, các du khách, đặc biệt là khách nước ngoài có vẻ không còn thực sự mặn mà với các tour du lịch trên biển.
Bình luận 0

Du khách ngại qua đêm trên biển

Mấy ngày qua, có mặt tại cầu cảng Bãi Cháy, chúng tôi nhận thấy số lượng tàu rời bến đưa khách đi tham quan ít hơn hẳn so với bình thường.

img
Nhiều du khách nước ngoài tại cảng tàu Bãi Cháy băn khoăn khi biết thông tin về vụ đắm tàu Trường Hải 06.

Tất nhiên, một phần do UBND tỉnh Quảng Ninh đã kêu gọi tất cả các tàu chở khách hoạt động trên vịnh về bến vào thời điểm ấy, nhưng ngay cả các chủ tàu cũng tỏ ra e ngại vì… chẳng biết có lệnh cấm tàu ngủ đêm trên vịnh hay không. Mà chưa cần đến chủ tàu thận trọng, các du khách, đặc biệt là khách nước ngoài có vẻ không còn thực sự mặn mà với các tour du lịch trên biển.

Chị Melinda Meis - du khách Hà Lan cho biết: “Tôi mua tour du lịch tham quan các thắng cảnh tại Hạ Long. Nhưng bây giờ, khi biết tin về vụ đắm tàu tại đây, tôi quyết định đổi địa điểm du lịch và sẽ trở về thăm thú phố cổ Hà Nội chứ không lênh đênh trên biển nữa”.

Vụ chìm tàu ở vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đang tạo ra những tác động không tốt đến ngành du lịch Quảng Ninh. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để các cơ quan chức năng nghiêm túc rà soát lại để tránh lặp lại những sự cố đáng tiếc.

Hiện chưa phải là mùa du lịch nên du khách tại Quảng Ninh chủ yếu là người nước ngoài. Anh Vũ Hồng Điệp - hướng dẫn viên du lịch của Hải Yến Travel (trụ sở tại Hà Nội) cho biết:

“Mấy ngày qua, số lượng khách nước ngoài du lịch trên biển ở Quảng Ninh giảm đáng kể. Một phần vì các tàu rời bến khá thận trọng hoặc tạm thời không tổ chức dịch vụ nghỉ đêm trên biển. Nhưng mặt khác, du khách có phần thiếu tin tưởng về độ an toàn của các tàu sau khi biết thông tin về vụ đắm tàu Trường Hải 06. Nhiều người đã đổi tour và quay lại Hà Nội hoặc chỉ du lịch trên bờ tại Quảng Ninh chứ không lên tàu ra biển nữa”.

Anh Nguyễn Duy Quyết - thuyền trưởng tàu Halong Sails 99, người tham gia cứu các du khách trong vụ đắm tàu Trường Hải 06 tâm sự: “12 năm làm việc trên vịnh Hạ Long, tôi chưa bao giờ chứng kiến tai nạn nặng nề như vậy. Song thực tế, tai nạn nói trên không phải là lần đầu tiên xảy ra tại Hạ Long. Lần gần nhất, vào ngày 24.9.2009, tàu du lịch của Công ty TNHH Biển Mơ đắm trên vịnh, khiến 5 người thiệt mạng (trong đó có 3 người nước ngoài).

Chưa có quy chuẩn tàu nghỉ qua đêm

Năm 2010, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với doanh nghiệp Biển Mỏ mở lớp đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho hơn 30 thuyền viên. Tuy nhiên, con số này chẳng thấm tháp vào đâu so với gần 600 nhân viên phục vụ chưa được đào tạo cơ bản.

Về vấn đề quy chuẩn tàu nghỉ qua đêm trên biển, ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh thừa nhận:

“Hiện nay chưa có quy chuẩn, chẳng hạn như tàu nghỉ đêm trên biển là tàu sắt hay tàu gỗ. Thực tế, dịch vụ nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long cũng là loại hình du lịch mới và tỉnh Quảng Ninh đang vừa làm, vừa điều chỉnh, tham khảo thêm từ phía các cơ quan chuyên môn, các bộ, ngành liên quan. Tổng cục Du lịch cũng đang tiếp cận vấn đề này để sắp tới sẽ đưa ra khuôn mẫu”.

Trao đổi với Ban Quản lý vịnh Hạ Long, ông Ngô Văn Hùng -Trưởng ban Quản lý cho biết, hiện tại có khoảng 300 tàu chở khách trên vịnh Hạ Long, trong đó có 130 tàu nghỉ qua đêm. Dù các tàu đều được kiểm tra về chất lượng, nhưng rõ ràng có rất nhiều vấn đề khiến du khách, nếu biết sẽ không cảm thấy an tâm khi tham gia du lịch nghỉ qua đêm trên biển.

Đầu tháng 12.2010, Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Quảng Ninh phối hợp với Doanh nghiệp tư nhân Biển Mơ mở lớp đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho hơn 30 thuyền viên phục vụ trên các tàu nghỉ đêm tiêu chuẩn 3 sao. Tuy nhiên, con số này chẳng thấm vào đâu so với gần 600 nhân viên phục vụ chưa được đào tạo cơ bản trên các tàu nghỉ qua đêm tại Hạ Long.

Bên cạnh đó, một số chủ tàu cũng cho biết, việc kiểm tra chất lượng tàu trước đây được tiến hành chưa thực sự chặt chẽ, kỹ năng phục vụ của các nhân viên trên tàu cũng theo kiểu “cây nhà lá vườn”. Thế nên mới có chuyện tàu Trường Hải 06 vẫn trong thời hạn đăng kiểm lại gặp sự cố và thuyền trưởng thì không bám trụ với tàu đến cùng.

Sau khi xảy ra vụ đắm tàu Trường Hải 06, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 462/QĐ-UBND về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, tổng rà soát, kiểm tra chất lượng tàu lưu trú nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long.

Tất cả các tàu đăng ký hoạt động phục vụ khách du lịch lưu trú nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long sẽ được kiểm tra về tiêu chuẩn kỹ thuật của tàu theo tiêu chuẩn đăng ký, đăng kiểm; dịch vụ phục vụ khách du lịch; tiêu chuẩn về đội ngũ thuyền viên và nhân viên phục vụ, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường; trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, cứu nạn…

Việc kiểm tra đã được tiến hành từ ngày 19.2 và kéo dài đến hết ngày 23.2. Kết quả đợt kiểm tra sẽ được báo cáo UBND tỉnh vào ngày 24.2.

Ông Đặng Huy Hậu cho biết: “Chủ trương của tỉnh là có thể rút bớt số lượng để bảo đảm hoạt động tốt, an toàn hơn” bởi cũng như ông Hậu khẳng định thì: “Cái giá phải trả của vụ chìm tàu Trường Hải 06 quá đắt”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem