Liên quan đến sự việc cô dâu xinh đẹp được cho là "ôm tiền" bỏ trốn trong ngày cưới gây xôn xao dư luận những ngày qua, cô dâu được xác định là chị L.T.A (SN 1999, trú xã Na Tông, huyện Điện Biên).
Chú rể nhận "cay đắng tủi nhục" phải thông báo hoãn cưới là N.V.T (SN 1995, huyện Phú Lương, Thái Nguyên).
Trao đổi với PV, một người thân trong gia đình chú rể cho biết: "Hôm lên đón dâu người nhà tôi phát hiện cô dâu đã bỏ đi rồi, nếu không cưới được người, gia đình sẽ đòi lại số tiền đưa nhà gái trước đó".
Cùng ngày Trưởng công an xã Na Tông nơi xảy ra sự việc kể lại: "Giữa cô dâu và chủ rể thích nhau rồi yêu nhau như thế nào địa phương không nắm được. Trước đó cô dâu đi làm ăn xa và thỉnh thoảng mới về nhà.
Nhà gái trước hôm tổ chức có mời chúng tôi xuống đám cưới, bản thên tôi cùng nhiều người đến nhưng cũng không biết chồng cô dâu tên là gì. Sau khi ăn uống ở đám cưới, uống ba chén rượu thì tôi về. Đến khoảng gần 11 rưỡi trưa ngày hôm sau, tôi có nhận cuộc điện thoại của trưởng công an xã khác gọi hỏi về vấn đề cô dâu bỏ trốn chứ không liên quan đến chuyện tiền nong.
Lúc sau tiếp tục có một người gọi điện trình bày về việc lấy vợ và cô dâu bỏ trốn, đề nghị công an tìm vợ cho người đó.
Tôi cũng hỏi han tình hình thế nào, sao bỏ trốn nhưng qua điện thoại người đó trình bày không được nhiều. Người đàn ông này kể lên đón dâu nhưng không thấy cô dâu đâu và có nói tới số tiền đặt cọc để tổ chức đám cưới, chuyện này dẫn đến hai bên gia đình xô xát định đánh nhau. Nếu có việc cô dâu bỏ trốn chúng tôi cũng không nắm được. Trước yêu cầu công an xã tìm vợ cho chú rể, chúng tôi cũng không thể tìm được".
Anh T và chị A trong ngày ăn hỏi.
Theo Trưởng công an xã, sau khi nắm được sự việc, Phó công an xã đã tới gia đình cô dâu giải thích. Trước khi cưới nhà trai đến nhưng không ai báo chính quyền địa phương, không có giấy đăng ký kết hôn, họ chỉ mời đám cưới vậy nên không ai biết chú rể là người ở đâu.
Trưởng công an xã cũng nhận định, việc cô dâu ôm tiền bỏ trốn không ai xác định được, có thể cô dâu vẫn ở nhà? Ở địa phương từ xưa đến nay diễn ra nhiều đám cưới hỏi đàng hoàng, không bao giờ xảy ra sự việc như vậy.
Trao đổi thêm với PV, Chủ tịch UBND xã Na Tông chia sẻ: "Người nhà trai đến địa bàn xã nhưng không đăng ký tạm trú, không đăng ký kết hôn. Việc cưới hỏi là tự hai bên gia đình thỏa thuận. Tôi cũng nghe thông tin gia đình chú rể đưa cho nhà cô dâu 9 triệu tiền làm đám cưới. Sau khi kiểm phong bì mừng cưới gia đình cô dâu được 17 triệu.
Tối hôm trước, cô dâu có bảo đi thắp hương cho mẹ đẻ đã mất nhiều năm rồi không về nữa. Hôm sau nhà trai điện lại cho công an xã về việc trên, tuy nhiên chúng tôi cũng giải thích khi họ đến đăng ký mới bảo vệ quyền công dân, nghĩa vụ. Giờ có chuyện gì xảy ra chúng tôi có trách nhiệm nhưng chỉ trách nhiệm nắm tình hình chung, khi hai bên xô xát chúng tôi xử lý về hành vi gây mất trật tự".
Vị Chủ tịch xã giải thích, xã Na Tông là xã biên giới nên khi vào địa bàn xã phải đăng ký tạm trú. Theo đại diện xã, từ hôm đó tới nay không thấy gia đình hai bên gọi điện hay lên xã kiến nghị về vụ việc.
Trước đó theo thông tin trên Một thế giới chia sẻ, giữa anh T và chị A quen nhau được một tháng thì tiến đến hôn nhân.
"Đừng vì sự bồng bột của mình mà làm khổ người khác, tiền bạc thì chẳng đáng là bao, tiêu vài ngày là hết, nhưng đây sẽ là nỗi nhục nhã, xót xa cứa thành từng vết sẹo hẳn sâu vào trái tim, suốt đời không thể gột rửa", anh T. chia sẻ sau đó.
Thu Thảo (Đất Việt)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.