Vụ Công ty GFDI tại Đà Nẵng đóng cửa: Người dân chuyển tiền cho doanh nghiệp nhưng không có hoá đơn

Viết Niệm Thứ năm, ngày 07/11/2024 13:29 PM (GMT+7)
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, khi chuyển tiền, người dân đã ký với Công ty GFDI một bản hợp đồng vay tài sản không có hoá đơn chứng từ. Trong đó, người dân đồng ý cho doanh nghiệp này vay một khoản tiền với một lãi suất nhất định.
Bình luận 0

"Đầu tư 1 tháng thì Cty đóng cửa" 

Như Dân Việt đã đưa tin, sáng ngày 6/11, hàng chục khách hàng đã có mặt tại trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) sau khi công ty này đột ngột thông báo đóng cửa toàn quốc. Bên cạnh đó, trên mạng xã hội cũng xuất hiện một tâm tư của vị Tổng giám đốc Công ty GFDI Nguyễn Quang Hoàng. Nội dung tâm thư nói về việc do tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu nói chung và thực trạng nền kinh tế Việt Nam chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch nói riêng.

Sau khi bức tâm thư được lan truyền, hàng chục khách hàng đã đến trụ sở Công ty GFDI túc trực để đòi quyền lợi. Bên trong, lực lượng công an địa phương có mặt để đảm bảo an ninh.

Vụ Công ty GFDI tại Đà Nẵng đóng cửa: Người dân chuyển tiền cho doanh nghiệp nhưng không có hoá đơn- Ảnh 1.

Người dân thất thần ngồi trước trụ sở công ty GFDI khi có thông tin công ty này ngưng hoạt động. Ảnh: Viết Niệm.

Được biết, khách hàng muốn ký kết hợp đồng đầu tư (ký kết hợp đồng cho vay) vào Công ty GFDI phải đáp ứng số tiền thấp nhất 120 triệu đồng, 50%/năm (trả 1 lần cả lãi và gốc sau khi hết hạn). Ngoài ra, công ty cũng có kỳ hạn trả lãi suất 3, 6 và 9 tháng tùy nhu cầu khách hàng.

Bên cạnh đó, công ty còn có nhiều chương trình ưu đãi thu hút khách hàng. Chẳng hạn, trong tháng 11, khách hàng ký mới hợp đồng giá trị dưới 500 triệu đồng sẽ được tặng tiền mặt 0,5% giá trị hợp đồng; hay hợp đồng từ 1 tỷ đồng trở lên được tặng tiền mặt giá trị 1,5% hợp đồng.

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt khi chuyển tiền, người dân đã ký với Công ty GFDI một bản hợp đồng vay tài sản. Trong đó, người dân đồng ý cho doanh nghiệp này vay một khoản tiền với một lãi suất nhất định. Lãi suất tùy theo mỗi hợp đồng mà người dân cho Công ty GFDI. Cụ thể, có hợp đồng sẽ ký với lãi suất 3% cho 3 tháng hay có hợp đồng kỳ hạn với lãi suất 12% cho một năm. Thậm chí những khách hàng kéo được nhiều khách cho công ty nhận được hợp đồng lãi suất cho vay lên tới 3,5% mỗi tháng, tức cao hơn 50%/năm. Điều đáng lưu ý là khi chuyển tiền cho doanh nghiệp này, người dân cho biết không có hóa đơn chứng từ.

Tiền lãi được trả cùng với tiền gốc sau khi kết thúc thời hạn vay. Thời gian thanh toán tiền gốc và lãi không quá 3 ngày kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thanh toán.

Hợp đồng cũng nêu rõ, nếu sau khi kết thúc thời hạn vay, Công ty GFDI không thanh toán cho người dân đúng thỏa thuận sẽ phải chịu lãi suất quá hạn theo quy định của pháp luật.

Vụ Công ty GFDI tại Đà Nẵng đóng cửa: Người dân chuyển tiền cho doanh nghiệp nhưng không có hoá đơn- Ảnh 2.

Hợp đồng GFDI ký với khách hàng.

Trao đổi với PV, ông T.T.T.V (trú quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cho biết đã đầu tư vào công ty từ năm 2020 với số tiền là 120 triệu đồng, kèm theo lãi suất là 50% tương đương 60 triệu đồng/năm. "Lúc đầu công ty trả đúng hẹn, cứ đến ngày giờ thì họ sẽ gọi điện thoại để ký hợp đồng và chuyển lãi cho mình. Sau đó, họ đưa ra các gói dự án để kêu gọi mình đầu tư thêm. Thấy lãi suất cao nên tôi đã đồng ý và đầu tư đến giờ. Đến nay, tổng số tiền đầu tư gần 600 triệu đồng", ông T.V cho hay.

Tương tự ông Tuấn (Hải Châu, TP Đà Nẵng) chia sẻ, vừa đầu tư vào đầu tháng 10 với số tiền hơn 1 tỷ đồng. "Đợt rồi tôi bán mảnh đất được hơn 1 tỷ đồng, tính đầu tư vào đây với hợp đồng 3 tháng để kiếm tiền lãi lo cho cháu ngoại. Nhưng đầu tư mới được 1 tháng thì nghe thông tin công ty đóng cửa, hôm ngày 5/11 vẫn thấy công ty kêu gọi vốn, giờ không biết phải làm như thế nào", ông Tuấn chia sẻ thêm.

Người dân có bị dính đến pháp luật khi cho vay với lãi xuất cao hơn ngân hàng?

Trả lời báo Dân Việt, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật) cho rằng việc hưởng lãi suất 30% với tổng tiền gốc là 1 tỷ đồng khi ký kết hợp đồng vay, cần xem xét rõ mức lãi suất này được quy định trong bao lâu. Hiện nay, theo Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, mức lãi suất không được vượt quá 20%/năm. Nếu vượt quá, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Luật sư Bình cho rằng, nếu đây là thỏa thuận dân sự giữa công ty và nhà đầu tư, mức lãi suất này chưa rõ là do bên nào đề xuất. Giả sử việc đề xuất mức lãi này do phía công ty tự đưa vào hợp đồng với mục đích cam kết sinh lời cao để thu hút vốn đầu tư, lỗi không hoàn toàn nằm về phía nhà đầu tư. Trong trường hợp này, có thể xem xét xử lý theo hướng hợp đồng vô hiệu một phần theo quy định của Bộ luật Dân sự. Theo đó, phần lãi vay thỏa thuận vượt quá 20% sẽ không có hiệu lực. Việc thỏa thuận vượt quá 20% không phải là cơ sở dẫn đến hợp đồng vô hiệu hoàn toàn, vì nhà đầu tư thực chất đã góp tiền vào công ty với mong muốn sinh lợi nhuận và mong muốn này xuất phát từ lời giới thiệu của công ty.

Vụ Công ty GFDI tại Đà Nẵng đóng cửa: Người dân chuyển tiền cho doanh nghiệp nhưng không có hoá đơn- Ảnh 3.

Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật).

Hoạt động kinh doanh của công ty là do công ty quyết định, còn việc ký kết hợp đồng thỏa thuận với khách hàng thuộc một phạm trù khác, trong đó các bên đã xác lập rõ quyền và nghĩa vụ của mình. Việc không còn lợi nhuận từ các khoản đầu tư không đồng nghĩa với việc công ty có quyền từ chối các nghĩa vụ đã cam kết khi nhận tiền của các nhà đầu tư.

Nếu hoạt động kinh doanh không hiệu quả và công ty buộc phải thực hiện thủ tục phá sản, thì ngay trước đó công ty vẫn cần thực hiện các nghĩa vụ trả nợ đối với các nhà đầu tư theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Phá sản.

Về phía các nhà đầu tư, họ có quyền đòi lại số tiền đã đầu tư và có thể khởi kiện công ty ra tòa để bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên, quá trình này có thể kéo dài và tốn kém.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem