Scandal điểm thi ở Thái Bình: Lấy gì bù đắp cho những khủng hoảng tinh thần?

Đào Tuấn Thứ năm, ngày 22/08/2024 07:00 AM (GMT+7)
Cứ cho là giải thích của UBND tỉnh Thái Bình rằng vụ scandal điểm thi chỉ là hậu quả của lỗi kỹ thuật là đúng, và cách sửa sai là áp dụng cập nhật mới để “đỗ thành trượt và trượt thành đỗ”, thật ra đó cũng chưa phải là công bằng cho tất cả…
Bình luận 0

Vụ bất thường điểm thi vào lớp 10 THPT công lập năm 2024 – 2025 tại Thái Bình đang nhận được nhiều quan tâm từ dư luận. Sau khi có đơn thư phản ánh của công dân, UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra đột xuất Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình và kết luận, đã xảy ra vi phạm khi không thực hiện đúng quy định trong quá trình thực hiện việc "Hồi phách bài thi tự luận".

Cụ thể, khi phát hiện có sai sót trong quá trình “Hồi phách bài thi tự luận”, Ban Thư ký không lập biên bản mà chỉ ghi lại thông tin những thí sinh có sai sót, báo cáo Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi và việc ông Nguyễn Viết Hiển – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo kỳ thi không xác định rõ nguyên nhân và có biện pháp khắc phục, theo Thanh tra tỉnh Thái Bình, là không đúng quy định theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT.

Scandal điểm thi ở Thái Bình: Lấy gì bù đắp cho những khủng hoảng tinh thần?- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Viết Hiển – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo kỳ thi (áo trắng) đã bị Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình gia hạn tạm đình chỉ công tác để phục vụ việc thanh tra. Ảnh: T.Đat

Ông Hiển đã không kiểm tra, giám sát và không kịp thời báo cáo UBND tỉnh Thái Bình về sự cố bất thường này. Thanh tra tỉnh Thái Bình xác định ông Hiển đã không thực hiện đúng quy định trong quá trình thực hiện việc "Hồi phách bài thi tự luận", dẫn đến công bố sai điểm của 1.589 thí sinh, sai điểm chuẩn xét tuyển đợt 1 của 4/12 lớp chuyên thuộc Hội đồng tuyển sinh Trường THPT Chuyên và 11/29 Hội đồng tuyển sinh các Trường THPT đại trà, sai kết quả tuyển sinh của 510 thí sinh.

Trong đó, có 237 thí sinh ở các Hội đồng tuyển sinh các Trường THPT đại trà, 15 thí sinh ở Hội đồng tuyển sinh THPT Chuyên từ không trúng tuyển thành trúng tuyển nguyện vọng 1; 15 thí sinh ở Hội đồng tuyển sinh THPT Chuyên và 243 thí sinh ở các Hội đồng tuyển sinh các Trường THPT đại trà từ trúng tuyển chuyển thành không trúng tuyển nguyện vọng 1.

Ông Phạm Văn Nghiêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã chính thức có lời nhận lỗi trước phụ huynh, học sinh, rằng: UBND tỉnh Thái Bình cũng nhận trách thiếu sót trong công tác lãnh đạo chỉ đạo tổ chức kỳ thi để dư luận băn khoăn; chưa sát sao... cho dù “trách nhiệm chính thuộc về Sở Giáo dục và Đào tạo”.

Ông cũng khẳng định quan điểm của UBND tỉnh là chỉ đạo ngành thanh tra tiếp tục làm rõ các nội dung liên quan những sai sót trong kỳ thi.

Một lời xin lỗi, dầu muộn và dù không phải từ trách nhiệm trực tiếp, vẫn là một lời xin lỗi… Nó thể hiện nỗ lực minh bạch mà địa phương này muốn có.

Xin mở ngoặc: Kỳ thi vào lớp 10 ở Thái Bình diễn ra từ ngày 6 đến 8/6. Ngày 16/6, học sinh bắt đầu tra cứu điểm thi và làm đơn phúc khảo sau khi phát hiện điểm thấp bất thường.

Tố cáo được các vị phụ huynh gửi đến cơ quan chức năng sau đó. Khi kết quả phúc khảo cho thấy nhiều thí sinh có điểm thi ban đầu chỉ 2- 4 điểm, nhưng đã tăng lên 8-9,5 điểm sau phúc khảo.

Quyết định thanh tra đột xuất được Thái Bình được đưa ra ngay sau khi nhận được tố cáo. Công bố quyết định sáng 30/7. 

Tối 31/7, ra quyết định tạm đình chỉ Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo. Ngày 1/8 Thanh tra bắt đầu làm việc, và làm việc liên tục, không nghỉ thứ 7, Chủ nhật. 

Và đến 20/8, UBND tỉnh tổ chức họp báo công khai toàn bộ thông tin. Xác nhận rằng có sai sót.

Cái chặc lưỡi mặc kệ, hay nói theo ngôn ngữ hành chính là “không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc thực thi công vụ” này đã gây ra hậu quả rất tai hại: 2.997 bài thi lệch phách, 2.750 bài thi bị sai điểm. Hàng trăm học sinh “từ đỗ thành trượt”, và ngược lại.

Phải nói lại toàn bộ quá trình minh bạch thông tin ở Thái Bình trong scandal này là để nhấn mạnh nó sẽ không tệ hại, không tai tiếng đến như thế nếu như cái sai được sửa ngay từ khi phát hiện.

Bởi theo kết quả thanh tra, việc một số bài thi bị lệch phách đã được phát hiện ngay từ đầu, nhưng Ban Thư ký không lập biên bản mà chỉ ghi lại thông tin những thí sinh có sai sót và chuyển cho Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi.

Ông Trưởng Ban chỉ đạo, đồng thời là Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Thái Bình lại chẳng xác định nguyên nhân, không đưa ra bất cứ pháp khắc phục sai sót, cũng chẳng báo cáo ai hết kể cả khi phát hiện sự cố. Có nghĩa là kệ!

Scandal điểm thi ở Thái Bình: Lấy gì bù đắp cho những khủng hoảng tinh thần?- Ảnh 3.

Tác giả bài viết, nhà báo Đào Tuấn. Ảnh: DV

Cái chặc lưỡi mặc kệ, hay nói theo ngôn ngữ hành chính là “không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc thực thi công vụ” này đã gây ra hậu quả rất tai hại: 2.997 bài thi lệch phách, 2.750 bài thi bị sai điểm. Hàng trăm học sinh “từ đỗ thành trượt”, và ngược lại.

Không ai nắm tay cả ngày. Sai sót trong thực thi công vụ có xảy ra thì cũng là điều hoàn toàn bình thường. Chỉ có điều, ông Trưởng ban/thầy Giám đốc Sở đã chọn một cách hành xử sai quá sai. Bởi cái sai của người lớn, của các thầy đã đổ hết lên đầu bọn trẻ. Và khiến công bằng, trung thực - những giá trị tối thiểu trong giáo dục trở thành chuyện hên xui.

Cái đáng trách nhất trong scandal điểm thi lớp 10 ở Thái Bình không phải là ở lỗi “nhầm” phách bài thi. Mà ở việc dù đã biết nhầm, nhưng mà kệ.

Cứ cho giải thích của Thái Bình rằng đây chỉ là lỗi kỹ thuật chứ “không có chuyện tiêu cực” là đúng. Và cách sửa sai là áp dụng cập nhật mới để “đỗ thành trượt và trượt thành đỗ”, thật ra đó cũng chưa phải là công bằng cho tất cả.

Vì chẳng có gì bù đắp cho đủ, cho công bằng với những tổn thất tinh thần, thậm chí là cơn “khủng hoảng” của những đứa trẻ giữa ngã rẽ cuộc đời, giữa những lùng nhùng trượt - đỗ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem