Vụ gửi Ngân hàng MSB 85 tỷ chỉ còn vài chục nghìn đồng: Nghĩa vụ bồi hoàn cho khách thuộc về ai?
Vụ gửi Ngân hàng MSB 85 tỷ chỉ còn vài chục nghìn đồng: Nghĩa vụ bồi hoàn cho khách thuộc về ai?
Đình Việt
Thứ bảy, ngày 30/03/2024 07:13 AM (GMT+7)
Hai khách hàng gửi 85 tỷ đồng vào Ngân hàng MSB không hài lòng với câu trả lời của ngân hàng này. Bên cạnh đó, chuyên gia pháp lý cũng phân tích về vụ việc.
Khách hàng chưa thấy thỏa đáng với trả lời của Ngân hàng MSB
Như Dân Việt đã thông tin, sau khi được cán bộ Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Ngân hàng MSB) tư vấn, bà Nguyễn Thị Lân, trú quận Cầu Giấy (Hà Nội) và bà V.T.K.O, trú tại quận Ba Đình (Hà Nội) đã gửi hơn 85 tỷ đồng vào ngân hàng này.
Tuy nhiên, sau đó họ phát hiện tiền gửi của mình từ vài chục tỷ đồng chỉ còn vài chục nghìn đồng. Cụ thể, bà Lân gửi 58,6 tỷ đồng giờ chỉ còn hơn 93 nghìn đồng; bà O. gửi 27,7 tỷ đồng giờ chỉ còn hơn 46 nghìn đồng.
Liên quan đến vụ việc này, đại diện truyền thông của Ngân hàng MSB thông tin với PV Dân Việt: Trong quá trình tra soát hoạt động, đánh giá cán bộ định kỳ tại các chi nhánh, ngân hàng đã phát hiện có dấu hiệu bất thường liên quan đến một số cán bộ nhân viên với một nhóm khách hàng (có quan hệ mật thiết với nhau trước khi tham gia MSB) và chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để làm rõ.
"Hiện, vụ việc đã được Công an thành phố Hà Nội thụ lý, khởi tố vụ án và đang trong quá trình điều tra. Ngân hàng đã, đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong phạm vi được yêu cầu", bộ phận truyền thông của Ngân hàng MSB thông tin.
Phản biện câu trả lời trên, bà Lân cho biết, ngân hàng phát ngôn vậy với báo chí rất dễ gây hiểu nhầm rằng bà và bà O. có quan hệ mật thiết với một số cán bộ, nhân viên Ngân hàng MSB từ trước.
Bà Lân khẳng định, trước khi gửi tiền vào Ngân hàng MSB, bà không hề biết ai ở Ngân hàng MSB. Sau khi được một nhóm cán bộ, nhân viên tại đây tư vấn và trực tiếp dẫn tới hội sở của ngân hàng bà mới tin tưởng, quyết định mở tài khoản và chuyển tiền.
Trước đó, trong công văn phúc đáp khiếu nại của khách hàng, Ngân hàng MSB cho rằng, các hồ sơ, chứng từ mà bà Lân, bà O. cung cấp cho ngân hàng (Giấy xác nhận Thông tin tài khoản/Số dư tài khoản tại các thời điểm) có dấu hiệu bị Bùi Thị Hoài Anh (Giám đốc Trung tâm khách hàng cá nhân, Giám đốc chi nhánh – PV) làm giả, vì khi kiểm tra tài khoản thanh toán của hai khách hàng không phát sinh các giao dịch/bút toán thể hiện số tiền gửi tương ứng như đã liệt kê trên đơn khiếu nại.
Về nội dung này, bà Lân cũng cho rằng chưa thỏa đáng, bởi nếu Bùi Thị Hoài Anh chiếm đoạt tài sản, đó là chiếm đoạt tiền của ngân hàng chứ không phải là khách hàng vì tiền đều được chuyển vào tài khoản của khách hàng mở hợp pháp tại Ngân hàng MSB chứ không phải gửi cho cá nhân Bùi Thị Hoài Anh hay ai khác.
Hơn nữa, sau khi phát hiện sự việc, bà Lân đã đến Ngân hàng MSB yêu cầu sao kê, sao kê thể hiện rõ các lần chuyển tiền vào và rút tiền ra tại tài khoản của bà được mở tại ngân hàng này.
"Vì vậy, ngân hàng nói rằng, khi kiểm tra tài khoản thanh toán của tôi và bà O. không phát sinh các giao dịch/bút toán thể hiện số tiền gửi tương ứng là không chính xác. Tôi phản biện vậy, vì đã hơn 6 tháng từ khi phát hiện sự việc, chúng tôi vẫn chưa nhận được quyền lợi hợp pháp của mình" – bà Lân bức xúc.
Trách nhiệm hoàn trả tiền cho khách thuộc về ngân hàng MSB hay đối tượng lừa đảo?
Theo thông tin mới nhất liên quan đến vụ việc, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.Hà Nội tiếp nhận thông tin của Ngân hàng MSB về việc phát hiện nhân viên ngân hàng này có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam bà Bùi Thị Hoài Anh (SN 1984, Giám đốc Ngân hàng MSB chi nhánh Thanh Xuân). Bước đầu xác định nữ Giám đốc Ngân hàng MSB Thanh Xuân đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của 8 bị hại với số tiền 338 tỷ đồng; cơ quan công an cũng xác định không có đồng phạm.
Dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, để xác định những người có liên quan, cơ quan điều tra sẽ triệu tập lấy lời khai, xác minh thông tin, thu thập các tài liệu chứng cứ từ hệ thống ngân hàng để xác định phương thức, thủ đoạn chiếm đoạt tài sản, hành vi chiếm đoạt tài sản và việc rút, chuyển số tiền trên được thực hiện như thế nào.
Đây là cơ sở để xác định trách nhiệm pháp lý của các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.
Ông Cường khẳng định, trường hợp khách hàng đã thực hiện đầy đủ các thủ tục về mở tài khoản, chuyển khoản, không có lỗi trong việc cung cấp thông tin cho các đối tượng lừa đảo.
Đối tượng lừa đảo đã tự ý truy cập vào hệ thống của ngân hàng hoặc lợi dụng danh nghĩa là cán bộ, nhân viên của ngân hàng để thực hiện thao tác rút tiền, chuyển tiền bằng các giấy tờ giả, người bị hại sẽ được xác định là Ngân hàng MSB và ngân hàng phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền đã mất của khách hàng.
"Vấn đề quan trọng nhất của vụ việc này là xác định hành vi phạm tội được thực hiện như thế nào, tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội thì tài sản thuộc quyền sở hữu của ai, trách nhiệm quản lý của ai" - ông Cường nói.
Cũng liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định pháp luật, khách hàng gửi tiền vào ngân hàng, đây là một dạng hợp đồng gửi giữ tài sản. Thông qua giao dịch gửi tiền, giữa khách hàng và ngân hàng đã xác lập một hợp đồng gửi giữ tài sản.
Căn cứ theo Điều 554 Bộ luật dân sự, hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, còn bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.
Tại Điều 557 Bộ luật dân sự, quy định bên giữ tài sản có nghĩa vụ: Bảo quản tài sản như đã thoả thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ; Chỉ được thay đổi cách bảo quản tài sản, nếu việc thay đổi là cần thiết nhằm bảo quản tốt hơn tài sản đó nhưng phải báo ngay cho bên gửi biết về việc thay đổi.
Bên cạnh đó, báo kịp thời bằng văn bản cho bên gửi biết về nguy cơ hư hỏng, tiêu hủy tài sản do tính chất của tài sản đó và yêu cầu bên gửi cho biết cách giải quyết trong một thời hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên gửi không trả lời, bên giữ có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo quản và yêu cầu bên gửi thanh toán chi phí; phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.
Từ căn cứ trên, luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng, bà Lân, bà O. đã mở tài khoản hợp lệ trên hệ thống của Ngân hàng MSB, sau đó chuyển tiền vào hệ thống. Sao kê cũng thể hiện, khi khách hàng gửi tiền, rút tiền, hệ thống của Ngân hàng MSB đã tự động cập nhật. Vì vậy, việc mở tài khoản giữa khách hàng và Ngân hàng MSB đã phát sinh quan hệ dân sự giữa bên gửi tiền là khách hàng, bên nhận tiền và quản lý tiền là ngân hàng.
Lúc này, tính chất quan hệ dân sự đã được xác định rõ nên trường hợp các khách hàng chứng minh được họ đã mở tài khoản hợp pháp và nộp tiền vào Ngân hàng MSB thì khách hàng là người liên quan trong vụ án và ngân hàng phải có trách nhiệm hoàn trả lại tiền cho khách.
Còn việc cán bộ ngân hàng dùng thủ đoạn gian dối để rút tiền của khách, lúc này Ngân hàng MSB là bị hại của người này. Người thực hiện hành vi phải có nghĩa vụ bồi hoàn cho Ngân hàng MSB và ngân hàng có trách nhiệm trả lại số tiền đó cho khách hàng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.