Vụ hai anh em ruột chém trọng thương trưởng công an xã Tân Hương, có thể bị xử lý ra sao?
Vụ hai anh em ruột chém trọng thương trưởng công an xã Tân Hương, có thể bị xử lý ra sao?
T. Nam - K. Trinh
Thứ ba, ngày 08/10/2024 06:44 AM (GMT+7)
Theo luật sư Huy, trường hợp cơ quan chức năng xác định là có căn cứ, đối tượng chém trọng thương trưởng công an có thể bị khởi tố về Tội Giết người theo quy định tại Điều 123, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Hai anh em chém trọng thương trưởng công an xã ở Yên Bái
Như Báo điện tử Dân Việt đã thông tin, khoảng 15 giờ 30 ngày 4/10, Công an xã Tân Hương, huyện Yên Bình nhận được tin báo của quần chúng nhân dân về Lục Văn Đông (SN 1979, trú tại thôn Khe May, xã Tân Hương), có hành vi dùng kiếm đuổi đánh không cho người dân gặt lúa.
Nhận được tin báo ông Lương Văn Chiến - Trưởng Công an xã Tân Hương cùng với 2 cán bộ công an xã đến để giải quyết vụ việc.
Tại thời điểm trên, đối tượng Lục Văn Đông và Lục Văn Hùng (SN 1975 - là anh trai Đông) dùng dao, kiếm tấn công lực lượng chức năng.
Hậu quả làm ông Lương Văn Chiến bị thương phải đi cấp cứu và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Yên Bình. Sau khi gây án, 2 đối tượng mang theo dao, kiếm và súng tự chế bỏ trốn.
Công an tỉnh Yên Bái, Công an huyện Yên Bình đã huy động lực lượng gần 150 cán bộ, chiến sĩ cùng lực lượng dân quân, quân sự xã tổ chức bao vây, truy tìm hai nghi phạm trên.
Lực lượng chức năng cũng bố trí nhiều chốt chặn các ngả đường khu vực xã Tân Hương, Mông Sơn, Cảm Ân, huy động thêm chó nghiệp vụ để truy bắt.
Đến chiều tối 5/10, ông Tạ Minh Nhất - Chủ tịch UBND xã Tân Hương, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái cho biết, khoảng 15 giờ cùng ngày, lực lượng công an đã vây bắt và khống chế thành công Lục Văn Hùng, khi người này đang lẩn trốn tại nhà một người dân trên địa bàn.
Đối tượng chém công an có thể phải chịu trách nhiệm hình sự
Luật sư Nguyễn Bá Huy - Giám đốc công ty Luật TNHH Tín Hải cho hay, hành vi của hai đối tượng thể hiện tính côn đồ, coi thường pháp luật, xâm phạm đến nhiều khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ. Việc cơ quan điều tra bắt giữ đối tượng về hành vi chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích, thậm chí giết người là có căn cứ, đúng pháp luật.
Trường hợp kết quả xác minh cho thấy đối tượng này nhận thức rõ người thi hành công vụ đến giải quyết sự việc nhưng vẫn cố ý sử dụng dao để tấn công người thi hành công vụ, đâm chém vào những phần trọng yếu trên cơ thể người thi hành công vụ, bỏ mặc hoặc mong muốn hậu quả chết người xảy ra thì đối tượng có thể bị khởi tố về Tội Giết người theo quy định tại Điều 123, Bộ luật Hình sự năm 2015, với hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan điều tra cho thấy đối tượng không có mục đích sát hại người thi hành công vụ, hành vi không dẫn đến hậu quả người thi hành công vụ có thể tử vong thì có thể sẽ bị xử lý về Tội cố ý gây thương tích với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là với người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 134, Bộ luật hình sự 2015.
Ngoài ra, với hành vi sử dụng kiếm tự chế thì đối tượng có thể bị xử lý hình sự theo Điều 306, Bộ luật hình sự năm 2015, với hình phạt tù thấp nhất là 3 tháng, cao nhất là 7 năm. Người có hành vi phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 đến 05 năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.