Vụ lúa đông xuân 2019-2020: Nguy cơ thương lái tháo chạy

Trần Cửu Long Thứ tư, ngày 25/12/2019 15:30 PM (GMT+7)
Tại tỉnh Long An, qua các mùa lúa gần đây cho thấy, số lượng doanh nghiệp ký liên kết thu mua lúa cho nông dân ngày càng thưa thớt. Và dự báo vụ lúa đông xuân 2019-2020, tình hình mua bán lúa sẽ rất khó khăn cho nông dân.
Bình luận 0

Đến nay, toàn tỉnh Long An gieo sạ hơn 203.000ha lúa đông xuân 2019 - 2020, đạt 89,7% kế hoạch (227.260ha). Hiện, một số địa phương đã bắt đầu thu hoạch lúa đông xuân sớm. 

img

Thương lái thu mua lúa cho bà con nông dân ở Đồng Tháp Mười.

Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 12/2019, mới chỉ có 5 doanh nghiệp và 1 hợp tác xã tham gia cánh đồng lớn với kế hoạch đăng ký thu mua lúa cho nông dân hơn 1.770ha.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Long An, vụ đông xuân 2018 - 2019, trên địa bàn tỉnh có 27 doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết xây dựng 115 lượt cánh đồng lớn với 3.605 hộ tham gia; diện tích thu hoạch hơn 10.900ha.

Tuy nhiên, khi nông dân thu hoạch lúa, đã có một nửa số doanh nghiệp này “bỏ của chạy lấy người”. Diện tích thu mua theo hợp đồng liên kết chỉ hơn 7.800ha.

Vụ hè thu năm 2019, có 26 doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết xây dựng cánh đồng lớn với 94 lượt cánh đồng, đăng ký diện tích hơn 7.900ha với 2.703 hộ tham gia. Đến nay, đã thu hoạch 7.770ha, các doanh nghiệp mới thu mua diện tích hơn 5.100ha. Diện tích lúa thu hoạch còn lại nông dân buộc phải bán ra ngoài.

Nguyên nhân, một số nông dân tự ý lấy cọc bên ngoài khi chưa tới thời điểm chốt giá thu mua theo hợp đồng. Một số trường hợp nông dân sau khi ký biên bản chốt giá thu mua với công ty nhưng khi thương lái vào trả giá cao hơn đã bán cho bên ngoài.

Song song đó, một số doanh nghiệp khi thấy giá lúa bất ổn đã tháo chạy, “lật kèo” nhà nông, không mua hết sản lượng lúa theo hợp đồng.

img

Tại Long An vụ lúa đông xuân này đang khá thưa thớt thương lái đăng ký mua lúa cho bà con nông dân.

Hiện, trên địa bàn huyện Tân Hưng, một số diện tích vụ đông xuân 2019 – 2020 (trong số 37.000ha được gieo sạ) đang thu hoạch.

Tuy nhiên, vì tranh thủ gieo sạ sớm nên gặp điều kiện thời tiết bất lợi, số diện tích đang thu hoạch đã cho năng suất và lợi nhuận không cao.

Được biết, phần lớn số diện tích đã cho thu hoạch đều là giống nếp và được thương lái bao tiêu với giá từ 5.450 – 5.500 đồng/kg, năng suất đạt từ 5,5 - 6 tấn/ha. Trừ chi phí, nông dân thu lợi nhuận không cao, chỉ từ 8 - 12 triệu đồng/ha.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Tô Văn Chảnh cho biết, vụ đông - xuân 2018-2019, trên địa bàn có 13 đơn vị doanh nghiệp tham gia thu mua lúa với diện tích liên kết 2.764,9ha.

Đến vụ hè thu 2019, chỉ còn 5 đơn vị doanh nghiệp tham gia thu lúa với diện tích liên kết hơn 2.090ha.

“Việc liên kết đã gặp khó khăn và khó nhân rộng vì thay đổi quy định về doanh nghiệp xuất khẩu lúa, gạo không bị ràng buộc về nguồn gốc sản phẩm, vùng nguyên liệu. Phần lớn các doanh nghiệp đã quay lại phương thức thu mua truyền thống qua “cò” và thương lái”, ông Chảnh chia sẻ.

img

Dự báo thêm một vụ lúa khó khăn cho bà con nông dân.

Tổng kết đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Long An cho thấy, 9 tháng đầu năm 2019, tình hình tiêu thụ nông sản còn khó khăn, chưa ổn định, giá các nông sản, trong đó có lúa, thấp hơn so với cùng kỳ. Một số mô hình cánh đồng lớn còn tình trạng không tuân thủ hợp đồng liên kết.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Nguyễn Chí Thiện, tỉnh đang kêu gọi doanh nghiệp tăng cường thu mua lúa cho nông dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem