Vụ lúa xuân 2014: Bón đồng bộ phân đa yếu tố NPK Văn Điển

Thứ hai, ngày 24/02/2014 14:06 PM (GMT+7)
Phân đa yếu tố NPK chuyên dùng cho cây lúa (loại NPK bón lót 6:11:2 và loại NPK bón thúc cho lúa đẻ nhánh 16.5.17) cung cấp cân đối và đầy đủ 16 chất dinh dưỡng cùng một lúc cho cây lúa trong suốt thời kỳ sinh trưởng và phát triển.
Bình luận 0
1. Nhu cầu dinh dưỡng của cây lúa xuân.

Cây lúa xuân và đông xuân cấy vào tháng 1 – 3, ở giai đoạn đầu phát triển trên nền nhiệt độ thấp 12 – 20 độ C nên phát triển chậm, nhiều yếu tố môi trường bất lợi gây cho cây lúa nhiều sâu và bệnh đặc biệt các bệnh nghẹt rễ, rễ đen làm cho cây kém sinh trưởng.

Đặc biệt ở những chân ruộng chua, nhiễm mặn, đất giàu sét, nhiều kim loại nặng (Fe, Al…), nếu bón phân lân thông thường dễ chuyển thành dạng khó hòa tan tồn trữ lại trong đất, cây trồng khó hút được lượng lân đã bón. Do vậy lân nung chảy Văn Điển rất thích hợp với các chân đất khó khăn, nếu bón 15 – 20kg/sào Bắc Bộ còn có tác dụng khử chua tương đương 7 – 10kg vôi bột làm cho lúa chóng bén rễ hồi xanh và đẻ nhánh hữu hiệu.

img

Trong vụ xuân, nhiệt độ đầu vụ thấp nên ưu tiên bón kali sớm và nhiều hơn vụ khác. Nếu đất được trồng nhiều vụ, thời gian đất được nghỉ ngắn (3- 4 vụ/năm) cần chú ý bón lót kali. Ngược lại, những chân ruộng chỉ cấy 2 vụ lúa và có điều kiện cày ải trong vụ đông thì chỉ cần bón ít và thúc vào các thời kỳ cây cần nhất (đứng cái làm đòng và trước trổ). Bước vào thời kỳ đẻ nhánh vào lúc nền nhiệt độ cao dần 20 - 30 độ C, cây lúa phát triển và phát dục nhanh hơn, cần chú ý bón đạm và kali để đón đòng và giúp cây lúa chắc hạt.

Thời kỳ lúa đẻ nhánh, nhu cầu dinh dưỡng được xem như nhiều nhất. Thường thì vụ xuân sau cấy khoảng hai tuần thời tiết ấm dần, cây lúa phát triển mạnh, bước vào thời kỳ đẻ nhánh và phát dục nhanh hơn.

Các nghiên cứu về phân bón vô cơ cho cây lúa ở thời kỳ này cho thấy tỷ lệ N: K2O: P2O5 phù hợp là 1: 1: 3 tuỳ theo điều kiện đất đai. Ngoài ra cây lúa thời kỳ đẻ nhánh còn cần một tỷ lệ đáng kể canxi (vôi) để khử chua môi trường đất làm cho cây lúa hấp thu thuận lợi các chất dinh dưỡng, silic làm cho cây lúa cứng thành mạch, vỏ cây chống lại sự xâm nhiễm của các loại sâu bệnh, magiê (MgO) làm tăng cường sự quang hợp của cây lúa, S cùng với MgO tăng cường tổng hợp chất khô các chất vi lượng giúp cho cây lúa tổng hợp các men để tạo thành các vitamin và tổng hợp tinh bột.

2. Phân bón đa yếu tố NPK Văn Điển chuyên lúa cho vụ xuân

Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển đang cung ứng cho sản xuất phân đa yếu tố NPK chuyên dùng cho cây lúa (loại NPK bón lót 6:11:2 và loại NPK bón thúc cho lúa đẻ nhánh 16.5.17) cung cấp cân đối và đầy đủ 16 chất dinh dưỡng cùng một lúc cho cây lúa trong suốt thời kỳ sinh trưởng và phát triển.

Cách thức bón phân:

+ Bón lót: Bằng phân ĐYT NPK 6.11.2 chuyên dùng bón lót cho lúa (dạng trộn 3 hạt); thành phần dinh dưỡng: Ngoài các chất đa lượng là N=6%, P2O5=11%, K2O=2%; còn có các chất trung lượng là S=2%, MgO=10%, CaO=20%, SiO2=15% và các chất vi lượng như B, Mn, Zn, Cu, Co... tổng hàm lượng dinh dưỡng trên 60%.

Hoặc phân ĐYT NPK 5.10.3 (dạng vê viên); thành phần dinh dưỡng: Ngoài các chất đa lượng là N=5%, P2O5=10%, K2O=3%; còn có các chất trung lượng là S=2%, MgO=9%, CaO=15%, SiO2=14% và các chất vi lượng như B, Mn, Zn, Cu, Co... tổng hàm lượng dinh dưỡng trên 58%. Hiệu quả đặc biệt rõ rệt khi được bón loại phân này trên chân đất vàn, vàn cao.

+ Bón thúc: Bằng phân ĐYT NPK 16.5.17 chuyên dùng bón thúc cho lúa (dạng trộn 3 hạt). Thành phần dinh dưỡng: Ngoài các chất đa lượng là N=16%, P2O5=5%, K2O=17%; còn có các chất trung lượng là S=2%, MgO=5%, CaO=8%, SiO2=7% và các chất vi lượng như B, Mn, Zn, Cu, Co... tổng hàm lượng dinh dưỡng trên 60%.

- Cách bón:

1. Bón lót:

- Đối với lúa cấy: Bón lúc bừa hoặc trước khi bừa lần cuối, cùng với phân chuồng để vùi sâu phân xuống dưới, sau đó để lắng đất, gạn bớt nước trong rồi mới cấy. Trường hợp nước lớn, ruộng có bờ bao, nước không chảy vẫn bón bình thường, lưu ý tránh không để chảy mất nước đục sẽ mất phân.

- Đối với lúa gieo sạ: Bón ngay khi bừa chít trước khi lên luống gieo sạ. Nếu không có phân chuồng thì bón tăng lượng phân ĐYT NPK 6.11.2 (dạng trộn 3 hạt) hoặc phân ĐYT NPK 5.10.3 (dạng vê viên) bón lót thêm 2-3 kg/sào.

2. Bón thúc:

- Đối với lúa cấy: Bón thúc ngay khi lúa ra lá mới (lá nõn dong).

- Đối với lúa gieo sạ: Bón khi cây lúa có 3,5 – 4 lá (bắt đầu đẻ nhánh).

Chỉ ở những chân ruộng mỏng mầu, rão nước, cát pha thì mới phải bón thúc lần 2 vào thời kỳ đón đòng, dùng 4 - 5kg NPK 16.5.17 để thúc vào buổi chiều tạnh nắng, tuyệt đối không để phân dính trên lá.

Chú ý :

Lúa đã bón đủ liều lượng NPK Văn Điển theo hướng dẫn, thì không phải bón thêm đạm và các loại phân khác. Tuyệt đối không bón lai rai vì sẽ làm lúa sinh trưởng liên tục, nhiều lá, làm cho năng suất và chất lượng giảm.
PGS - TS Mai Quang Vinh (PGS - TS Mai Quang Vinh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem