Nam sinh lớp 8 bị bạo hành vào vùng kín tại Ứng Hoà, Hà Nội
Thời lượng của đoạn clip chỉ quay lại khoảng 16 giây nhưng ngay lập tức gây bức xúc dư luận. Theo nội dung diễn ra trong clip, nam sinh này bị nhóm bạn giữ 2 tay, giữ 2 chân và kéo mạnh về phía cột cờ, gây tác động đến vùng kín.
Trong clip, nam sinh bị các bạn bạo hành gồng người, nhăn nhó kêu la nhưng nhóm bạn vẫn tiếp tục lặp lại những hành vi trên nhiều lần.
Ngoài nhóm học sinh trực tiếp bạo hành, còn nhóm học sinh khác đứng xung quanh hò reo, cổ vũ. Có một nam sinh khác đứng quay lại clip.
Được biết, vụ việc xảy ra tại Trường THCS Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Nam sinh bị bạo hành là học sinh lớp 8 của trường.
Ông Đoàn Vũ Hải, Hiệu trưởng trường THCS Hòa Nam cho biết, sự việc xảy ra ngày 8/11 nhưng tới ngày 24/11 trường mới phát hiện ra. Trường Hòa Nam xác định có 6 học sinh liên quan, gồm 5 em trực tiếp có hành vi không hay với bạn và một em đứng quay clip. Nạn nhân và 6 em này đều là học sinh khối 8.
Xác định sự việc nghiêm trọng, trường THCS Hòa Nam đã báo công an địa phương, phối hợp điều tra.
Đối mặt hình kỷ luật nào?
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, trong vụ việc này, việc đúng sai như thế nào, hậu quả đến đâu, trách nhiệm của các tổ chức cá nhân ra sao sẽ do cơ quan có thẩm quyền xác định trên cơ sở các trình tự thủ tục luật định.
Trường hợp em học sinh lớp 8 có thương tích nghiêm trọng, tổn hại đến tâm lý, sức khỏe, phụ huynh có thể trình báo sự việc với cơ quan công an để được xem xét thụ lý nguồn tin tố giác, làm rõ sự việc để có căn cứ xử lý phù hợp với quy định.
Theo quy định của pháp luật, người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đối với một số tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng được liệt kê tại khoản 2, Điều 14 Bộ luật hình sự.
Đối với trẻ em ở độ tuổi này mà thực hiện hành vi xâm phạm đến sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác nhưng chưa thuộc trường hợp rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng theo mô tả, liệt kê của điều luật, trách nhiệm hình sự sẽ không được đặt ra.
Bởi vậy, trong vụ việc này nếu thương tích của em học sinh là thương tích nhỏ, chưa đến mức độ nghiêm trọng, cơ quan công an sẽ không thụ lý xem xét mà thuộc thẩm quyền giải quyết của nhà trường theo quy định về kỷ luật học sinh.
Ông Cường cho biết, theo quy định của pháp luật, học sinh sinh viên vi phạm kỷ luật, trong đó có đánh nhau, tùy vào tính chất mức độ sẽ phải chịu những hình thức kỷ luật khác nhau.
Hiện nay, vấn đề kỷ luật học sinh sẽ được thực hiện theo quy định tại Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT Điều lệ trường THCS và THPT.
Cụ thể, Điều 37, Thông tư 32 quy định các hành vi học sinh không được làm bao gồm: Mua bán, sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất gây nghiện, các chất kích thích khác và pháo, các chất gây cháy nổ; Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng…
Trong khi đó, khoản 2, Điều 38, Thông tư 32 quy định: Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức: Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm.
Khiến trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.
Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên và căn cứ vào nội quy quy chế cụ thể của cơ sở giáo dục, nhà trường sẽ tiến hành xem xét làm rõ sự việc, nếu phát hiện ra có hành vi vi phạm kỷ luật sẽ tiến hành xử lý kỷ luật theo như phân tích ở trên.
Vị chuyên gia cho rằng, việc xử lý kỷ luật đối với học sinh phải hướng đến mục đích giáo dục và cải tạo, tạo điều kiện cho các em nhận sai và sửa sai. Nghiêm cấm hành vi lợi dụng kỷ luật học sinh để kỳ thị, phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự nhân phẩm của các em.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.