Vì sao người môi giới trong vụ Tân Hiệp Phát có dấu hiệu tội phạm nhưng không bị xử lý?
Vì sao người môi giới để vay tiền ông Trần Quí Thanh có dấu hiệu tội phạm nhưng không bị xử lý?
Quang Trung
Thứ bảy, ngày 25/11/2023 14:10 PM (GMT+7)
Đứng ra môi giới cho bà Đặng Thị Kim Oanh vay ông Trần Quí Thanh 500 tỷ đồng và được hưởng hàng chục tỷ tiền "hoa hồng", nhưng người này không bị xử lý hình sự vì chưa cấu thành tội phạm. Việc này căn cứ vào đâu?
Môi giới để vay tiền ông Trần Quí Thanh, một người nhận hơn 20 tỷ đồng tiền "hoa hồng"
Trong vụ án liên quan đến ông Trần Quí Thanh, cựu Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát, theo kết luận điều tra mới được ban hành, một số người đã môi giới và hưởng "hoa hồng" thông qua việc môi giới vay và cho vay, qua đó "đút túi" hàng chục tỷ đồng.
Điển hình là ông Nguyễn Hoàng Phú (34 tuổi, trú TP.HCM), một người "có trình độ đại học, có kinh nghiệm trong lĩnh vực môi giới, đầu tư bất động sản và hiểu biết pháp luật".
Kết luận điều tra thể hiện, năm 2019, bà Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và phát triển Kim Oanh Đồng Nai cần tiền đầu tư, song không vay được tiền ngân hàng. Tháng 10/2019, ông Phú gặp trợ lý của bà Oanh và tự giới thiệu là "trợ lý của ông Trần Quí Thanh" và đề nghị được gặp bà Oanh để tư vấn nguồn vốn.
Tại trụ sở công ty của bà Oanh, ông Phú cho hay, nếu bà Oanh vay khoảng 500 tỷ đồng thì "chỉ có cách" chuyển nhượng 2 dự án Minh Thành và Nhơn Thành cho ông Trần Quí Thanh. Đồng thời, ông Phú đề nghị bà Oanh phải trả phí môi giới 5% số tiền vay được. Bà Oanh đồng ý với mức phí môi giới này.
Ông Phú sau đó yêu cầu bà Oanh ký hợp đồng môi giới thể hiện mình là trung gian cung cấp dịch vụ tìm kiếm đối tác để bà Oanh hợp tác đầu tư với chi phí 5% tổng giá trị hợp đồng có được.
Sau khi ký hợp đồng môi giới, ông Phú nhiều lần đưa bà Oanh lên gặp ông Thanh để bàn bạc việc vay tiền. Qua phi vụ môi giới này, ông Phú được hưởng 20,65 tỷ đồng theo giá trị thỏa thuận 5% giá trị tiền vay được.
Cảnh sát xác định, hành vi của ông Phú có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với vai trò giúp sức cho ông Thanh, bà Phương, bà Bích (con gái ông Thanh).
Tuy nhiên, ông Phú không bị xử lý hình sự vì cảnh sát cho rằng hành vi của người môi giới này chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Vì sao có dấu hiệu phạm tôi nhưng không bị xử lý hình sự?
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, trong vụ việc này, với diễn biến thể hiện qua kết luận điều tra, có thể thấy rằng ông Phú là người môi giới trong giao dịch dân sự vay tài sản thế chấp bằng cổ phần.
Cơ quan điều tra khởi tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, đề nghị truy tố chứng tỏ cơ quan điều tra xác định quan hệ dân sự, kinh tế này để người bị hại chuyển tài sản cho bị can là tự nguyện và hợp pháp.
Do đó ông Phú với vai trò là người môi giới, được thưởng tiền hoa hồng theo thỏa thuận của các bên. Tại thời điểm phát sinh giao dịch, ông Phú không biết các bị can có mục đích chiếm đoạt tài sản và tội danh cũng quy định sau thời điểm giao dịch diễn ra các bị can mới thành ý định chiếm đoạt tài sản.
Bởi vậy, những người tham gia vào giao dịch trước thời điểm giao nhận tài sản sẽ được xác định là không vi phạm. Nếu bị can có mục đích chiếm đoạt tài sản từ trước khi nhận được tài sản của người bị hại, do có mục đích chiếm đoạt tài sản từ trước nên đã đưa ra thông tin gian dối để nạn nhân trao tài sản thì sẽ xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chứ không xử lý về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Vị chuyên gia phân tích, pháp luật quy định với tội lừa đảo chiếm đoạt, mục đích chiếm đoạt tài sản phải có trước khi nhận tài sản và bằng thủ đoạn gian dối nên đã nhận được tài sản và chiếm đoạt.
Còn tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cũng có thể có gian dối hoặc có vi phạm khác để không trả lại tài sản nhưng thủ đoạn gian dối hoặc các thủ đoạn khác phát sinh sau khi nhận được tài sản thông qua các giao dịch dân sự, kinh tế.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xuất phát từ các quan hệ dân sự kinh tế vay, mượn, thuê tài sản để nhận tài sản một cách hợp pháp. Sau đó bằng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt, bỏ trốn để chiếm đoạt hoặc đến thời hạn trả nhưng không trả sẽ phạm vào tội này.
Vì thế, trong trường hợp ông Phú chỉ tham gia vào giai đoạn đầu là giai đoạn vay mượn tiền và thế chấp cổ phần với vai trò môi giới để hưởng hoa hồng mà không tham gia vào giai đoạn sau (khi các bị can cố tình không trả lại tài sản), không có hành vi nào giúp sức cho các bị can để không trả lại tài sản, hành vi này không vi phạm pháp luật.
Nói một cách chính xác là không có hành vi phạm tội. Còn nếu trường hợp ông Phú có hành vi giúp sức để các bị can chiếm đoạt tài sản sau (cố tình không trả lại tài sản tài sản sau khi đã nhận tài sản của nạn nhân), khi đó hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm về mặt chủ quan của tội phạm, đây là hành vi giúp sức trong đồng phạm.
"Trong vụ án này, cơ quan điều tra không có căn cứ cho thấy ông Phú đã cùng ý chí với các bị can để chiếm đoạt tài sản của người bị hại, giúp sức cho các bị can chiếm đoạt tài sản của người bị hại khi hợp đồng đến hạn nên không đề nghị truy tố là có cơ sở" – ông Cường nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.