Vụ người phụ nữ dùng thìa đút thức ăn vào miệng trẻ một cách thô bạo, có bị xử phạt?
Vụ người phụ nữ dùng thìa đút thức ăn vào miệng trẻ một cách thô bạo, có bị xử phạt?
T. Nam - K. Trinh
Thứ năm, ngày 12/12/2024 07:21 AM (GMT+7)
Theo luật sư, tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả gây ra, người có hành vi dùng thìa đút thức ăn vào miệng trẻ một cách thô bạo có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cùng thời điểm, UBND TP.Vũng Tàu đã phát thông cáo báo chí chính thức liên quan đến vụ việc người phụ nữ dùng thìa đút thức ăn vào miệng trẻ một cách thô bạo xảy ra trên địa bàn phường 7.
Theo UBND TP.Vũng Tàu, người phụ nữ liên quan là bà T.T.B (SN 1976) nhận trông, chăm sóc trẻ tại nhà riêng ở căn nhà trên đường Lê Lợi, phường 7.
Tháng 11/2024, bà B thuê chị B.T.M.L (SN 1999) phụ giúp việc. Đến đầu tháng 12/2024, chị L nghỉ làm việc tại nhà trẻ của bà B.
Trong thời gian làm việc, chị L chứng kiến bà B thường dùng tay bịt mũi, vỗ vào miệng, mặt, đầu, giật tóc, dùng thìa ăn cơm đập vào miệng, dùng điều khiển tivi đập vào miệng trẻ nên quay clip lại.
Sáng 3/12, lúc cho cháu P (SN 2022) ăn cháo, do cháu P bị bệnh, ói không chịu ăn nên bà B dùng tay phải tát 2 cái vào miệng cháu và bóp mũi cháu P.
Đến trưa 5/12, lúc cho cháu một bé ăn cháo, bà B dùng thìa bằng kim loại đập vào miệng của trẻ này.
Khoảng 9h30 ngày 6/12, trong lúc cho cháu T (SN 2023) ăn cháo, do cháu T không chịu ăn nên bà B dùng tay phải vỗ 2 cái vào miệng của T..
Do bé T vẫn không chịu ăn nên bà B cầm điều khiển tivi bằng tay phải đập vào miệng của cháu và tiếp tục dùng tay trái túm tóc cháu T, kéo về phía sau đẩy thìa cháo vào miệng.
Khi T vẫn không ăn, bà B tiếp tục kê đầu lên bắp chân trái của bà, cầm thìa đập vào răng cháu nhiều lần. Đến 16h30 cùng ngày, khi cho cháu T uống thuốc thì bà B tiếp tục dùng tay đập vào miệng bé. Sau khi xảy ra sự việc, UBND TP.Vũng Tàu đã tạm dừng hoạt động của cơ sở và mời bà B làm việc.
Xét thấy hành vi của bà B có hiệu của tội hành hạ người khác nên Cơ quan CSĐT Công an TP.Vũng Tàu đã ra lệnh giữ người, bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và quyết định tạm giữ đối với bà B để tiếp tục xác minh, làm rõ.
Người gây ra vụ việc có thể phải chịu trách nhiệm hình sự
Luật sư Nguyễn bá Huy- Giám đốc Công ty Luật TNHH Tín Hải cho hay, Điều 4, Luật Trẻ em năm 2016 quy định, bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập, xâm hại thân thể, sức khỏe, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em. Tùy vào tính chất, mức độ hành vi mà người giữ trẻ trên sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trước hết với các hành vi dùng tay, vật kim loại, điều khiển tát vào miệng trẻ của bảo mẫu trên là biểu hiện rõ ràng về hành vi đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc họ. Người giữ trẻ trên sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 28, Nghị định 04/2021/NĐ-CP, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Đây là hình phạt hành chính dành cho người vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp cơ quan điều tra xác định cháu bé có thương tích thì có thể khởi tố vụ án hình sự về tội Cố ý gây thương tích được quy định theo Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trường hợp không đủ căn cứ xử lý về tội "Cố ý gây thương tích" nhưng có căn cứ cho thấy hành vi là đối xử tàn ác với học sinh thì cũng có thể xử lý hình sự về tội "Hành hạ người khác" được quy định theo Điều 140, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Người thực hiện hành vi hành hạ, ngược đãi đối với trẻ em còn phải bồi thường cho cha mẹ hoặc người giám hộ của các bé số tiền để bù đắp những tổn thất vật chất thực tế và tổn thất tinh thần.
Ngoài ra, việc cơ sở trông giữ trẻ tự phát không đăng ký, không bảo đảm điều kiện theo quy định là vi phạm pháp luật. Căn cứ điều 34 Nghị định 144/2013, tổ chức và cá nhân vi phạm các điều kiện để thành lập, vận hành cơ sở chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em sẽ bị phạt hành chính lên tới 20.000.000 đồng. Đồng thời, cơ sở cũng buộc dừngg hoạt động và phải trả lại số tiền bất hợp pháp thu được từ việc vi phạm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.