Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố nữ sinh Tống Thị Tùng Linh (SN 2001, ngụ phường Phước Nguyên, TP Bà Rịa) về các tội Giết người theo khoản 1 Điều 123; Mua bán trái phép chất độc theo khoản 1 Điều 311 và Hủy hoại tài sản theo khoản 2 Điều 178, Bộ luật hình sự 2015.
Linh là người đã đầu độc cha ruột là ông Tống Hồng Điệp bằng xyanua. Sau khi giết cha, Linh đốt nhà, dựng hiện trường giả. Bị can bịa chuyện có người xông vào nhà sát hại nạn nhân để trả thù. Vụ án này diễn ra hồi tháng 9/2021 và gây chấn động dư luận thời điểm đó.
Sau vụ việc trên, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi về tội danh và hình phạt của tội sản xuất, tàng trữ, mua bán… trái phép chất độc được quy định thế nào trong Bộ luật hình sự 2015?
Tội sản xuất, tàng trữ, mua bán… trái phép chất độc được quy định thế nào?
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, chất độc là các chất có thể gây hư hại, bệnh, hoặc tử vong cho các cơ thể, thường bằng các phản ứng hóa học hoặc các hoạt tính khác trên phạm vi phân tử, khi một số lượng vừa đủ được cơ thể sinh vật hấp thụ vào.
Chất độc nói chung, chất độc xyanua nói riêng là chất độc rất nguy hiểm đối với sức khỏe và tính mạng của con người, sinh vật, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường xung quanh, là chất có khả năng hủy hoại môi trường sống.
Vì vậy, Nhà nước quản lý chất độc rất chặt chẽ và chỉ những cơ quan, tổ chức nào được phép mới được quyền sản xuất, tàng trữ, sử dụng, vận chuyển hoặc mua bán chất độc.
Hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất độc nói chung, chất độc xyanua nói riêng là có dấu hiệu của tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc được quy định tại Điều 311 Bộ luật hình sự năm 2015.
Theo vị luật sư, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng mua bán trái phép chất độc là hành vi làm ra, cất giữ, chuyển dịch, bán hay mua để bán lại, cướp, bắt cóc nhằm chiến đoạt, cưỡng đoạt, cướp giật, công nhiên chiếm đoạt, trộm cắp, tham ô, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt chất độc.
Mặt khách quan của tội này được thể hiện qua các hành vi như sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất độc.
Hậu quả không phải là yếu tố bắt buộc đối với tội này. Chỉ cần có hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc là đã có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tội phạm này thực hiện hành vi với lỗi cố ý và xâm phạm trật tự quản lý nhà nước về sản xuất, vận chuyển, sử dụng, mua bán chất độc. Ngoài ra còn có thể xâm phạm tới tính mạng, sức khỏe con người.
Về hình phạt, luật sư Hòe cho biết, tội danh này có 4 khung hình phạt. Cụ thể, khung 1 (khoản 1) quy định, người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất độc sẽ bị phạt tù từ 1 đến 5 năm.
Khung 2 (khoản 2) quy định, phạm tội thuộc một trong các trường hợp như: Có tổ chức; Vật phạm pháp có số lượng lớn; Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên…sẽ bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.
Khung 3 (khoản 3) quy định, phạm tội thuộc một trong các trường hợp như: Vật phạm pháp có số lượng rất lớn; Làm chết 2 người; Gây thiệt hại về tài sản từ 500 đến dưới 1,5 tỷ đồng… sẽ bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
Khung 4 là phạt tù từ 15 đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu phạm tội làm chết 3 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.