Vụ truy sát mợ, chém trọng thương chị gái: Vừa điều trị tâm thần về có bị xử lý hình sự?
Vụ truy sát mợ, chém trọng thương chị gái: Vừa điều trị tâm thần về có bị xử lý hình sự?
Quang Trung
Thứ tư, ngày 17/08/2022 06:00 AM (GMT+7)
Sau khi chém chị gái trọng thương, nam thanh niên ở Thanh Hóa vác dao truy sát mợ khiến nạn nhân này tử vong. Bình có biểu hiện của bệnh tâm thần, mới đi điều trị ở Hà Nội về được 20 ngày. Với trường hợp này, pháp luật quy định thế nào?
Trưa 16/8, một lãnh đạo UBND xã Thiệu Công (huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) xác nhận, trên địa bàn vừa xảy ra một vụ án mạng khiến một người bị chém chết, một người bị thương nặng.
Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 6 giờ 45 phút ngày 16/8, Trịnh Thanh Bình (SN 1997, thôn Oanh Kiều, xã Thiệu Công) bất ngờ cầm dao truy sát, chém nhiều nhát vào tay và đầu chị gái Trịnh Mỹ L. (SN 1995).
Sau khi nghe tiếng kêu cứu của chị L., bà Nguyễn Thị N. (SN 1965, là mợ của Bình) đã chạy sang can ngăn thì bị Bình cầm dao đuổi chém.
Bà N. bỏ chạy sang nhà hàng xóm hòng thoát thân nhưng vẫn bị Bình đuổi theo chém tử vong tại chỗ.
Ngay sau khi gây án, Bình đã bị người dân, công an và dân quân địa phương bắt giữ, giao cho cơ quan điều tra.
Lãnh đạo xã Thiệu Công cho biết thêm, Trịnh Thanh Bình có biểu hiện của bệnh tâm thần, mới đi điều trị ở Hà Nội về được 20 ngày.
Hiện vụ án đang được các phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Công an huyện Thiệu Hóa điều tra, làm rõ.
Vừa đi điều trị tâm thần về, có bị xử lý hình sự?
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, trong sự việc này cơ quan chức năng sẽ triển khai các biện pháp nghiệp vụ, thu thập chứng cứ, lấy lời khai, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi để có căn cứ xử lý.
Ngoài ra sẽ giám định tâm thần đối với đối nghi phạm Trịnh Thanh Bình để xác định, tại thời điểm gây án, nghi phạm có năng lực trách nhiệm hình sự hay không.
Vị luật sư thông tin, để xác định chính xác người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có mắc bệnh hay không, khoản 2 Điều 206 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 yêu cầu đây là một trong những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định.
Trong khi đó, khoản 1 Điều 447 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 nêu rõ, khi có căn cứ cho rằng người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21 Bộ luật hình sự, tuỳ từng giai đoạn tố tụng, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần.
Và theo tinh thần của Điều 21 Bộ luật hình sự, người bị bệnh tâm thần được miễn trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong trong lúc đang mắc bệnh.
Đối chiếu quy định này, cơ quan điều tra sẽ tiến hành trưng cầu giám định đối với nghi phạm để có căn cứ xem xét việc truy cứu hoặc không truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu kết luận giám định xác định, trong lúc thực hiện hành vi, nghi phạm bị bệnh tâm thần thì sẽ được miễn trách nhiệm hình sự.
Còn nếu kết luận giám định cho thấy, tại thời điểm gây án, nghi phạm hoàn toàn bình thường nhưng do thù ghét nạn nhân nên ra tay sát hại một cách dã man, lúc này nghi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Giết người" theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự 2015.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.