Vụ quản lý Phi Nhung giữ tiền thưởng và cát-xê của Hồ Văn Cường, trường hợp nào là phạm luật?

Quốc Hải Thứ năm, ngày 17/06/2021 13:30 PM (GMT+7)
Trước lùm xùm về việc giữ tiền thưởng và cát-xê của con nuôi Hồ Văn Cường, ca sĩ Phi Nhung cho biết, toàn bộ tiền của Cường do quản lý của chị giữ và đến năm Cường đủ 18 tuổi sẽ trả lại. Vấn đề là Hồ Văn Cường đã… 18 tuổi 3 tháng và đến khi nào mới nhận được tiền từ Phi Nhung?
Bình luận 0

Câu chuyện quản lý tiền giữa Phi Nhung và Hồ Văn Cường đến nay vẫn chưa ngã ngũ, vẫn có nhiều ý kiến trái chiều quanh mối quan hệ giữa hai bên. 

Và đặc biệt hơn, có 3 sự thật trong câu chuyện này: Thứ nhất, cả Hồ Văn Cường và gia đình vẫn chưa bao giờ được cầm số tiền thưởng 200 triệu đồng từ cuộc thi. Thứ 2, Hồ Văn Cường không biết và cũng không được nhận cát-xê trong suốt 5 năm đi hát với Phi Nhung. Thứ 3, gia đình Cường vẫn nghèo, ba mẹ vẫn đi làm thuê cho Phi Nhung.

Vụ quản lý Phi Nhung giữ tiền thưởng và cát xê của Hồ Văn Cường, trường hợp nào là phạm luật? - Ảnh 1.

Luật sư Lê Bá Thường - Giám đốc Công Ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành (Đoàn Luật sư TP.HCM) - (Ảnh: NVCC)

Ở dưới góc độ pháp luật, nhiều người cũng đặt câu hỏi, trong trường hợp này thì Phi Nhung có trách nhiệm gì và cô có vi phạm pháp luật hay không?

Trả lời câu hỏi này, luật sư Lê Bá Thường - Giám đốc Công Ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, việc Phi Nhung hay quản lý của Phi Nhung có vi phạm pháp luật hay không nằm ở chỗ Phi Nhung, quản lý của Phi Nhung có cố tình chiếm giữ khoản tiền thưởng, cát-xê trái ý muốn của Cường. Hay là Cường nhờ Phi Nhung, quản lý của Phi Nhung giữ hộ để chi trả tiền học phí, ăn ở và chi phí cần thiết khác cho Cường.

"Theo tôi, thực - hư vấn đề này có vi phạm pháp luật hay không thì chỉ có những người trong cuộc (Cường và cha mẹ của em, ca sĩ Phi Nhung và quản lý của chị) mới biết được. Vì thế, mọi người không nên suy diễn một cách không chuẩn xác, có thể dẫn đến tổn thương cho người khác cũng như bản thân gặp rủi ro pháp lý vì xâm phạm vào chuyện đời tư của người khác", luật sư Lê Bá Thường nhấn mạnh.

Thưa luật sư, khi nào thì Cường "đủ độ chín" về pháp luật để có thể tự mình quản lý tài sản?

- Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 76 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì con đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý. Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi do cha mẹ quản lý. 

Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác.

Căn cứ vào quy định nêu trên, tính tới thời điểm hiện tại, Hồ Văn Cường (sinh ngày 16/3/2003) đã đủ 18 tuổi 3 tháng, do đó Cường được quyền quản lý tài sản riêng của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (như là Cường nhờ Phi Nhung, quản lý của Phi Nhung giữ hộ…).

15 tuổi trở lên đã được quyền quản lý tài sản, nhưng đến nay Cường đã hơn 18 tuổi nhưng vẫn chưa được "chuyển giao", liệu có vi phạm pháp luật không?

- Pháp luật quy định là thế, nhưng trong trường hợp này thông tin vẫn đang khá lẫn lộn. Nếu sự thật không có việc cố tình chiếm giữ khoản tiền thưởng, cát-xê trái ý muốn của Cường mà do Cường tự nguyện nhờ giữ hộ thì nữ ca sĩ Phi Nhung và quản lý không vi phạm pháp luật.

Vụ quản lý Phi Nhung giữ tiền thưởng và cát xê của Hồ Văn Cường, trường hợp nào là phạm luật? - Ảnh 3.

Ca sĩ Phi Nhung và Hồ Văn Cường (Ảnh: ngoisao.net)

Trường hợp cố tình chiếm giữ, pháp luật quy định thế nào thưa luật sư?

- Như pháp luật đã quy định quyền tài sản là quan hệ dân sự, là thể hiện sự tự nguyện thỏa thuận giữa các bên. Tuy nhiên, đôi khi từ quan hệ dân sự hành vi chiếm giữ, chiếm đoạt tài sản của người khác có thể sẽ bị chuyển thành quan hệ hình sự với các tội danh chiếm đoạt tài sản của người khác như "Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo Điều 175 BLHS 2015.

Khi có tranh chấp xảy ra thì trước tiên hai bên có thể lựa chọn hình thức thỏa thuận dân sự tự giải quyết vấn đề với nhau. Bởi vì việc nhờ gửi giữ tiền cũng được xem là một quan hệ dân sự, vì người giữ giùm tiền phải có trách nhiệm bảo quản tài sản và trả lại tài sản đúng theo thỏa thuận. Nếu người giữ tiền đang vi phạm nghĩa vụ không trả lại cho chủ sở hữu thì chủ sở hữu có quyền yêu cầu thực hiện đúng nghĩa vụ trả lại tài sản cho họ.

Nếu không giải quyết được bằng thỏa thuận dân sự thì người chủ sở hữu tiền có thể khởi kiện ra tòa án về tội hình sự "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo Điều 175 của BLHS 2015 nếu thỏa mãn các điều kiện sau đây: Hai bên có thỏa thuận việc giao giữ tiền, thời điểm người phạm tội có ý định chiếm đoạt số tiền là sau khi có được số tiền của người nhờ giữ hộ thì người giữ tiền mới có ý chiếm đoạt tiền hoặc tài sản, và giá trị tài sản hay tiền bị chiếm đoạt phải từ từ 4.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản.

Tùy giá trị số tiền chiếm đoạt thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm hoặc chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Tuy nhiên, để cấu thành tội danh này thì điều kiện phải có xảy ra sự lừa dối để chiếm đoạt tài sản hay nói cách khác là người có tài sản bị người phạm tội lừa dối nên mới giao tài sản cho họ. Thủ đoạn gian dối được thể hiện ở việc che đậy hành vi của người phạm tội nhằm không trả lại tài sản hoặc trị giá tài sản trả lại không đúng với hợp đồng được giao kết trước đó. 

Về mặt khách quan thì tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản biểu hiện ở hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn hay đến hạn giao trả tài sản mà người giữ vẫn cố tình không trả dù có khả năng, điều kiện nhưng cố tình không trả hoặc sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp để chiếm đoạt tài sản.

Trong trường hợp nếu hai bên giao nhận tài sản đã có sự thỏa thuận khác thì không thể bị xử tội danh này mà nó chỉ là giao dịch dân sự.

Xin cảm ơn Luật sư Lê Bá Thường đã chia sẻ thông tin!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem