Vụ sập cần cẩu bê tông khiến 1 người tử vong ở Thái Bình, trách nhiệm các bên liên quan ra sao?

Việt Hoàng Thứ năm, ngày 16/05/2024 06:05 AM (GMT+7)
Theo luật sư, trong vụ việc sập cần cẩu bê tông ở Thái Bình, hành vi có lỗi dẫn đến người khác thiệt mạng, thương tích; người có lỗi phải chịu trách nhiệm pháp lý, cho dù là lỗi cố ý hay vô ý.
Bình luận 0

Khoảng 18h ngày 12/5, xe bê tông tươi của Công ty Bình Phương được thuê đổ mái tầng 2 với hai xe, khoảng 15 khối bê tông. Xe thứ nhất đang đổ bê tông được 10 phút thì bị sập chân chống của xe cẩu do chống lên mặt cống của vỉa hè đường Trần Thủ Độ, (phường Tiền Phong, TP Thái Bình).

Lúc này, có 12 người đang trên mái. Sự việc khiến 1 người chết, 4 người bị thương (người nặng nhất bị cần cẩu đè ngang bụng; một người gãy chân phải; ba người bị thương ở vùng đầu,...). Sau đó, các nạn nhân được ông Vũ Viết Bàn gọi xe đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.

Đến ngày 14/5, Cơ quan CSĐT Công an TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình đã khởi tố vụ án hình sự Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, trong vụ xe bồn chở bê tông sập cẩu khiến 1 người chết, 4 người bị thương, xảy ra tối 12/5 tại công trình xây dựng nhà ở trái phép ở phường Tiền Phong, TP. Thái Bình.

Trước đó vào ngày 9/5, sau khi phát hiện hành vi xây dựng công trình nhà ở khi chưa được cấp phép, UBND phường Tiền Phong đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng đối với ông Vũ Viết Bàn và Hoàng Xuân Duy (chủ thửa đất 645 với diện tích 38m2 và chủ thửa đất 646 với diện tích 40m2 trên địa bàn) về hành vi vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng không có giấy phép và yêu cầu chủ nhà dừng thi công công trình vi phạm.

Vụ sập cần cẩu bê tông khiến 1 người tử vong ở Thái Bình, trách nhiệm các bên liên quan ra sao?- Ảnh 1.

Hiện trường vụ tai nạn sập cần cẩu bê tông khiến 1 người tử vong tại Thái Bình hôm 12/5.

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Dương Lê Ước An (Công ty Luật hợp danh Đại An Phát) cho biết, về nguyên tắc, hành vi có lỗi dẫn đến người khác thiệt mạng, thương tích; người có lỗi phải chịu trách nhiệm pháp lý, cho dù là lỗi cố ý hay vô ý.

Ông An chia sẻ: “Trong vụ án này để xác định truy tố khung, khoản nào của điều luật thì cơ quan điều tra còn phải tiến hành xác minh, điều tra, cụ thể. Ngoài một người tử vong trong vụ việc nêu trên thì bốn người còn lại cơ quan điều tra phải trưng cầu giám định tổn hại sức khỏe. Trên cơ sở kết quả giám định tổn hại sức khỏe của cơ quan chức năng có thẩm quyền thì lúc này cơ quan điều tra khởi tố bị can theo khung, khoản của điều 360 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017”.

Ông An cho biết thêm, để khởi tố cá nhân liên quan, cơ quan phải điều tra về quá trình giao việc ở Công ty này như thế nào, người trực tiếp được giao điều khiển máy có chức năng, quyền hạn hay không? Cá nhân này được thực hiện theo hợp đồng lao động hay không…để từ đó xác định chủ thể bị khởi tố.

Về trách nhiệm bồi thường, luật sư Dương Lê Ước An chia sẻ: “Hai bên có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường khi gây ra thiệt hại, nếu không thỏa thuận được thì có thể đề nghị tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”.

Theo luật sư An, Bộ luật Dân sự quy định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do tính mạng bị xâm phạm bao gồm chi phí cứu chữa trước khi chết (nếu có), tiền công người chăm sóc, chi phí mai táng, tiền bồi thường tổn thất về tinh thần theo quy định của pháp luật (không quá 100 tháng lương cơ sở).

Theo khoản 1 điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; Thiệt hại khác do luật quy định.

Đồng thời, theo khoản 2 Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định mức bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm như sau: Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại mục 1 nêu trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu; Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Theo đó, tại Nghị định 24/2023/NĐ-CP quy định tăng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng.

Mức bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm là không quá 90 triệu đồng.

"Điều 360. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem