Cuộc gặp diễn ra bên lề cuộc họp của tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu (OSCE) tại Belgrade (Serbia).
“Chúng tôi gặp mặt người đứng đầu Bộ ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ vì yêu cầu liên tiếp từ phía Ankara. Rất tiếc, chúng tôi không được cung cấp thêm thông tin gì mới hơn. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ chỉ xác nhận lại những tuyên bố mà Thủ tướng và Tổng thống nước này phát biểu”, ông Lavrov nói.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu.
Đây là lần đầu tiên hai nhà ngoại giao cấp cao của hai bên gặp gỡ sau khi chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Nga gần biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ cuối tuần trước.
Về phần mình, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Сavusoglu nói rằng cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga không giải quyết được bất kì vấn đề nào trong mối quan hệ tồn tại giữa hai nước. “Tình hình vẫn căng thẳng. Không thể nào một cuộc gặp ngắn ngủi giải quyết hết được mọi khó khăn hiện tại”, ông Cavusoglu nói.
Sau cuộc gặp, ông Mevlut Сavusoglu bày tỏ sự tiếc thương của chính quyền Ankara với sự hy sinh anh dũng của phi công lái chiếc Su-24 bị bắn rơi hôm 24.11
“Chúng tôi bày tỏ sự tiếc thương và đau buồn dành cho phi công Nga tử nạn khi đang làm nhiệm vụ”, ông Сavusoglu trả lời trên báo chí Thổ Nhĩ Kỳ cho hay.
Hôm qua, trong thông điệp liên bang, Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa cáo buộc Ankara dính dáng tới IS ở Syria và Iraq đồng thời tức giận trước sự việc làm hỏng mối quan hệ tốt đẹp giữa Nga-Thổ Nhĩ Kỳ.
“Chúng tôi dự định hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ trong những vấn đề nhạy cảm nhất và tiếp tục là đồng minh thân cận”, ông Putin nói.
Ông Putin khẳng định nhiều lệnh trừng phạt và các hệ lụy lâu dài sẽ đến với Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ việc hôm 24.11. Ông Putin gọi đó là sự phản bội từ một người bạn. Tuy nhiên, ông nói rằng chỉ có “một bộ phận giới chức Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu trách nhiệm” và ông không hề thù ghét người dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Putin gọi hành động bắn hạ máy bay ném bom Nga là "sự phản bội từ một người bạn".
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phủ nhận mọi cáo buộc mà Nga đưa ra rằng ông và gia đình hưởng lợi bất chính từ dầu lậu buôn bán với IS.
Trong ngày hôm qua phát biểu tại thủ đô Ankara, ông Erdogan một lần nữa khẳng định ông sẽ từ chức nếu các cáo buộc là có thật.
Ông Erdogan thậm chí còn tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ có bằng chứng Nga làm ăn phi pháp trong đường dây dầu lậu với IS.
“Chúng tôi có bằng chứng trong tay. Chúng tôi sẽ cho cả thế giới biết”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố. Ông nói rằng hai công dân Nga, một doanh nhân tên George Hasawi và một kiện tướng cờ vua Kirsan Ilyumzhinov có tham gia vào các hoạt động phi pháp với IS.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trả lời báo chí rằng chưa hề biết tuyên bố này của ông Erdogan. Ông cho biết vụ việc trở nên “kì quái” khi Nga đưa ra các bằng chứng cho thấy sự tráo trở của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tình hình căng thẳng leo thang khi Nga điều hệ thống S-400 tới căn cứ Latakia (Syria)
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cũng phủ nhận cáo buộc của Nga liên quan tới vụ việc làm ăn phi pháp với IS. Ông cho rằng đó là “một hình thức tuyên truyền kiểu Nga”, hãng Reuters cho hay.
“Không ai tin vào những lời bịa đặt theo kiểu tuyên truyền này cả”, ông nói. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết có khả năng bằng chứng của Nga đưa ra chỉ là giả mạo.
Hôm thứ Tư, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho biết Washington phản đối ý kiến cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ mua dầu lậu từ IS. Lời tuyên bố ủng hộ chính quyền Ankara đưa ra bất chấp Tổng thống Obama vừa cảnh báo về sự lỏng lẻo an ninh ở biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.