Vú sữa trúng đậm, lục bình “lợi hại” hơn xưa

Đỗ Khuê (Thế Giới Tiếp Thị) Thứ bảy, ngày 06/01/2018 18:50 PM (GMT+7)
Nhà vườn trồng vú sữa năm nay trúng mùa, được giá. Theo đánh giá của phòng nông nghiệp huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) ước đoán sản lượng vú sữa từ 18.000 – 20.000 tấn.
Bình luận 0

Trong vòng mười năm, sản lượng vú sữa đã tăng gấp đôi. Khi trở thành vùng chuyên canh vú sữa có sản lượng lớn nhất nước, danh sách các dịch vụ ăn theo trái vú sữa có nghề cắt lá lục bình. Ít nhất 50 tỉ đồng chi cho dịch vụ này khi các phương tiện vận tải xuyên Việt, xuyên biên giới Việt Nam – Campuchia cần tới lá lục bình, để lót êm giữ ẩm những trái vú sữa đi xa.

img

1 tấn vú sữa cần 300 ký lá lót. Giá 1 ký lá lục bình hiện nay dao động từ 2.500 – 3.000 đồng/kg.

Không dám nói nghề cắt lá lục bình đã xoá đói giảm nghèo cho những người nông dân lam lũ, nhưng rõ ràng đó là khoản thu nhập đáng kể bên cạnh huê lợi ruộng vườn.

Lá lục bình là giải pháp ứng biến đầy sáng tạo của các nhà vựa, thương lái vú sữa trong vận chuyển đường dài. Trước nay để lót trái cây khi chất vào thùng, vào sọt người ta thường dùng rơm, giấy vụn, lá chuối khô... cho tới khi vú sữa rộ thì lá lục bình trở nên hữu dụng, lót êm và giữ ẩm, nâng niu suốt thời gian vận chuyển tới tay người tiêu dùng.

Bà Sáu Sương ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, chủ vựa chuyên làm hàng vú sữa đi Campuchia, cho rằng nếu đường vận chuyển ngắn, lót lá chuối khô cũng được, nhưng nếu đi đường dài, lên TP.HCM, ra Bắc thùng đựng vú sữa phải lót lá lục bình. Suốt mười năm nay, lá lục bình đã chứng minh sự tham gia “chuỗi” của mình hoàn toàn hữu dụng.

Ăn theo các nhà vườn trồng vú sữa trải dài khắp huyện Phong Điền, mùa cắt lá lục bình kéo dài 5 – 6 tháng. Các nhà vựa trái cây hay “so bì” những người cắt lá lục bình vậy mà sướng hơn chủ vựa, chỉ cần cắt và cân, lấy tiền, khỏi lo nghĩ lời, lỗ. Nói vậy chứ nghề cắt lá lục bình cực nhọc, vốn dĩ chỉ có người nghèo sẵn sàng làm những nghề chân tay... thường là nông dân ít đất, lao động phổ thông vùng nông thôn. Cắt lá lục bình nghe nói thu nhập cao hơn nhiều công việc khác, nhưng chỉ là mùa vụ, không ai có cơ ngơi chắc chắn dù doanh thu của dịch vụ này đã lên hàng chục tỉ đồng.

img

Lót trái vú sữa bằng lá lục bình trước khi vận chuyển. Ảnh minh hoạ

Hỏi hai chị phụ nữ đang cắt lá lục bình tại một con rạch nhỏ thuộc xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, mới biết làm nghề này chỉ cần một chiếc xuồng nhỏ, kéo cắt, cùng với chừng chục cái thùng mốp để đựng lá là đủ. Họ thường đi hai người, chèo chống khắp nơi, hết mương tới rạch và gần như phải ngâm mình dưới nước suốt buổi, kéo theo cái thùng mốp nổi lềnh bềnh. Cặm cụi cắt, đầy thùng là 20 ký lá, một buổi hai người có thể cắt được 100kg.

Khác với lá chuối khô, lá lục bình phải cắt giao trong ngày theo hợp đồng với chủ vựa. Một chủ vựa quy mô nhỏ cũng cần có 3 – 4 mối cắt lá lục bình làm việc thường xuyên, bởi vào vụ mỗi ngày có vài tấn vú sữa xuất đi. 1 tấn vú sữa cần 300 ký lá lót. Giá 1 ký lá lục bình hiện nay dao động từ 2.500 – 3.000đ/kg.

Chủ vựa Sáu Sương nói rằng, tuy cắt lá lục bình là nghề dễ làm nhưng họ luôn tin cậy những người quen việc, có thâm niên, tiếc là năm nay đã có vài người giải nghệ vì lý do sức khoẻ nên phải tìm người mới. 

Ông bà xưa thường dùng hình ảnh “ăn như xáng múc – làm như lục bình trôi”, ám chỉ kẻ lười biếng lại ham ăn. Lục bình trôi lênh đênh gợi liên tưởng một thân phận bọt bèo vô định, còn ghe xuồng di chuyển trên sông rạch thảy đều ngán ngẩm những giề lục bình mênh mông cản đường.

Nhiều khúc sông rạch ở miền Tây xanh ngắt một màu lục bình, nhất là những đoạn cuối dòng chảy gặp cống, đập của các dự án ngăn lũ. Loài cây thuỷ sinh này có tốc độ sinh sôi rất đáng nể, nhất là loại lục bình Nhật Bản. Trong điều kiện thích hợp, một mẹ đẻ một con và “tách hộ” trong vòng bảy ngày.

Các nhà thiện nguyện từ Luxembourg từng hỗ trợ một dự án gọi là dự án Lục bình giúp cộng đồng nhận thức đúng về sự lợi hại của lục bình, người ta đã thử làm ra điện, chế phẩm tạo con nước, dùng lục bình làm nấm… Mặc ai khen chê, lục bình vẫn âm thầm sinh trưởng, lặng lẽ hấp thụ kim loại nặng, phân giải chất gây ô nhiễm trên sông rạch, làm sạch nguồn nước để trả nợ đời.

Mỗi khi chèo chống xuồng ghe gặp lục bình cản đường, tuy có càu nhàu nhưng cư dân miền Tây vẫn dành nhiều cảm tình cho loại cây này. Của chưa hiếm nên chưa thành quý, nhưng đã thân quen. Một bờ sông thiếu vắng lục bình giống như sông chết. Ăn mắm mà vắng bông, thiếu đọt lục bình sẽ không thành mắm, “phi lục bình bất thành lẩu mắm”.

Ngó lục bình xắt mỏng giả đò làm lạp xưởng trong trò chơi nhà chòi tuổi thơ, là ký ức khó phai nhạt của các vị đang bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy”.

Nhiều năm nay, thân lục bình là nguồn nguyên liệu dồi dào cho các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Rễ lục bình phơi khô để chiết cành, còn cả bụi thì đắp gốc giữ ẩm cây ăn trái hoặc ủ hoai làm phân bón với hàm lượng dinh dưỡng cao... là các lý do mà người Pháp du nhập lục bình từ Nam Mỹ vào Việt Nam năm 1905. Và đó cũng là lý do lục bình còn có tên là bèo Tây.

Tới nay thì lục bình đa dụng hơn những gì người Pháp nghĩ. Dẫu sao thì lục bình vẫn cứ trôi. Và dẫu bọt bèo lục bình vẫn là sinh kế của nhiều người.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem