Sáng nay, tại TAND TP Hải Phòng, HĐXX do thẩm phán Trần Thị Thu Hà đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án hủy hoại tài sản xảy ra tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng vào chiều ngày 5 và sáng ngày 6.1.2012 đối với gia đình bị hại là Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý.
|
Ảnh: TTXVN |
Sau khi tiến hành xong phần thủ tục tại Tòa, HĐXX chuyển sang phần xét hỏi. Công tố viên Nguyễn Thị Lan đọc bản cáo trạng truy tố 4 bị cáo tội hủy hoại tài sản gồm Nguyễn Văn Khanh - nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, Phạm Xuân Hoa - nguyên Trưởng phòng TNMT huyện Tiên Lãng, Phạm Đăng Hoan - Nguyên Bí thư đảng ủy - Chủ tịch HĐND xã Vinh Quang, Lê Thanh Liêm- nguyên Chủ tịch UBND xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng; bị cáo Lê Văn Hiền bị truy tố tội thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo bản cáo trạng nêu, năm 1993 và 1997, UBND huyện Tiên Lãng đã ban hành 2 quyết định (số 447 ngày 4.10.1993 giao 21 ha, và 220 ngày 9.4.1997 giao 19,3ha) giao tổng cộng 40,3ha đầm nuôi trồng thủy sản, thời hạn sử dụng 14 năm tính từ ngày 4.10.1993 cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn.
Sau khi Đoàn Văn Quý (em trai Đoàn Văn Vươn) lập gia đình, ông Vươn đã giao cho Quý 6ha đầm trong diện tích 21ha để nuôi trồng thủy sản. Năm 2007 và 2009, UBND huyện ra 2 thông báo thu hồi toàn bộ 40,3ha đầm nói trên. Không đồng ý với quyết định thu hồi, ông Đoàn Văn Vươn đã khởi kiện vụ án hành chính nhưng bị TAND huyện Tiên Lãng bác đơn khởi kiện.
Ngày 24.11.2011, UBND huyện ban hành quyết định số 3307 cưỡng chế thi hành quyết định thu hồi đất đối với diện tích 19,3ha. Ngày 24.11.2011, UBND huyện Tiên Lãng ban hành kế hoạch tổ chức cưỡng chế số 104, và quyết định số 3312 thành lập Ban chỉ đạo cưỡng chế giao cho ông Nguyễn Văn Khanh làm Trưởng ban, ông Phạm Xuân Hoa làm phó ban chỉ đạo.
Tuy trong kế hoạch số 104 không có nội dung tháo dỡ công trình nhưng ông Nguyễn Văn Khanh đã chỉ đạo đưa nội dung tháo dỡ vật cản, cổng, lều trông coi đầm vào nội dung của kế hoạch số 225 ngày 28.12.2011. 14h ngày 5.1.2012, ông Khanh chỉ đạo phá dỡ theo kế hoạch trên diện tích 19,3 ha trong đó có nhà, công trình phụ của gia đình ông Vươn, một số lều trông đầm, sau đó về khu vực nhà 2 tầng của gia đình ông Quý. Tại đây, các bị cáo Khanh, Hoa, Hoan đã cùng lực lượng cưỡng chế tiến hành kiểm kê, thu hồi tài sản về xã quản lý và bị cáo Khanh đã ra lệnh phá dỡ nhà ông Quý.
Lực lượng cưỡng chế đã phá hủy công trình phụ, nhà kho, nhà nuôi dê, còn căn nhà 2 tầng kiên cố không phá được bằng các dụng cụ thủ công, bị cáo Khanh đã chỉ đạo bị cáo Hoan gọi máy xúc, bị cáo Hoan không gọi được, bị cáo Khanh đã trực tiếp gọi điện thoại cho Vũ Văn Kết, nhưng do đã muộn nên bị cáo Khanh chỉ đạo bị cáo Liêm, Hoa sáng 6.1 đôn đốc phá cho xong...
Toàn bộ số tài sản thiệt hại do các hành vi hủy hoại tài sản của các bị cáo gây ra theo kết quả giám định của cơ quan chức năng là 295 triệu đồng.
Bị cáo Nguyễn Văn Khanh phủ nhận lời khai của các bị cáo khác
Tại phiên tòa, trả lời câu hỏi của HĐXX, đại diện Viện kiểm sát và các luật sư, bị cáo Phạm Xuân Hoa thừa nhận việc soạn thảo kế hoạch 225 ngày 28.12.2011 là do Phòng TNMT do bị cáo là Trưởng phòng soạn thảo, trong đó có nội dung tháo dỡ các công trình cổng, vật cản, lối đi, lều trông coi đầm trên diện tích đất đã có quyết định thu hồi là không đúng với kế hoạch số 104 ngày 24.11.2011 của UBND huyện (trong kế hoạch 104 không có nội dung này).
Người ký ban hành kế hoạch và chỉnh sửa cuối cùng là Trưởng ban chỉ đạo Nguyễn Văn Khanh. Trong các cuộc họp chuẩn bị cho cưỡng chế trươc đó, không có ai chỉ đạo, cũng không bàn bạc gì về việc tháo dỡ công trình. Chiều ngày 5.1.2012, với nhiệm vụ được phân công là Tổ trương tổ công tác số 2, bị cáo đã đôn đốc lực lượng cưỡng chế dùng công cụ thô sơ vồ, búa... tháo dỡ công trình trên diện tích 19,3ha, đến 15h là xong. Bị cáo chỉ nhận lỗi là đôn đốc chỉ đạo tháo dỡ công trình, còn việc lực lượng cưỡng chế phá dỡ là do họ tự làm, bị cáo không kiểm soát nổi, bị cáo chỉ là thực hiện nhiệm vụ được phân công, không có động cơ, vụ lợi cá nhân.
Bị cáo Phạm Đăng Hoan thừa nhận có gọi điện cho Vũ Văn Kết để thuê máy xúc (do bị cáo Khanh nhờ) đến để phá nhà ông Đoàn Văn Qúy. Lúc đó ông Kết nói máy xúc bị hỏng sẽ gọi lại sau. Sau đó Ban chỉ đạo cưỡng chế hay ai thuê máy xúc thì bị cáo không biết. Sáng 6.1 khi bị cáo đang ăn sáng thì nhận điện thoại của ông Kết nói máy xúc đã đến gần nhà nhưng bị vướng một số công trình trên đường, bị cáo có nói, nếu vướng thì cứ phá. Khi bị cáo tới nơi thì máy xúc bắt đầu phá nhà ông Quý.
Bị cáo Lê Thanh Liêm khai nhận chiều 5.1 khi bị cáo ra đến nhà ông Vươn thì đã thấy toàn bộ nhà ông Vươn bị phá sập, một số công trình ở nhà ông Quý cũng đã bị phá. Sáng 6.1, bị cáo ra nhà ông Quý theo chỉ đạo của Trưởng ban cưỡng chế vào cuối giờ chiểu 5.1 giao cho xã đôn đốc tiếp việc phá nhà ông Quý thì máy xúc đang phá nhà ông Quý. Bị cáo thừa nhận có sai nhưng chỉ chịu trách nhiệm liên quan đến công trình bị phá sáng 6.1 còn những công trình bị phá trước đó, chiều 5.1, bị cáo không chịu trách nhiệm.
Bị cáo Nguyễn Văn Khanh phủ nhận lời khai trước đó của các bị cáo cho rằng bị cáo là người chỉ đạo UBND xã phá nhà ông Quý sáng 6.1. Bị cáo khằng định trước Tòa, bị cáo không hề giao cho bị cáo Hoan, Liêm việc phá nhà ông Quý. Sau khi lập biên bản cưỡng chế bàn giao đất cho UBND xã Vinh Quang xong, bị cáo đã tuyên bố kết thúc cưỡng chế tại cuộc họp rút kinh nghiệm tại Nhà văn hóa xã.
Theo bị cáo thì ông Lê Văn Hiền- Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo UBND xã Vinh Quang làm việc này; bị cáo phủ nhận lời khai của các bị cáo cho rằng, bị cáo thuê máy xúc để phá nhà ông Quý, mà khai rằng, bị cáo được ông Hoan nhờ thuê máy xúc đến để khoanh vùng khu vực cưỡng chế tránh tái lấn chiếm. Nội dung này đã được nhắc đến trong kế hoạch cưỡng chế trước đó. Bị cáo cũng bác bỏ lời luận tội của bản cáo trạng cho rằng, do không phá được nhà ông Quý bằng dụng cụ thủ công, bị cáo đã gọi máy xúc đến để phá nhà ông Quý.
3 bị cáo Hoa, Hoan, Liêm đều đã tự nguyện nộp mỗi người 70 triệu đồng đế khắc phục hậu quả cho các gia đình bị hại.
Dân Việt sẽ tiếp tục cập nhật thông tin tới bạn đọc.
P.V
Vui lòng nhập nội dung bình luận.