Luật sư phân tích "góc khuất" có thể xảy ra sau đấu giá mỏ cát 2.800 tỷ đồng trên sông Tiền

Quang Minh Thứ hai, ngày 12/04/2021 07:56 AM (GMT+7)
Theo luật sư, cơ quan chức năng cần phải vào cuộc làm rõ việc tổ chức đấu giá mỏ cát 2.811 tỷ đồng trên sông Tiền (tỉnh An Giang) có vi phạm quy định hay không, bởi có nhiều bất thường trong vụ việc này.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đưa tin, vừa qua Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh An Giang có thông báo kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ cát trên sông Tiền (thuộc xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang).

Đơn vị trúng đấu giá mỏ cát trên sông Tiền là Công ty có trụ sở tại Quận 7, TP.HCM. Loại cát công ty này trúng giá là cát sông làm vật liệu xây dựng thông thường. 

Giá trúng đấu giá ước tính theo khối lượng mời đấu giá 2.372.500m3, được tạm tính với số tiền là hơn 2.811 tỷ đồng. 

Với mức giá trúng đấu giá mỏ cát trên sông Tiền "khủng" như vậy khiến các cơ quan chức năng của tỉnh An Giang khá bất ngờ, dư luận xôn xao, vì mức trúng đấu giá và giá khởi điểm chênh lệch "khủng", hơn 390 lần so với giá khởi điểm.

Cần phải làm rõ hồ sơ, thủ tục đấu giá có đúng quy định pháp luật

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, trước đó, chưa từng có vụ đấu giá nào mà giá trúng đấu giá và giá khởi điểm lại chênh nhau đến gần 400 lần như vụ việc đấu giá lần này. 

Bởi vậy vấn đề đầu tiên đặt ra là cơ quan tổ chức bán đấu giá đã không tính sát được giá thị trường hay đằng sau vụ thường vụ này có những toan tính của doanh nghiệp?

Trong một hoạt động kinh doanh thông thường doanh nghiệp sẽ tính đến lợi nhuận. Mọi hoạt động kinh doanh đều hướng đến lợi nhuận, mà lợi nhuận được tính trên cơ sở chi phí đầu tư sau khi trừ vốn, các chi phí phát sinh.

Luật sư phân tích "góc khuất" có thể xảy ra sau đấu giá mỏ cát 2.800 tỷ trên sông Tiền - Ảnh 1.

Các ghe cát neo đậu trên sông Tiền, sông Hậu sẽ có 2 loại cát, gồm cát thông thường và cát to.

Ở đây sẽ là tiền công khai thác, vận chuyển và giá bán cát trên thị trường ở thời điểm khai thác. Để biết bên trúng đấu giá có lãi hay không phải căn cứ vào giá cả thị trường và tính toán biến động trong quá trình khai thác, giá trị nhân công, các chi phí máy móc, vận chuyển, kho bãi và các khoản thuế với nhà nước...

Khi doanh nghiệp quyết định bỏ số tiền lớn như vậy để tham gia đấu giá thì chứng tỏ họ đã tính toán hết đến các yếu tố này và xác định là có lãi. 

Tuy nhiên một số tình huống có thể xảy ra là: có thể đó là một doanh nghiệp kinh doanh có kinh nghiệm, có nhiều mối quan hệ. 

Nếu với trữ lượng cát như vậy họ không thể có lãi so với giá cả và thị trường và rất có thể họ đã tính toán đến phương án là khai thác vượt quá trữ lượng cho phép.

"Tuy nhiên đây là một hành vi vi phạm pháp luật, nếu bị phát hiện doanh nghiệp sẽ bị xử lý hình sự. Chỉ có doanh nghiệp làm liều, dựa vào các mối quan hệ có sẵn mới có thể tính đến phương án liều như vậy. 

Phương án này là rất rủi ro và tính khả thi sẽ không cao bởi thời gian khai thác kéo dài chứ không phải ngày một ngày hai đã xong", luật sư Cường nói.

Theo luật sư Cường, khả năng tiếp theo có thể là một hoạt động đầu cơ, họ tính đến thị phần trên thị trường, chấp nhận bỏ ra một khoản tiền trước mắt vài tỷ đồng để giữ mỏ, tìm cách trì hoãn việc nộp tiền để găm hàng, găm trữ lượng cát này để họ bán giá cao đối với số cát mà họ đang có.

Tuy nhiên khả năng này cũng có những mạo hiểm và khó khả thi bởi thị trường cát trong nước mặc dù khan hiếm nhưng khá rộng, tạo sự khan hiếm để tăng giá đối với loại mặt hàng này không dễ dàng...

Một khả năng nữa cũng có thể đặt ra là đây là một phản ứng tiêu cực khi họ nghi ngờ việc đấu thầu là không công bằng, họ quyết định bỏ giá cao để quyết tâm trúng thầu. Số tiền này có thể do nhiều doanh nghiệp góp vào.

Với những doanh nghiệp khai thác cát số tiền 1.400.000.000 đồng đặt cọc không phải là số tiền lớn, nếu nhiều doanh nghiệp góp vào sẽ là không đáng kể. Họ chấp nhận mất số tiền cọc này nhưng kéo dài thủ tục, thời hạn thanh toán để thực hiện các mục đích riêng của họ.

Luật sư phân tích "góc khuất" có thể xảy ra sau đấu giá mỏ cát 2.800 tỷ trên sông Tiền - Ảnh 3.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội).

Bởi vậy với số tiền chênh lệch giá khởi điểm so với giá trúng đấu giá đất lớn như vậy cơ quan chức năng phải xác minh làm rõ hồ sơ đấu giá, thủ tục đấu giá và các thông tin có liên quan để xem xét có sai phạm trong hoạt động đấu giá hay không và lường trước các tình huống pháp lý xấu nhất có thể xảy ra để tránh thiệt hại cho nhà nước cũng như để quản lý thị trường cát trong nước.

Nếu vi phạm có thể bị xử lý hình sự

Luật sư Cường cho biết, trong trường hợp doanh nghiệp thực hiện hợp đồng và tiến hành tổ chức khai thác, cơ quan chức năng cần xem xét kiểm tra, quản lý giám sát hoạt động khai thác cũng như tính toán đến trữ lượng khai thác theo quy định.

Trường hợp có vi phạm trong thủ tục đấu giá, tổ chức đấu giá hoặc có hoạt động đầu cơ ảnh hưởng đến thị trường hoặc có những hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình khai thác cần phải xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. Lúc này cơ quan chức năng sẽ vào cuộc làm rõ xem tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm nào, tội danh nào…

Còn trường hợp doanh nghiệp làm ăn chân chính, đúng pháp luật, trong trường hợp này mà vẫn có lãi cần phải xem xét trách nhiệm của cơ quan tham mưu trong việc tổ chức đấu giá, xác định giá khởi điểm.

"Việc xác định giá khởi điểm quá thấp so với giá cả thực tế trên thị trường có thể dẫn đến những tiêu cực, những lợi ích nhóm trong hoạt động đấu giá, gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước. Vấn đề này cần phải làm rõ để có những kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền", luật sư Cường nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem