Vụ “Trưởng thôn bị truy tố, dân nhận tội thay ở Bắc Giang”: Có thể miễn trách nhiệm hình sự

Ngọc Lương (ghi) Thứ sáu, ngày 17/10/2014 07:02 AM (GMT+7)
Sau khi Dân Việt ngày 16.10 đăng bài “Trưởng thôn bị truy tố, dân nhận tội thay”, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc tỏ ý ủng hộ các lãnh đạo thôn Mai Sơn và xã Cẩm Lý (huyện Lục Nam, Bắc Giang) nhiệm kỳ 2006 - 2007, 2008 - 2009. Để tiếp tục làm rõ vấn đề, NTNN đã trao đổi với một số luật sư về câu chuyện khá hy hữu này.
Bình luận 0

Không vì vụ lợi cá nhân

Đây là ý kiến của luật sư Trịnh Anh Dũng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội). Luật sư Trịnh Anh Dũng phân tích: Từ những tài liệu hồ sơ có thể thấy Viện KSND huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang đã truy tố ông Phạm Văn Triệu, ông Đào Đăng Văn (2 trưởng thôn Mai Sơn nhiệm kỳ 2006 – 2007 và 2008 – 2009) cùng các ông Phạm Bá Hà, Nguyễn Duy Khê (Chủ tịch UBND xã các thời kỳ trên đã ký phê duyệt hợp đồng) về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” là có căn cứ pháp luật.

Cũng theo luật sư Dũng, theo quy định của pháp luật, những người ở chức vụ chủ tịch xã, trưởng thôn không có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất cũng như chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Việc anh không có thẩm quyền mà anh cứ làm dù vì động cơ, mục đích tốt nhưng cũng không được phép. Tuy nhiên, bước đầu nhận thấy việc làm của những vị nguyên là cán bộ thôn, xã nêu trên không vì vụ lợi cá nhân, khoản tiền thu được được sử dụng vào việc xây dựng những công trình công cộng cho thôn xóm. Mặc dù hành vi của họ là có tội nhưng các cơ quan tố tụng có thể áp dụng điều 25 Bộ luật Hình sự để miễn trách nhiệm hình sự.

“Việc giải quyết như vậy xem ra vừa có lý, có tình”- LS Dũng nhận định.

Người dân không phải là bị hại

Trong khi đó, nhìn vụ việc theo khía cạnh khác, LS Đỗ Viết Hải (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) phân tích: Việc người dân xin cho những vị nguyên là cán bộ đang bị truy tố chỉ có giá trị xác định việc làm của họ không vì động cơ cá nhân. Nhưng xét theo quan điểm vụ án thì những người dân này không phải là bị hại. Bị hại ở đây là Nhà nước, thiệt hại ở đây có cả thiệt hại phi vật chất và vật chất. Đất bị đem đi giao trái phép là thiệt hại vật chất. Còn quy định của Nhà nước không được thực thi nghiêm túc, ảnh hưởng đến trật tự quản lý đất đai đó là thiệt hại phi vật chất.

Còn LS Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) thì cho rằng, có ý kiến so sánh vụ việc này với vụ sai phạm ở xã Thanh Văn, Thanh Oai (Hà Nội) có cái đúng, có cái chưa đúng. Tuy hai vụ việc có giống nhau về bản chất nhưng ở vụ việc của xã Cẩm Lý, phải xác định hành vi của các cán bộ thôn, xã ký hợp đồng giao đất ở Lục Nam trên có vi phạm pháp luật không, vi phạm thì ở mức độ nào, cách giải quyết của các cơ quan chức năng thế nào cho phù hợp với quy định của pháp luật cũng như dư luận của quần chúng nhân dân. Cùng là hành vi sai phạm giống nhau nhưng ở mỗi địa phương cơ quan chức năng vẫn có những đánh giá và xử lý khác nhau, có nơi chỉ xử lý hành chính nhưng có nơi vẫn xử lý hình sự là chuyện bình thường.

   Điều 25 Bộ luật Hình sự quy định: "Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Trong trường hợp trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm, thì cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự". 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem