26.10 là hạn chót nộp đơn xin nhận tử thi
Trước đó, ngày 16.10, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Thanh Hóa đã gửi thông báo cho gia đình tử tù Lê Văn Mạnh (SN 1982, trú tại xã Yên Thịnh, huyện Yên Định, Thanh Hóa) về việc sẽ thi hành án hình sự đối với tử tù này để gia đình Lê Văn Mạnh làm đơn gửi Hội đồng thi hành án tử hình tỉnh Thanh Hóa về việc nhận tử thi, với thời hạn là hết ngày 26.10.
Bức thư kêu oan được ghi trên chiếc áo của tử tù Lê Văn Mạnh. Ảnh: T.L
Cho rằng Lê Văn Mạnh sẽ bị tử hình trong thời gian này, người thân của tử tù này đã thông tin rộng rãi trên các mạng xã hội về lá đơn kêu oan của tử tù Lê Văn Mạnh, trong đó có đưa ra nhiều bằng chứng về việc có những sai phạm trong quá trình điều tra, tố tụng vụ án của Lê Văn Mạnh.
Tuy nhiên, chiều ngày 26.10, trao đổi với phóng viên NTNN xung quanh vụ việc kêu oan của người nhà tử tù Lê Văn Manh, ông Đàm Cảnh Long - Phó Trưởng phòng Giám đốc kiểm tra (phụ trách thi hành án hình sự) thuộc TAND tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Đến thời điểm này, Hội đồng thi hành án chưa họp để đưa ra quyết định cụ thể vấn đề liên quan đến việc thi hành án với Lê Văn Mạnh.
Cũng theo ông Long, trong thông báo của TAND tỉnh Thanh Hóa gửi gia đình tử tù Lê Văn Mạnh, hạn chót để TAND tỉnh Thanh Hóa nhận đơn của gia đình (về việc nhận tử thi) là vào ngày 26.10. Sau thời điểm đó, Hội đồng thi hành án mới họp và đưa ra quyết định về ngày, giờ thi hành án. Như vậy ngày 26.10 không phải là ngày thi hành án tử hình đối với Lê Văn Mạnh như một số thông tin mà báo chí đã đưa.
Xem xét lại vụ án thận trọng, khách quan
Về vụ án Lê Văn Mạnh, theo tìm hiểu của chúng tôi, cách đây 10 năm, vào ngày 29.7.2005, TAND tỉnh Thanh Hóa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Lê Văn Mạnh mức án “tử hình” đối với 3 tội danh giết người, hiếp dâm trẻ em và cướp tài sản.
Sau đó, Mạnh đã làm đơn kêu oan nên đến ngày 27.10.2005, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã tuyên hủy bỏ tội danh “giết người và hiếp dâm trẻ em”, giao TAND tỉnh Thanh Hóa tiến hành tố tụng lại từ giai đoạn điều tra.
Đến ngày 13.3.2006, TAND tỉnh Thanh Hóa đã mở phiên sơ thẩm lần 2 để xét xử và vẫn tuyên án “tử hình” đối với Lê Văn Mạnh về 2 tội danh giết người và cướp tài sản.
Lê Văn Mạnh tiếp tục làm đơn kêu oan. Ngày 23.4.2007, Viện trưởng Viện KSND Tối cao có kháng nghị giám đốc thẩm đối với 2 bản án cấp sơ thẩm và phúc thẩm của TAND tỉnh Thanh Hóa và TAND Tối cao tại Hà Nội kết án Lê Văn Mạnh và đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy 2 bản án hình sự trên, đồng thời giao hồ sơ về Viện KSND Tối cao để giải quyết vụ án từ giai đoạn điều tra.
Tuy nhiên, ngày 29.7.2008, TAND tỉnh Thanh Hóa xét xử sơ thẩm lần 3 vẫn kết án tử hình đối với Lê Văn Mạnh về tội giết người và hiếp dâm trẻ em. Ngày 25.11.2008, tại phiên phúc thẩm, TAND Tối cao tại Hà Nội tuyên y án tử hình đối với Lê Văn Mạnh.
Trao đổi với phóng viên, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn cho biết, vụ án của Lê Văn Mạnh sẽ được xem xét đúng quy định pháp luật, không làm oan người không tội và bỏ lọt tội phạm. Tất cả mọi quy trình về một vụ án đã làm hết thì mới đến giai đoạn thành lập được hội đồng thi hành án. Khi có đơn thư, để thận trọng cơ quan chức năng sẽ xem xét lại vụ án một cách cụ thể, khách quan. Về nguyên tắc, tòa án có trách nhiệm xem xét đầu tiên, xem bản án của tòa án có oan hay không...
Theo hồ sơ vụ án, ngày 21.3.2005 xảy ra một vụ giết người và hiếp dâm tại xã Yên Thịnh, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Nạn nhân là Hoàng Thị Loan (SN 1991). Quá trình điều tra xác định chiều hôm đó Hoàng Thị Loan ra bờ sông Cầu Chày đi vệ sinh. Tối cùng ngày, gia đình phát hiện Loan mất tích. Trưa 22.3.2005, người dân phát hiện thi thể Loan tại bờ sông Cầu Chày thuộc xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ngày 20.4.2005, Lê Văn Mạnh bị bắt.
|
“Vụ án có dấu hiệu oan sai”
Trao đổi với NTNN ngày 26.10, luật sư Trần Vũ Hải – Văn phòng Luật sư Trần Vũ Hải (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) khẳng định như vậy. Luật sư Hải (ảnh) cho biết: “Tôi và 5 luật sư khác đã ký đơn đề nghị tạm hoãn thi hành án đối với tử tù Lê Văn Mạnh. Chúng tôi cũng đã đề nghị TAND Tối cao cho các luật sư tiếp cận toàn bộ hồ sơ vụ án để hỗ trợ pháp lý cho gia đình Lê Văn Mạnh”.
Theo luật sư Hải, ông cùng các luật sư khác đã tiếp cận được một số tài liệu liên quan đến vụ án như đơn kêu oan của bà Nguyễn Thị Việt (mẹ của tử tù Lê Văn Mạnh) và các bản án của vụ án…
“Chúng tôi đang đề nghị một nữ đồng nghiệp ở Đoàn luật sư tỉnh Thanh Hóa, từng làm luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Lê Văn Mạnh, gửi toàn bộ hồ sơ vụ án để chúng tôi nghiên cứu trong một vài ngày tới đây. Bà Việt cho biết, ban đầu nữ luật sư này rất nhiệt tình bảo vệ cho Lê Văn Mạnh. Nhưng sau đó, không hiểu vì lý do gì vị luật sư này lại không bào chữa nữa. Tuy vậy, khi chúng tôi trao đổi và đề nghị chị gửi hồ sơ vụ án, chị đã rất ủng hộ và hứa sẽ gửi 500 trang tài liệu ra Hà Nội cho chúng tôi”.
Theo phân tích của luật sư Trần Vũ Hải, qua các tài liệu ông và đồng nghiệp tiếp cận, vụ án này có dấu hiệu vi phạm tố tụng nghiêm trọng và dấu hiệu oan sai. “Đó là sai sót trong nghiệp vụ điều tra của công an, trong truy tố của Viện Kiểm sát, xét xử của Tòa án. Vụ án đã xử đi xử lại 7 lần vì nó có những tình tiết sai phạm, không bình thường. Chứ nếu không thì không có gì phải phức tạp như vậy” – luật sư Hải khẳng định.
Ngoài ra, luật sư Hải cũng cho rằng, luật sư chỉ định của Lê Văn Mạnh đã không lên tiếng hoặc bào chữa “cho có” trong các phiên tòa sơ thẩm lần 3 và phúc thẩm lần 3. “Sự thiếu trách nhiệm của luật sư chỉ định là một hành vi vi phạm về tố tụng và cả nguyên tắc trong nghề luật sư” – luật sư Hải nói.
Thắng Quang
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.