Vụ vải thiều tốt nhất từ trước đến nay

Minh Huệ Thứ tư, ngày 09/06/2021 05:29 AM (GMT+7)
Sáng 8/6, UBND tỉnh Bắc Giang, Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương đã phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến tiêu thụ vải thiều tại 22 điểm cầu trong nước và 8 điểm cầu tại các nước: Nhật Bản, Úc, Singapore, Trung Quốc.
Bình luận 0

Đến thời điểm này, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp song việc tiêu thụ vải thiều cơ bản diễn ra thuận lợi cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

Vải thiều chất lượng cao nhất từ trước đến nay

Theo ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, năm nay sản lượng vải thiều toàn tỉnh ước đạt 180.000 tấn, tăng khoảng 15.000 tấn so với vụ năm 2020. 

Đối với thị trường Trung Quốc, tỉnh tiếp tục duy trì 149 mã số vùng trồng tại 4 huyện (Tân Yên, Yên Thế, Lục Nam, Lục Ngạn), với diện tích 15.800ha (chiếm 56,4% tổng diện tích vải thiều); sản lượng ước đạt 95.000 tấn.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng xây dựng được 218ha vải thiều để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc..., sản lượng ước đạt 1.800 tấn. Vùng vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản 219ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn, với 260 hộ nông dân tham gia.

Vụ vải thiều tốt nhất từ trước đến nay - Ảnh 1.

Vải thiều được sơ chế, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn trước khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ảnh: A.T

Đến nay, vải thiều Bắc Giang đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia.

Tháng 3/2021, vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Ngay khi những cây vải mới trổ hoa, đậu quả non, tỉnh Bắc Giang đã sớm đưa ra dự báo về thị trường tiêu thụ, với những khó khăn có thể gặp phải do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. 

Tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp với các địa phương trồng vải trọng điểm, đốc thúc ngành chức năng đảm bảo sản xuất vải thiều đạt tiêu chuẩn; xúc tiến làm việc với các doanh nghiệp để mở rộng thị trường xuất khẩu… 

Bên cạnh đó, tỉnh cũng làm việc với các cơ quan thương vụ tại Quảng Tây, Vân Nam của Trung Quốc, tại Nhật Bản, Úc, Singapore... để đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, xúc tiến tiêu thụ vải thiều.

Điển hình là mới đây, tỉnh đã ban hành kế hoạch nhằm bảo vệ vùng sản xuất vải thiều tập trung (Lục Ngạn, Tân Yên) an toàn, sạch Covid-19; lập các chốt kiểm tra y tế trên các tuyến đường trục chính vào vùng vải thiều tập trung để bảo vệ vùng trồng vải... Do đó đến nay, "thủ phủ" vải thiều của tỉnh là Lục Ngạn chưa có ca mắc Covid-19.

Ông Tuấn cũng khẳng định, với cách làm năng động, sáng tạo, đến giờ có thể khẳng định vụ này, vải thiều Bắc Giang có chất lượng cao nhất từ trước đến nay, hương vị thơm ngon, chất lượng vượt trội như quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày. Đó là những đặc trưng riêng làm nên thương hiệu vải thiều nổi tiếng trong và ngoài nước.

Vụ vải thiều tốt nhất từ trước đến nay - Ảnh 3.

Vải thiều Bắc Giang đã được đưa vào bày bán tại hệ thống siêu thị Vinmart/Vinmart+. Dự kiến vụ vải năm nay, hệ thống siêu thị này sẽ tiêu thụ khoảng 2.000 tấn vải. Ảnh: T.L

"Để vải thiều có chất lượng cao nhất, đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường, những năm qua, tỉnh đã kiên trì thực hiện các biện pháp như hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn người trồng vải thiều kỹ thuật canh tác, chăm sóc; ghi chép, truy xuất nguồn gốc; kiểm tra, giám sát nội bộ và giám sát từ bên ngoài; thử nghiệm biện pháp che màn để hạn chế sâu bệnh... 

Nhân rộng mô hình HTX, nhóm hộ liên kết sản xuất để đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị; mở rộng diện tích trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... hướng tới 100% vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP" - ông Tuấn thông tin thêm.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao cách làm của tỉnh Bắc Giang trong việc xúc tiến tiêu thụ vải thiều. 

"Việc Bắc Giang đã chủ động áp dụng phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mới trong tiêu thụ vải thiều là hướng đi đúng, cách đi sáng tạo, hiệu quả trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay" - Bộ trưởng đánh giá.

Giữ và mở cửa thêm thị trường mới

Tại hội nghị trực tuyến, ông Vũ Hồng Nam - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, quả vải rất khó trồng ở Nhật Bản vì đây là nước ôn đới. Sản lượng quả vải trồng tại Nhật chỉ chiếm khoảng 5% thị phần tiêu thụ ở Nhật, do đó vải được coi là mặt hàng cao cấp với giá bán rất cao.

Ông Nam cho biết, khi lần đầu tiên được ra mắt tại chuỗi siêu thị AEON vào tháng 6/2020, quả vải thiều đã được người tiêu dùng Nhật Bản và đông đảo cộng đồng người Việt Nam sinh sống, làm việc tại Nhật hồ hởi đón nhận.

Do gây được hiệu ứng tốt, các công ty Nhật dự kiến tăng lượng nhập khẩu vải thiều Việt Nam trong mùa vụ 2021 lên khoảng 1.000 tấn. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp tham gia thu mua và xuất khẩu vải thiều sang Nhật như Chánh Thu, Ameii, Rồng Đỏ, Toàn Cầu, Bamboo...

"Để duy trì thương hiệu quả vải Việt Nam tại Nhật thì điều quan trọng là duy trì chất lượng quả vải sạch, đảm bảo giá thu mua, giá bán và giá xuất khẩu ổn định. Đẩy mạnh hơn nữa khâu quảng bá hình ảnh sản phẩm, tổ chức các sự kiện ăn thử vải tại siêu thị... 

Bên cạnh quả vải tươi, các nhà sản xuất, xuất khẩu vải cũng nên đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ vải (vải khô, nước ép vải, kem vải…). Đại sứ quán sẽ tiếp tục phối hợp với các bên liên quan để nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới" - ông Nam nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ hội nghị, Ban tổ chức đã công bố văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn tại Nhật Bản; tổ chức khai trương gian hàng vải thiều Bắc Giang trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước; cắt băng xuất hành đoàn xe vải thiều tiêu thụ tại thị trường trong nước và quốc tế năm 2021. 

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem