Vụ Việt Á: Có bao nhiêu giám đốc CDC, cán bộ Bộ Y tế, Bộ KH&CN bị khởi tố?
Vụ Việt Á: Có bao nhiêu giám đốc CDC, cán bộ Bộ Y tế, Bộ KH&CN bị khởi tố?
Q. Nguyễn
Thứ hai, ngày 31/01/2022 16:27 PM (GMT+7)
Liên quan đến sai phạm xảy ra tại Công ty Việt Á, tính đến nay, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố 22 bị can, trong đó có nhiều cán bộ lãnh đạo thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học và công nghệ và Giám đốc CDC các tỉnh.
Cuối năm 2021, vụ việc "thổi giá" bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 (hay còn gọi là kit test, kit xét nghiệm) tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) bị phanh phui đã gây chấn động dư luận.
Hàng loạt cán bộ, giám đốc CDC các tỉnh bị khởi tố
Quá trình điều tra mở rộng vụ án, đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 22 bị can về các tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng"; "Đưa hối lộ, Nhận hối lộ"; "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", trong đó có 3 quan chức cấp vụ thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học và công nghệ (KH-CN) cùng 4 giám đốc CDC các tỉnh.
Ngày 18/12/2021, C03 đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu, nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 xảy ra tại Công ty Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan.
Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt; Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á Vũ Đình Hiệp; thủ quỹ Công ty Việt Á Hồ Thị Thanh Thảo...
Các bị can Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC Hải Dương); Nguyễn Mạnh Cường (nguyên Kế toán trưởng CDC Hải Dương) cũng bị khởi tố.
Ngày 26/12/2021, Bộ KH-CN công bố thông tin kit xét nghiệm Việt Á được nhận gần 19 tỷ đồng kinh phí từ ngân sách để nghiên cứu.
Trước đó, Cổng thông tin điện tử của Bộ KH-CN đã công bố đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế Anh cấp chứng nhận đạt chuẩn châu Âu cho kit xét nghiệm của Công ty Việt Á. Sau khi Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, bắt tạm giam tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt, thông tin trên đã bị gỡ bỏ khỏi website của Bộ KH-CN.
Ngày 30/12/2021, vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á được đưa vào diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Ngày 31/12/2021, C03 khởi tố các bị can: Nguyễn Văn Định, Giám đốc CDC Nghệ An; Nguyễn Thị Hồng Thắm, Kế toán trưởng CDC Nghệ An; Nguyễn Thành Danh, Giám đốc CDC Bình Dương; Trần Thanh Phong, Phó trưởng phòng Tài chính kế toán CDC Bình Dương; Lê Thị Hồng Xuyên, nguyên phụ trách Phòng Thí nghiệm CDC Bình Dương;Tiêu Quốc Cường kế toán trưởng, Phó trưởng phòng Tài chính Sở Y tế Bình Dương.
C03 cũng khởi tố 3 bị can là lãnh đạo, nhân viên các công ty gồm: Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty VNDAT; Nguyễn Thị Thúy, nhân viên kinh doanh Công ty VNDAT, và Lê Trung Nguyên, Giám đốc vùng Công ty Việt Á về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Cùng ngày, C03 khởi tố 3 lãnh đạo cấp vụ gồm: Nguyễn Minh Tuấn, nguyên vụ trưởng Vụ trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế; Nguyễn Nam Liên, vụ trưởng Vụ Kế hoạch và tài chính, Bộ Y tế; Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ KH-CN các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH-CN.
Đồng thời, C03 khởi tố bổ sung bị can đối với Phan Quốc Việt, Vũ Đình Hiệp về tội Đưa hối lộ; khởi tố bị can đối với Phạm Duy Tuyến về tội Nhận hối lộ.
Ngày 6/1, trong báo cáo của Ban Dân nguyện gửi đến kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV nêu việc cử tri và nhân dân kiến nghị mở rộng điều tra xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước gồm Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế và Học viện Quân y, Công ty Việt Á, các tổ chức, cá nhân, địa phương có liên quan; xử lý nghiêm, không bỏ lọt tội phạm.
Ngày 15/1, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đưa, nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Việt Á, bệnh viện TP.Thủ Đức và Công ty TNHH Thiết kế Xây dựng và dịch vụ Nam Phong; khởi tố, bắt tạm giam Phạm Vũ Phong, Giám đốc Công ty Nam Phong và khởi tố Trương Thị Bảo Trân, nhân viên phòng vật tư Bệnh viện TP.Thủ Đức.
Ngày 21/1, C03 khởi tố, bắt tạm giam Lâm Văn Tuấn, Giám đốc CDC Bắc Giang; Phan Huy Văn, Giám đốc Công ty Phan Anh (trụ sở tại TP.Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) và Phan Thị Khánh Vân (kinh doanh tự do, chị gái của Huy Văn). 3 bị can bị cáo buộc nhận trên 44 tỷ đồng tiền % ngoài hợp đồng từ Công ty Việt Á.
Ăn chia "hoa hồng" trên hoạn nạn của nhân dân
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Công ty Việt Á do Phan Quốc Việt thành lập, giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc, người đại diện pháp luật. Tháng 4/2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19.
Công ty Việt Á đã cung ứng kit test Covid-19 cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu khoảng gần 4.000 tỉ đồng.
Bước đầu, Phan Quốc Việt và các lãnh đạo chủ chốt Công ty Việt Á đã khai nhận quá trình kinh doanh, tiêu thụ kit xét nghiệm Covid-19 của công ty này.
Lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test Covid-19, sản phẩm kit test thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn nên Phan Quốc Việt đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành sử dụng.
Sau đó, Phan Quốc Việt thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách công ty sử dụng các pháp nhân trong hệ thống (công ty liên danh, công ty con) lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho công ty theo giá do công ty đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.
Phan Quốc Việt còn thỏa thuận, thống nhất, chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn. Nhằm thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành trong quá trình cung cấp sản phẩm.
"Cú bắt tay" của Phan Quốc Việt với các đối tác đã nâng khống giá kit xét nghiệm lên khoảng 45%, thu về số tiền trên 500 tỷ đồng; số tiền "hoa hồng" mà Việt Á chi cho các "đối tác" là gần 800 tỷ đồng.
Ngày 20/1, Tổng cục Hải quan cho biết, que thử test nhanh xét nghiệm định tính kháng nguyên virus SARS-CoV-2 được Công ty Việt Á nhập khẩu từ Trung Quốc với giá khai báo 0,955 USD/test (khoảng 21,56 ngàn đồng/test).
Ngày 20/1, tại phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vụ Việt Á được đưa vào danh sách 10 vụ án trọng điểm. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị các cơ quan nội chính tập trung xét xử 10 vụ án này trong năm 2022.
Cùng ngày, tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết: Cơ quan điều tra của Bộ Công an đang phối hợp với Đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Cục điều tra hình sự (Bộ Quốc phòng) để tiến hành xác minh, làm rõ những vấn đề liên quan, trong đó có thu thập hồ sơ, tài liệu để xác minh sai phạm
Trung tướng Tô Ân Xô khẳng định: Cơ quan Cảnh sát điều tra và An ninh điều tra của Bộ Công an đang tích cực vào cuộc tích cực và làm xuyên Tết Nguyên đán đối với vụ án Việt Á. Bộ Công an sẽ cung cấp thông tin kịp thời về xử lý vụ án liên quan đến trục lợi trong quá trình chống dịch.
Về thu hồi tài sản trong vụ án Công ty Việt Á, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, cơ quan điều tra đã thu giữ kê biên, phong tỏa 1.220 tỷ đồng, trong đó 380 tỷ đồng tiền mặt, giá trị đồng giá trị bất động sản khoảng hơn 840 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.