Vụ Vinashin: Các bị cáo không chấp nhận cáo buộc về thiệt hại

Thứ năm, ngày 29/03/2012 06:51 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong ngày 28.3, Hội đồng xét xử tập trung thẩm vấn các bị cáo xung quanh các hành vi sai phạm liên quan đến dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Sông Hồng.
Bình luận 0

Dự án này do Công ty cổ phần CNTT Hoàng Anh Vinashin làm chủ đầu tư.

55 triệu USD và 3 cỗ máy cũ

Công ty Hoàng Anh có 51% vốn cổ phần của Tập đoàn Vinashin, do Nguyễn Văn Tuyên làm giám đốc. Các bị cáo trong vụ án này đã có hành vi phê duyệt, xây dựng dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện không có trong quy hoạch phát triển lưới điện quốc gia, không lập báo cáo đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư đối với dự án nhóm A.

img
Bị cáo Phạm Thanh Bình được dẫn giải rời phiên tòa.

Khi được sự phê duyệt của Phạm Thanh Bình- nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinashin, Nguyễn Văn Tuyên ký hợp đồng xây dựng nhà máy theo phương thức “chìa khoá trao tay” với Nguyễn Tuấn Dương- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Cửu Long, với tổng trị giá là 55 triệu USD.

Ngay sau đó, Công ty Hoàng Anh đã chuyển 201 tỷ đồng (là tiền vay từ nguồn vốn ngắn hạn của Tập đoàn Vinashin và từ nguồn trái phiếu quốc tế vay tại Công ty Tài chính VFC) đặt cọc để Công ty Cửu Long sang Hàn Quốc mua máy móc thiết bị.

Trước đó, Nguyễn Tuấn Dương đã sang Hàn Quốc ký hợp đồng mua 3 tổ máy nhiệt điện cũ trị giá 12,6 triệu USD. Đến tháng 2.2008, toàn bộ số máy móc thiết bị nhiệt điện cũ được nhập về Cảng Cái Lân (Quảng Ninh) và Cảng Hải Phòng để phục vụ dự án.

Tuy nhiên, khi thẩm định hồ sơ dự án, Bộ Công nghiệp khẳng định: “Không có cơ sở pháp lý để phê duyệt dự án, thiết bị công nghệ lạc hậu”. Tiếp đó, Bộ Công nghiệp có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Nam Định đình chỉ thực hiện dự án. Dự án bị đổ bể đã dẫn tới hậu quả thiệt hại theo tính toán của cơ quan giám định là hơn 316 tỷ đồng. Tại phiên tòa hôm qua, hầu hết các bị cáo đều thừa nhận hành vi đã nêu trong cáo trạng, tuy nhiên lại không chấp nhận cáo buộc của Viện Kiểm sát đối với thiệt hại gây ra từ những hành vi đó.

Hành vi đúng, cáo buộc... sai?

Bị cáo Phạm Thanh Bình thừa nhận các hành vi nêu trong cáo trạng là đúng như đã khai. Nhưng Viện Kiểm sát cáo buộc bị cáo trực tiếp tổ chức thực hiện và con số thiệt hại thì bị cáo không thừa nhận.

Theo Phạm Thanh Bình, với cương vị của mình, bị cáo chỉ có thể chỉ đạo chứ không tổ chức thực hiện được. Công ty Hoàng Anh là công ty thành viên, Tập đoàn có 51% cổ phần và đứng ra cho vay vốn đầu tư nên phải phê duyệt dự án, mặc dù theo Luật Doanh nghiệp thì bị cáo cũng nhận thấy là không đúng lắm.

Việc Tập đoàn cho Công ty Hoàng Anh vay số tiền 42,8 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu quốc tế để phục vụ dự án đóng tàu, nhưng công ty này sử dụng sai mục đích, chuyển cho Công ty Cửu Long để sử dụng vào dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện thì do Công ty Hoàng Anh tự chịu trách nhiệm.

Về hành vi ký duyệt 2 dự án (nhóm A) với số tiền khác nhau nhưng lại cùng số, cùng ngày, bị cáo Bình trình bày chỉ là 1 dự án, bị cáo ký như vậy là để quyết định sau thay thế cho quyết định trước với mục đích giảm bớt thủ tục hành chính.

Bị cáo Nguyễn Văn Tuyên trình bày: Các hành vi mà cáo trạng nêu là đúng nhưng theo nhận thức của bị cáo thì những hành vi đó không cấu thành tội phạm. Theo bị cáo Tuyên, việc sử dụng số tiền 233 tỷ đồng vay của Tập đoàn Vinashin chỉ là “mượn tạm” để đặt cọc cho Công ty Cửu Long nên chỉ là sử dụng tiền sai mục đích. Việc ký hợp đồng mua thép tấm trị giá hơn 42,8 tỷ đồng đóng tàu nhằm hợp lý hóa thủ tục vay tiền trái phiếu quốc tế. Bị cáo xác định mình không gây thiệt hại gì cho Vinashin.

Cam kết trả nợ

Đại diện Công ty Hoàng Anh trình bày, hiện nay công ty vẫn đang thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với Công ty Tài chính TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy (VFC) và sẽ tiếp tục thực hiện việc trả nợ các khoản vay 199 tỷ đồng và 42,8 tỷ đồng. Hiện tại Công ty Cửu Long đã nhận nợ 200 tỷ, số tiền còn lại Công ty Hoàng Anh sẽ trả cho Vinashin nên công ty này không gây thiệt hại cho Vinashin.

Nguyễn Tuấn Dương khai, hiện tại Công ty Cửu Long đã xác định khoản vay của Vinashin khoảng 221 tỷ đồng, trong đó có 20 tỷ công ty vay vốn lưu động và 201 tỷ nhận nợ của Công ty Hoàng Anh. Bị cáo khẳng định và cam kết Công ty Cửu Long đủ khả năng để trả các khoản nợ cả gốc và lãi nên không thể xác định đó là thiệt hại.

Bị cáo Nguyễn Tuấn Dương - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Cửu Long thừa nhận các hành vi của mình được nêu trong cáo trạng là đúng, nhưng bị cáo cho rằng bị truy tố tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng là không đúng. Bị cáo cho rằng mình không gây ra bất cứ thiệt hại gì cho Vinashin.

Theo nhận thức của bị cáo thì việc ký kết hợp đồng xây dựng nhà máy giữa Công ty Cửu Long và Công ty Hoàng Anh và việc Công ty Cửu Long đã nhận khoản nợ 201 tỷ đồng do Công ty Hoàng Anh chuyển sang và được Tập đoàn Vinashin đồng ý chứng tỏ đó hoàn toàn là các giao dịch dân sự.

Bị cáo Đỗ Đình Côn- nguyên kế toán trưởng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Anh thừa nhận các hành vi sai phạm đã được nêu trong cáo trạng, nhưng không đồng ý với việc đánh giá số tiền thiệt hại và trình bày bản thân bị cáo chỉ là cán bộ giúp việc cho giám đốc. Việc bị cáo chuyển tiền cho Công ty Cửu Long là theo lệnh của giám đốc Công ty Hoàng Anh.

Bị cáo Trịnh Thị Hậu- nguyên Tổng Giám đốc VFC tiếp tục không đồng ý với cáo trạng cáo buộc các hành vi của bị cáo trong vụ việc này. Bởi vì theo bị cáo, bị cáo chỉ ký hồ sơ giải ngân sau khi cán bộ tín dụng và trưởng phòng tín dụng đã ký, khi mà bộ hồ sơ đã hoàn toàn đầy đủ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem