Vụ xúc xích Viet Foods: Ơn giời không bị “chìm xuồng”

Phạm Hoàng Lan Thứ năm, ngày 12/01/2017 06:15 AM (GMT+7)
Chúng ta có nên hy vọng vào một “án lệ” sẽ được thiết lập sau vụ việc Công ty Viet Foods, để các lực lượng thực thi công vụ, như quản lý thị trường, thuế vụ... coi đó là “bài học” mà thận trọng hơn trước khi quyết định “xuống tay” với doanh nghiệp, người dân?
Bình luận 0

img

Nếu không có chỉ đạo của Thủ tướng có lẽ vụ xúc xích Viet Foods đã "chìm xuồng"?

Vụ việc Đội quản lý thị trường số 14 (thuộc Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) tạm giữ trái phép 2,2 tấn thực phẩm của Công ty Viet Foods rồi tùy tiện công bố “sản phẩm chứa chất gây ung thư” gây hoang mang dư luận, đẩy doanh nghiệp bên bờ phá sản, tưởng như đã “êm” sau gần nửa năm im hơi lặng tiếng.

Nhưng ơn giời, vụ việc đã không có dấu hiệu bị “chìm xuồng” khi mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục có văn bản yêu cầu UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có sai phạm trong việc kiểm tra vụ việc, khiến doanh nghiệp thiệt hại nặng nề.

Nói tiếp tục bởi trước đó, ngay khi nhận đơn kêu cứu khẩn cấp của Công ty Viet Foods vào hồi tháng 5.2016, Thủ tướng từng một lần đích thân “lệnh” cho Bộ Công thương, Y tế và TP.Hà Nội phải khẩn trương kiểm tra, xem xét, giải quyết nội dung phản ánh, kiến nghị của Viet Foods.

Có lẽ để “điều tra, làm rõ” được vụ việc cần phải có quy trình. Và quy trình đó càng phải “thận trọng” hơn khi nó liên quan đến lực lượng thực thi hành chính công vụ như quản lý thị trường. Chính vì thế, hơn nửa năm qua, vụ việc gần như yên ắng, dẫu trước đó, đích thân Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng từng yêu cầu làm rõ và xử lý nghiêm sai phạm của các cá nhân tổ chức liên quan trong vụ việc.

Tôi hy vọng lần này, sau chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Thủ tướng, vụ việc sẽ sớm đi đến hồi kết, để công tội được định đoạt, và những đơn vị, cá nhân sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm, trả lại sự công bằng, trong sạch cho doanh nghiệp.

Nhưng sự công bằng mà chúng ta đòi hỏi có lẽ cũng chỉ có thể ở mức tương đối. Lâu nay, người dân đồn đại một số cán bộ quản lý thị trường “hành” doanh nghiệp vô tội vạ và là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Thực tế, khi vụ việc Viet Foods xảy ra, không ít người từng nghĩ “chắc doanh nghiệp này chi không đẹp nên bị hành?”. Quả thực, người ta có cái lý khi nghĩ về một hiện tượng vốn được coi như “luật bất thành văn” – làm doanh nghiệp là phải “lụy” quản lý thị trường và thuế vụ?

Khi vụ việc mới xảy ra, có Luật sư từng lên tiếng: “phải coi vụ Viet Foods như là "án lệ” bởi sai phạm của Đội quản lý thị trường 14 đã rất rõ ràng nhưng việc xác định thiệt hại và bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp rất khó khăn. Ngoài số tiền thực mất lên tới cả chục tỷ đồng, uy tín, thương hiệu doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng trầm trọng là cái mất lớn hơn. Bồi thường thế nào cho thỏa đáng khi quy định pháp luật chưa rõ ràng, thậm chí ngay đến việc công khai xin lỗi doanh nghiệp như một cách hành xử có văn hóa cũng đã bị Quản lý thị trường Hà Nội quyết “làm ngơ”?

img

Đội Quản lý Thị trường số 14 thuộc Chi cục QLTT Hà Nội trong một lần làm nhiệm vụ

Chúng ta có nên hy vọng vào một “án lệ” sẽ được thiết lập sau vụ việc Công ty Viet Foods, để các lực lượng thực thi công vụ, như quản lý thị trường, thuế vụ... coi đó là “bài học” mà thận trọng hơn trước khi quyết định “xuống tay” với doanh nghiệp, người dân?

Đặt ra câu hỏi đó để rồi tự trả lời rằng, khi hệ thống pháp luật còn nhiều chồng chéo, khi tư duy của một nền hành chính công còn nặng tư tưởng “xin - cho”, khi doanh nghiệp mãi chấp nhận “một cổ nhiều tròng”... sẽ rất khó để giải quyết triệt để vấn đề.

Còn nhớ, trong một phiên thảo luận về Pháp lệnh Quản lý thị trường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi đó đã nhấn mạnh rằng, cần thiết phải xây dựng được Luật Quản lý thị trường, ở đó quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn... của lực lượng này, để có thể thực thi tốt hơn công tác quản lý thị trường, tránh lạm quyền, giảm thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp.

Thực tế dù chưa có Luật, nhưng Pháp lệnh Quản lý thị trường vừa được ban hành năm 2016 cũng đã quy định khá cụ thể về vị trí, chức năng và phạm vi kiểm tra của quản lý thị trường; bảo đảm quyền tự do kinh doanh của các tổ chức cá nhân... Tuy nhiên, ở nhiều nơi, việc quản lý thị trường tự cho mình ‘đặc quyền” được thanh, kiểm tra đột xuất, vòi vĩnh, thậm chí bắt giữ trái phép hàng hóa của doanh nghiệp vẫn còn xảy ra.

Một dự luật về quản lý thị trường với các quy định cụ thể hơn, chặt chẽ hơn, đủ sức ngăn ngừa những nhũng nhiễu, sai phạm của một số cán bộ quản lý thị trường là điều mà hàng triệu doanh nghiệp đang ngày đêm mong đợi. Khi chưa được “bảo vệ” bằng luật pháp, có lẽ khi xảy ra oan sai tương tự như Viet Foods, doanh nghiệp chỉ còn cách lại “kêu cứu khẩn cấp” lên Thủ tướng.

Mà Thủ tướng thì không thể mãi xử lý từng sự vụ cụ thể như thế!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem