Trong trang trại của "vua" rắn mối miền Tây Nguyễn Văn Thuyết ở khóm 10, phường 1, TP Bạc Liêu (Bạc Liêu), nhiều chuồng mới được xây với tường cao ngang ngực. Mỗi chuồng dài khoảng 5m, ngang 2m, chủ nhân thả nuôi khoảng 2.000 con rắn hổ hành mà không cần đậy nắp chuồng.
Anh Thuyết với những con rắn hổ hành nuôi trong trang trại rắn mối. Ảnh: Ái Nam
Anh Thuyết cho biết đã bắt đầu nuôi thử nghiệm gần 4 năm nay. Ban đầu anh tìm mua rắn nhỏ ngoài tự nhiên, sau đó đem về nuôi lớn rồi cho phối giống. Với số lượng nhiều như vậy nhưng ít khi nhìn thấy rắn, bởi hàng nghìn con bò sát này thường trốn trong lớp xơ dừa xay nhuyễn được rải dưới đáy chuồng, dày khoảng 30-40 cm.
Rắn sinh sản được anh Thuyết đưa ra ngoài chờ ngày đẻ. Ảnh: Ái Nam
"Thức ăn của rắn hổ hành chủ yếu là ếch, nhái, chuột… Mỗi tuần cho chúng ăn 3 lần, mỗi lần khoảng 1-2kg và sau 10 tháng nuôi mỗi con rắn nặng từ một kg trở lên", anh Thuyết cho biết.
Theo anh Thuyết, cứ khoảng 3-4 ngày khi thấy sơ dừa khô thì phải dùng bình xịt phun sương nước. Lượng phân rắn thải ra rất ít, tự phân hủy trong xơ dừa nên không ô nhiễm môi trường.
Xơ dừa được anh Thuyết dùng để nuôi rắn hổ hành. Ban ngày loài bò sát này chui rúc trong sơ dừa, ban đêm bò lên săn mồi là những con ếch, nhái được thả trên lớp xơ dừa. Ảnh: Ái Nam
Không chỉ nuôi rắn hổ hành thương phẩm bán với giá trên 400.000 đồng mỗi kg, anh Thuyết còn cho rắn sinh sản để gầy đàn và bán giá 100.000 đồng một con giống hoặc 800.000 đồng mỗi kg rắn con.
"Rắn hổ hành hoang dã còn rất ít trong khi sức tiêu thụ ngoài thị trường khá nhiều, nên rất hút hàng. Nghề nuôi rắn hổ hành nhàn rỗi, không mất nhiều thời gian chăm sóc nhưng thu lãi rất cao", anh Thuyết chia sẻ.
(Theo VnExpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.