Vui buồn thầy giáo mầm non: Đường nghề muôn nẻo

Thứ tư, ngày 21/11/2012 08:17 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thầy Nguyễn Đức Lợi - người thầy đầu tiên của hệ mầm non huyện Mường Tè (Lai Châu) đến với nghề do... dòng đời xô đẩy. 10 năm làm nghề, thầy luôn cố học hỏi, lấp đi những khoảng thiếu hụt đặc thù cho bằng đồng nghiệp nữ.
Bình luận 0

Chọn nghề hay chọn việc

Chúng tôi có cái may mắn gặp được gần 20 người trong tổng số 25 giáo viên mầm non nam của huyện Mường Tè - nơi có lẽ đông giáo viên nam nhất của cả nước. Đến với nghề, mỗi người có một hay bởi một số lý do khác nhau. Có người đơn giản vì cần một công việc, có người như một căn duyên, có người thực sự là ước mơ.

img
Lớp mầm non của thầy giáo Quàng Văn Thản ở Điểm trường U Pa Tết,
Trường Mầm non số 2 xã Tà Tổng.

Thầy Vàng Văn Anh (SN 1993) khi chúng tôi gặp mới có 25 ngày tuổi nghề. Thầy Anh nhận việc từ ngày 15.10.2012 với lý do chọn nghề rất đặc biệt. Thầy là con một, mẹ thầy bị bệnh không thể sinh thêm em bé. Cả tuổi thơ, rồi lớn lên, thấy các bạn có em, Anh “thèm vô cùng” một đứa em để chăm sóc, để được nghe em hát “làm anh khó lắm…”.

Chọn nghề mầm non chỉ có một băn khoăn nhỏ: “Mình là con trai”. Băn khoăn ấy tan nhanh khi thầy biết có nhiều thầy giáo mầm non dạy ở huyện. Học xong, nhận việc ở Điểm trường Huổi Mắn B, Trường Mầm non số 2 xã Mường Mô (huyện Mường Tè), điểm trường xa tới hơn 40km, ở cái trường cũng vào loại khó khăn bậc nhất huyện mà thầy mừng như được quà vậy. Trong phòng học tạm chỉ rộng chừng 10m2 thầy. Anh đã có 14 đứa em thơ như thầy mong ước.

Thầy Lò Văn Tiển (SN 1987), năm 2010 hoàn thành nghĩa vụ quân sự, thích làm giáo viên nhưng xin đi học các hệ khác khó quá, thời gian lại dài. Cô em gái đang dạy mầm non ở xã Mù Cả (huyện Mường Tè) khuyên anh đi học mầm non, được làm nghề giáo, cũng… dễ xin việc. Nhiều thầy giáo trong số những người tôi gặp chọn ngành học mầm non cả vì thích trẻ, thích nghề giáo và cũng vì chương trình học ngắn, dễ xin việc.

Nếu ngày xưa trở lại

Không chỉ có các thầy giáo ở hệ mầm non, rất nhiều giáo viên trẻ chúng tôi gặp ở các bản vùng sâu, vùng xa Tà Tổng, Tá Bạ, Mường Mô, Pa Vệ Sử đều mắc chung hai “căn bệnh mãn tính” là hạn chế về trình độ và nghèo. Chặng đường học của các thầy cô cũng là chặng đường nợ của cha mẹ. Ngày ra trường, gói nợ thường cũng đến vài chục triệu đồng. Xin được việc, đi làm tích cóp trả nợ là mục tiêu số một. Dù nơi dạy có sâu, xa đến mấy cũng vẫn coi là “hạnh phúc lắm lắm rồi”.

Ở vùng cao, nhất là các điểm trường cần đến thầy giáo mầm non, người dân còn nghèo lắm, những đứa trẻ, học sinh của các thầy đến lớp hầu như không có dép. Lớp mầm non của thầy Lò Văn Xanh ở Nhóm Pó có đến 3 cháu không có quần mặc… “Thương chúng lắm” - gần như thầy giáo nào cũng nói với chúng tôi như vậy.

Ông Trần Đức Hiển - Trưởng phòng GDĐT huyện Mường Tè cho biết: Trong số 25 giáo viên mầm non nam của huyện đã có 1 thầy là hiệu trưởng, 3 thầy là hiệu phó, phần lớn các thầy đều học liên thông tiếp lên cao đẳng, đại học để gắn bó lâu dài với nghề.

Giáo viên vùng cao ngày lễ, ngày tết không biết đến quà từ phụ huynh học sinh. Quà có chăng là mớ rau cải nương, măng rừng biếu thầy và sự tôn trọng đặc biệt của mọi người. Sự tôn trọng khiến cho người ta nhớ đến hình ảnh “ông giáo làng” ngày xưa vậy. Các thầy giáo mầm non có thêm một niềm vui khác - luôn được lũ trẻ bám theo.

Đợt đầu tháng 9.2012, chúng tôi lên xã Tá Bạ gặp thầy Lò Văn Xanh ở Nhóm Phó và thầy Tống Văn Lân, vừa tốt nghiệp hệ cao đẳng về bản. 35 đứa trẻ của 2 thầy học trong cái lớp chung rộng chừng 10m2, cái “sân trường” cũng chỉ rộng chừng 20m2. Thế thôi cũng là đủ để thành một thế giới cho những đứa trẻ người La Hủ của bản thầy dạy.

Thầy Xanh bảo: “Đợt sốt rét tưởng chết năm 2011, em đã nghĩ quẩn hay bỏ nghề, nhưng nhìn tụi trẻ lại không nỡ, nhiều lúc thấy chúng như con mình vậy”. Hỏi thầy có yêu nghề này không, thầy nghĩ thật lâu rồi nói: “Có lẽ em yêu nó thực, khi mới bắt đầu không yêu lắm, giờ yêu thực”.

2 năm học, 4 năm hành, trải qua bao nhọc nhằn như mọi giáo viên vùng cao ở những nơi gian khổ nhất. Thêm bao lần phải gượng cười khi người khác cười phá lên trước mặt khi thầy nói mình làm cái nghề tưởng như chỉ dành cho phụ nữ…

Tất cả những điều ấy ông thầy nào trót vào cái nghề trái khoáy này cũng phải chịu và khi vượt qua được sẽ có một tình yêu với nghề. Gần 20 thầy giáo chúng tôi gặp và phỏng vấn, điểm lại chắc chắn chỉ được 2 thầy đến với nghề khi thực biết và yêu thích như có “căn” với nghề dỗ trẻ.

Cũng từng ấy người khi chúng tôi hỏi: “Nếu được trở lại chọn nghề, thầy có chọn nghề này không?”, chỉ có 1 thầy nói sẽ chọn đi đường khác. Các thầy giáo ấy cũng nói không ân hận vì cái nghề đã chọn mà sẽ cố gắng làm việc để không phụ cái nghề đã nuôi mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem