Nỗi niềm mày râu dỗ trẻ

Thứ ba, ngày 20/11/2012 09:34 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngay trong nghề thì thầy giáo mầm non vẫn bị đánh giá “thế nào ấy”. Với các thầy, chuyện bị người khác phá lên cười khi hỏi về nghề là “chuyện thường” bởi chọn nghề phải chấp nhận cái nghiệp, dù đôi khi cười... như mếu.
Bình luận 0

Học “thiên chức” của phụ nữ

Thầy giáo Nguyễn Đức Lợi người thầy mầm non đầu tiên ở Mường Tè (Lai Châu) tâm sự: “Giáo viên nữ phải cố 1 thì anh em chúng tôi phải cố gấp 3-4 lần”. Việc dỗ trẻ với các cô như là đương nhiên, có người không phải cố chút nào cũng được, nhưng với các thầy mãi vẫn là khó. Đến với nghề dạy trẻ, hầu như thầy nào cũng đều “rất thích trẻ”, có “thâm niên” được trẻ yêu.

img
Lớp mầm non của thầy Lò Văn Tiển ở bản Tia Ma Mủ xã Tà Tổng.

Thầy Tống Văn Lân bảo: “Ngày nhỏ, tôi toàn trông con của các anh chị, cô chú”. Nhưng đấy là việc ở nhà, vào nghề giáo là đi trông con người ta cái tình máu mủ ít hơn, sự gần gũi thông cảm nhau cũng nhạt hơn. Chiếm được tình yêu của các cháu thật khó, mà chiếm được sự tin cậy của phụ huynh cũng không dễ chút nào. Sau những mừng vui vì bản có lớp mầm non dạy cho con mình, các phụ huynh lại mong cao hơn “sao không cho cô giáo dạy các cháu”.

Trường Mầm non số 2 Tà Tổng (Nậm Ngà, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, Lai Châu) thường bố trí 2 giáo viên nam và nữ ở một điểm trường. Giáo viên nữ dạy lớp nhỏ (2-4 tuổi), giáo viên nam dạy lớp 5 tuổi.

Cô Đỗ Lan Hương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thầy dạy lớp 5 tuổi tốt hơn, ở lớp bé bố trí thầy dạy có phần bất tiện”. Cái phần bất tiện ấy, cô không nói rõ nhưng nhìn cũng thấy. 2 lớp học giáp nhau, khi các cháu khóc thường nhìn về phía cô mong được dỗ dành hơn là phía thầy, dù các thầy không bao giờ quát mắng trẻ.

Cái sự học nghề của các thầy cũng lắm công phu. Khó nhất là múa, thầy Lân bảo “học mãi mà tay chân vẫn cứng quèo quèo ấy, không sao mà mềm như cô giáo được”. Học khó nữa là bế trẻ, tay phải nhẹ, không như “ôm bó củi” được, trẻ khóc phải biết nó khóc vì cái gì. Khi nào cần vỗ nhẹ vào lưng, vào vai hay ôm nhẹ vào đầu cháu, khi nào cần bế hẳn lên để dỗ...

Công việc của giáo viên mầm non mỗi ngày sẽ một nặng, việc tổ chức bữa ăn trưa, bữa ăn phụ giữa giờ học đang được triển khai đến cả các điểm trường ở bản xa. Những công việc ấy sẽ thêm khó cho các thầy. Mỗi thầy lại tiếp tục học, kiên trì học cái “thiên chức làm mẹ” để có thể hoàn thành tốt công việc, để theo được cái nghiệp đã trót theo mà không dễ bỏ.

Chuyện tình yêu - không bao giờ dễ

Đợt tôi cùng thầy Long vào bản Sán Xoáy nhận lớp, chúng tôi gặp cô Vân - giáo viên Trường Tiểu học Bản Là, xã Thái Sơn, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng). Cô Vân nghịch vào loại “hơn con trai một tý”, cũng chưa có anh nào… dám yêu. Tôi đùa “làm mối” cho thầy Long, cô Vân giãy nảy: “Cháu là con gái hẳn hoi, ai lại yêu “cô giáo”. Các cô giãy nảy lên khi ai đó trêu, gán ghép với các thầy giáo mầm non như là sự thường vậy. Đùa nhau, cười cho vui nhưng sau đó là những khoảng lặng rất riêng của các thầy.

Ở cụm trường Nậm Ngà (xã Tà Tổng, huyện Mường Tè), chuyện các thầy “ế” là chuyện cũ như trái đất. Năm nào nhà trường cũng kiến nghị phòng cho thêm giáo viên nữ, nhưng năm nào cũng chỉ được đáp ứng kiểu “nhỏ giọt”. Xưa không dám điều vì khổ quá, nay khó điều cũng vì… vẫn khổ quá. “Điều các cô vào day dứt lắm” - ông Trần Đức Hiển - Trưởng phòng GDĐT huyện Mường Tè nói. Cụm trường có gần 70 giáo viên thì còn 17 thầy… chưa có “nguồn đối tác”. Nậm Ngà chiếm số thầy giáo mầm non kỷ lục của huyện với 7 thầy, số khó lấy vợ chiếm già nửa.

Một thầy giáo kể: Hôm về ra mắt gia đình người yêu, người đến xem mặt cháu rể tương lai đông lắm, hình như mọi người muốn “thẩm định” lại xem mình có… sao không.

Ở Nậm Ngà đi Mường Nhé (Điện Biên) còn gần hơn về xã nhà Tà Tổng. Bên ấy, giáo viên nữ cũng nhiều hơn, đã có thời các thầy giáo ở đây tổ chức sang tỉnh bạn “tán gái”. Thầy Đao Văn San - giáo viên mầm non kỳ cựu nay đã là Hiệu phó nhà trường cũng nằm trong “đội quân” ấy. Chuyến đi của thầy San sang một điểm trường ở xã Mường Toong (huyện Mường Nhé) các cô giáo tỉnh bạn không tiếp vì… chưa gặp nhau bao giờ. Lại lóc cóc đi bộ thêm 2 giờ nữa để về… đói. Chuyến sau mang theo con gà làm quà, được tiếp, nhưng hỏi anh làm nghề gì, giới thiệu là giáo viên mầm non, các cô rũ ra cười. Đi mấy chuyến thấy “không ăn thua gì” đành thôi, kết cục chỉ để lại giai thoại… mang gà sang tỉnh bạn kiếm vợ.

Chuyện yêu đương, lấy vợ của các thầy giáo mầm non thường cuối lại về… quanh đâu đấy, thật gần. Thầy San sau những chuyến “đánh bắt xa bờ” bất thành cuối cùng lại đánh bật nhiều đối thủ trực tiếp để chiếm được trái tim một cô giáo cùng trường. Thầy Lợi - giáo viên mầm non đầu tiên của huyện có vợ là giáo viên. Thầy Xanh, thầy Lân cũng lấy những đồng nghiệp.

Kỳ cuối: Đường nghề muôn nẻo

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem