“Mời ghé thăm Lạc Sỹ quê em. Nâng chén rượu chung vui Tết Độc lập. Con đường đưa ngô lúa đầy nương. Để ấm no về với bản Mường...” - câu lăm réo rắt của cô sơn nữ Mường tuổi trăng tròn khiến chúng tôi thấy con đường từ trung tâm huyện Yên Thủy (Hòa Bình) về xã Lạc Sỹ như gần lại.
Sơn nữ ấy bảo, ở quê của cô tất cả người già, trẻ, gái, trai đều thuộc lòng lời lăm này bởi nó được ra đời vào dịp vui đón Tết Độc lập đầu tiên. Và từ đó cứ vào dịp mùng 2.9, người Mường trong các bản lại mở hội tưng bừng...
Xa xôi vẫn nhớ Tết Độc lập“Với người Mường giữa đại ngàn Lạc Sỹ này thì ngày Tết Độc lập - Tết Nước (mùng 2.9) đã trở thành nét văn hóa tâm linh từ nhiều thế hệ. Ngày trước, cả bản thường ăn Tết Nước thâu đêm đến sáng suốt mấy ngày liền. Phụ nữ thì lo làm men lá, ủ rượu cần, người khéo tay thì lo làm hương (hương được làm từ sáp ong, nến đất và than cây vừng), còn đàn ông thì đẵn cây, dựng cổng chào, treo cờ đỏ sao vàng.
Ngày 1.9, nhà nhà làm cỗ cúng. Chiều mùng 1, cỗ cúng được dâng lên bàn thờ với xôi gà, hò mọc... Sáng mùng 2, bản làng vui trẩy hội, người già, con trẻ cùng đổ về trung tâm dự mít tinh mừng Ngày Độc lập. Sau đó mọi người đi thăm hỏi nhau, con cháu, dâu rể đi chúc sức khỏe ông bà, cha mẹ. Những vò rượu cần nồng say men lá được mở ra đãi khách và câu lăm câu xuối cất lên vang vọng cho tới tận canh khuya...
Mấy chục năm rồi, dù nhiều thủ tục đã được giảm bớt theo hướng tiết kiệm nhưng không khí đón Tết Độc lập của người Mường vẫn vậy…” - bên vò rượu cần đã vơi gần nửa, già Bùi Văn Tường - Trưởng bản Thấu khề khà “khoe” về phong tục đón
Tết Độc lập ở quê mình. Chúng tôi có mặt ở bản Thấu vào những ngày cuối tháng 8, và rất ngạc nhiên bởi các khâu chuẩn bị đón ngày Tết Độc lập của đồng bào Mường chu đáo, cầu kỳ không kém gì cho ngày Tết Nguyên đán hàng năm. Trong chuồng nhà ai cũng có sẵn một chú lợn nhỡ, chục con gà thịt và đàn vịt béo... Theo phong tục ở đây thì nhà nào ít người sẽ “ăn đụng” lợn với nhà hàng xóm. Đúng đêm 1.9, các nhà mới thịt lợn.
Không khí rộn rã, vui vẻ, náo nức như đêm giao thừa đón năm mới. Sáng 2.9, nhà nhà đều làm mâm cỗ cúng tổ tiên, mời tổ tiên về ăn Tết Độc lập, chia vui cùng con cháu. Con gái đi làm dâu thì sáng ngày này cũng “mang phần” (mang quà, thường là đôi gà hoặc vịt, gạo nếp, bánh, trái…) về thăm bố mẹ đẻ.
Mặc dù đã 94 tuổi nhưng cụ Bùi Văn Tuyên vẫn bảo năm nay sẽ chống gậy đi khắp bản để uống rượu mừng Tết Độc lập cùng con cháu. Cụ vừa vui, vừa xúc động khi kể về những ngày Tết Độc lập trước đây. Lúc đó bản Thấu và mảnh đất Lạc Sỹ này còn nghèo, phương tiện đi lại khó khăn, đường sá gập ghềnh, điện và các phương tiện thông tin đại chúng đều thiếu thốn nên ngày hội của bà con chỉ bó hẹp trong phạm vi xã, bản. Giờ đây, đường giao thông được mở rộng, ô tô và điện đã về đến tận bản.
Nhờ tivi, điện thoại mà người Mường ở bản Thấu có thể nghe, có thể thấy người dân cả nước ăn tết Độc lập ra sao, ở Quảng trường Ba Đình người ta mít tinh, diễu binh như thế nào...? Cụ Tuyên thường nhắc nhở cháu con rằng: “Dù đi đâu, ở đâu, làm gì cũng không được quên ngày Tết Độc lập bởi nó không chỉ đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc mà nó là ngày tết truyền thống của quê hương, ngày đoàn tụ, sum vầy của dòng họ, gia đình...”.
Mỗi năm một ngày trẩy hộiHãy một lần ngược ngàn Lạc Sỹ vào dịp Quốc khánh để được sống trong không khí lễ hội cùng đồng bào Mường ở nơi đây, bạn sẽ có thêm những cảm nhận sâu sắc về tình làng nghĩa xóm, niềm tự hào về quê hương, dân tộc.
"Dù đi đâu, ở đâu, làm gì cũng không được quên ngày Tết Độc lập bởi nó không chỉ đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc mà nó là ngày Tết truyền thống của quê hương, ngày đoàn tụ, sum vầy của dòng họ, gia đình...”. Cụ Bùi Văn Tuyên
|
Ngày Tết Độc lập, trẻ con sẽ được mặc quần áo mới thỏa sức vui chơi những trò dân gian như: Lò cò, đánh mảng, kéo co... Đặc biệt, thanh niên là lực lượng vui sướng, hào hứng nhất bởi họ được nghỉ ngơi, thỏa sức vui chơi, ca hát. Các thiếu nữ duyên dáng trong trang phục dân tộc Mường truyền thống. Tiếng hát của các cô ngân nga, hoà quyện cùng âm thanh vang vọng núi rừng của cồng, chiêng làm mê đắm lòng người...
Theo những người già ở bản Thấu thì khoảng cuối những năm 60 của thế kỷ trước, vào ngày 1.9, phong trào treo thật nhiều cờ đỏ mừng Quốc khánh bắt đầu được chính quyền xã Lạc Sỹ phát động và đã được các bản Mường hưởng ứng nhiệt tình.
Từ ngày ấy, cứ vào dịp Tết Độc lập, thanh niên ở các bản trên núi cao lại kéo nhau về trung tâm xã xem cờ, thổi khèn, múa hát với nhau, nhận nhau là anh em, rủ nhau đi tâm tình thâu đêm. Đến sáng thì chia tay, hẹn nhau ngày này năm sau gặp lại. Không biết ai đó đã đặt tên cho ngày hội này là Tết Độc lập và đồng bào Mường cũng như các dân tộc khác cùng gọi theo như vậy cho đến nay.
Nguyễn Hòa Minh (Nguyễn Hòa Minh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.