Vững chắc vị thế nước mắm truyền thống

Nguyên Vỹ Thứ sáu, ngày 28/10/2016 07:00 AM (GMT+7)
Nếu có thêm một “cơn bão truyền thông bẩn” nữa, người sản xuất nước mắm Phan Thiết (Bình Thuận) vẫn không hề nao núng vì người họ tin rằng, hương vị truyền thống vẫn có chỗ đứng vững chắc trong khẩu vị và lựa chọn của người tiêu dùng.
Bình luận 0

­­­ Không dao động trước khó khăn

Những cơn mưa nặng hạt trút xuống TP. Phan Thiết nhiều ngày qua. Nhìn về phía nhà lều trong khu chế biến nước mắm, ông Trương Quang Hiến bảo “mưa gió rồi cũng qua, không sợ”. Là chủ tịch Hiệp hội Chế biến nước mắm Phan Thiết, ông Hiến chia sẻ chỉ muốn yên ổn làm ăn, nhưng các động thái bất lợi cứ dồn nước mắm truyền thống vào thế khó. Hiệp hội nước mắm Phan thiết hiện có 44 thành viên. Theo lời ông chủ tịch, địa phương không ảnh hưởng. Người dân Phan Thiết bao đời gắn với sản phẩm nước mắm truyền thống, không hề dao động trước khó khăn. “Khi Bộ Y tế ra thông báo đính chính thức về chất lượng nước mắm, không chỉ Phan Thiết mà cả nước đều phấn khởi vì bản thân nghề nước mắm truyền thống đã chịu nhiều áp lực” - ông Hiến tâm sự.

img

Sản xuất nước mắm truyền thống tại Phan Thiết, Bình Thuận.  ảnh:  I.T

Cùng một thứ nguyên liệu là cá với muối thì nước mắm truyền thống không khác nhau nhiều. Phải qua thời gian chế biến kéo dài từ 8 – 12 tháng mới hoàn thiện nên cơ sở sản xuất xoay vòng vốn chậm hơn nhiều so với doanh nghiệp làm thương mại. Làm nước mắm tập trung theo mùa đánh bắt cá cơm. Mỗi năm có 1 mùa chính từ tháng 6 đến tháng 10, còn gọi là mùa cá Nam. Ngoài ra, còn một đợt khác trước và sau Tết Nguyên đán chỉ kéo dài khoảng 20 ngày. Các cơ sơ tranh thủ thu mua cá về ủ muối, gài nén. Sau khi cá chín thì rút nước ra bán dần dần chứ cũng không thể bán hết một lần. Trong thời gian đó họ còn phải chịu lãi suất ngân hàng.

Riêng tại Phan Thiết có lợi thế nguồn cá dồi dào, nhưng cũng bị cạnh tranh nguồn nguồn nguyên liệu. Cá loại ngon, người ta dùng để xuất khẩu hoặc chế biến các mặt hàng khác như phơi khô. Loại hạng 2, 3 mới dùng làm mắm. Loại tệ nhất thì cung cấp cho các cơ sở chế biến bột cá làm thức ăn chăn nuôi. Nhưng nay, các cơ sở chế biến tranh giành nguồn cá gay gắt vì chế biến và thu lãi nhanh. Việc các cơ sở này tận thu nguyên liệu làm ảnh hưởng đến tài nguyên biển.

“Các doanh nghiệp nước mắm truyền thống chỉ biết dồn hết tâm huyết xây dựng hạ tầng, đầu tư sản xuất sao cho sản phẩm tốt nhất, hầu như không có nhiều kinh phí đầu tư cho truyền thông như các tập đoàn lớn” - ông Hiến kể thêm.

Cần môi trường kinh doanh bình đẳng

Ngày 4.11, Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết sẽ phối hợp và chủ trì một hội thảo về nước mắm truyền thống. Trong đó, yêu cầu quy định lại hàm lượng histamine để tạo điều kiện thông thoáng hơn cho nhà sản xuất”.
Ông Trương Quang Hiến

Có mặt tại cụm công nghiệp chế biến nước mắm Phú Hài, dễ nhận thấy hương vị nước mắm từ các cơ sở chế biến tỏa ra nồng nàn.

Ông Nguyễn Minh Thắng - người dân sống ngay tại thành phố kể, có lần vợ mua chai nước mắm pha chế công nghiệp. Dùng thử, cả nhà ông đều lắc đầu nguầy nguậy vì hương vị không thực, không cảm được mùi cá biển. “Nhiều năm nay nhà tôi không dùng đến nữa” - ông Thắng cho biết.

Trong khi đó, chủ cơ sở nước mắm Toàn Hương cho biết, việc mua bán vẫn bình thường. Dòng nước mắm 60 độ đạm của cơ sở này vẫn giao hàng đi các tỉnh.

Nhìn nhận lại toàn bộ khó khăn vừa qua, ông Nguyễn Thanh Phụng - Giám đốc Công ty Nước mắm Thuận Hưng cho rằng lợi, hại có cả đôi đường. Việc thông tin không minh bạch, không rõ ràng khiến doanh nghiệp một phen khốn đốn, niềm tin của người tiêu dùng lung lay. Nhưng cũng qua đợt này, người tiêu dùng lại có cái nhìn và sự quan tâm kỹ lưỡng hơn đối với các chủng loại sản phẩm. Kiến thức tiêu dùng cũng khác hẳn nên người tiêu dùng sẽ có lựa chọn cụ thể hơn cho nhu cầu của mình.

Ông Phụng cho rằng, nước mắm truyền thống hay công nghiệp cũng có giá trị riêng, quyết định lựa chọn thuộc về người tiêu dùng. Từ trước tới nay, nước mắm truyền thống không hề muốn gây hấn. Nhưng tên gọi của nước mắm nhập nhằng, không phân định rõ gây bất lợi cho người dùng và nhà sản xuất. “Cần cơ quan quản lý tạo ra môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng, không thiên lệch để các sản phẩm được cạnh tranh lành mạnh. Như thế là đã giúp đỡ cho nước mắm truyền thống rồi vì ngành nghề này muốn phát triển hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào nội lực cá nhân” - ông Phụng chia sẻ. /.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem