Vùng đất này của Sơn La, chị em người Thái rủ nhau lập chi bộ trong HTX, làm cà phê đặc sản

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 23/05/2023 11:04 AM (GMT+7)
Có 3 năm tham gia làm cà phê sạch và hơn 1 năm thành lập chi bộ trong HTX đầu tiên trên địa bàn tỉnh Sơn La, những người phụ nữ Thái ở xã Chiềng Chung (huyện Mai Sơn) đã làm được một việc phi thường: Nâng tầm cà phê Arabica Chiềng Chung lên hàng đặc sản.
Bình luận 0
Vùng đất này của Sơn La, chị em người Thái rủ nhau lập chi bộ trong HTX, làm cà phê đặc sản - Ảnh 1.

Tử tế đến từng hạt

Tại một hội nghị về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tổ chức trên địa bàn tỉnh Sơn La hồi cuối tháng 3/2023, khi thấy tôi đang loay hoay pha uống một loại cà phê công nghiệp, ông Nguyễn Thành Công - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nói nhỏ với tôi rằng: "Nhà báo nên thử cà phê thủ công của HTX Cà phê Ara Tay, sẽ thấy ngay sự khác biệt".

Lời giới thiệu uy tín của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã thôi thúc tôi tìm đến gian hàng của HTX Cà phê Ara Tay, và câu chuyện về hành trình sản xuất cà phê sạch của những người phụ nữ Thái đất Chiềng Chung đã thực sự cuốn hút tôi.

Phụ nữ Thái ở Chiềng Chung chung tay làm cà phê sạch - Ảnh 1.

Chị Lường Thị Pành - Bí thư Chi bộ HTX Cà phê Ara Tay (trái), cùng các thành viên Lò Thị Thủy, Hà Văn Thân giới thiệu cà phê đặc sản. Ảnh: K.N

"Trước bà con chỉ hái xô rồi bán cho thương lái nên thường xuyên bị ép giá (có năm chỉ được 5.000 – 6.000 đồng/kg), nhưng làm theo mô hình HTX, chúng tôi ký hợp đồng với các nhà rang xay nên giá cả rất ổn định, không lo đầu ra".

Chị Lường Thị Pành

Lò Thị Thủy năm nay 26 tuổi, là thành viên trẻ nhất của HTX Cà phê Ara Tay. Trước khi vào HTX làm kế toán, Thủy từng học ngành quản lý nhà nước tại Học viện Hành chính quốc gia (Hà Nội). Khi tôi hỏi lý do học xong lại trở về quê nhà làm cà phê, cô gái có nụ cười tỏa nắng nói: "Vì em luôn trăn trở với suy nghĩ bao đời nay bà con dân bản vất vả sớm hôm chăm sóc cà phê, làm ra những hạt cà phê thơm ngon nhưng chưa bao giờ được thực sự uống một ly cà phê do chính mình làm ra. Vất vả làm ra cà phê, nhưng có khi phải bán xô với giá rẻ mạt".

Chính vì vậy, sau khi ra trường, Thủy quay trở lại Chiềng Chung, cùng với những người cùng chí hướng quyết tâm làm cà phê sạch. "Được dự án CARE hỗ trợ, chúng em được đi tham quan mô hình làm cà phê sạch ở Lâm Đồng vào năm 2019. Mai Sơn có khí hậu rất phù hợp với cây cà phê Arabica, chất lượng cà phê Mai Sơn cũng đã được khẳng định, vậy tại sao không tìm hướng nâng tầm giá trị thương hiệu" - Thủy lý giải.

Với phương châm: "Tử tế đến từng hạt", các thành viên của HTX Cà phê Ara Tay quyết tâm làm ra thứ cà phê đặc sản riêng có của quê hương mình. Chị Lường Thị Pành - thành viên HTX Cà phê Ara Tay cho biết, thông qua dự án CARE, HTX được thành lập vào tháng 3/2020 và sản xuất 3 dòng sản phẩm chính: Cà phê Arabica Nature, cà phê Arabica Honey và cà phê phin giấy. 

Nói về bí quyết làm ra loại cà phê ngon nhất, chị Pành cho biết: Thay vì cách thu hái xô quả xanh, quả chín lẫn lộn như trước thì nay HTX chỉ chọn thu hái những quả chín 100%, sau đó cho lên men ủ phơi trên sàn trong nhà lưới chứ không phơi trên sân như trước.

Phụ nữ Thái ở Chiềng Chung chung tay làm cà phê sạch - Ảnh 3.

Cà phê đặc sản mang lại cuộc sống mới cho phụ nữ xã Chiềng Chung. Ảnh: Ara Tay cà phê.

"Trước bà con chỉ hái xô rồi bán cho thương lái nên thường xuyên bị ép giá (có năm chỉ được 5.000 – 6.000 đồng/kg), nhưng làm theo mô hình HTX, chúng tôi ký hợp đồng với các nhà rang xay nên giá cả rất ổn định, không lo đầu ra. Việc thu hái quả chín 100%, phơi sấy trong điều kiện bảo quản đã giúp giữ trọn hương vị của cà phê Arabica Mai Sơn. Đáng nói là, nhờ HTX luôn thu mua cho bà con với giá cao hơn thị trường khoảng 3.000 đồng/kg nên thu nhập của các thành viên ổn định hơn trước rất nhiều. Bình quân mỗi thành viên của HTX đạt thu nhập 40 -45 triệu đồng/năm" - chị Pành cho biết.

Cũng theo chị Pành, hiện HTX có 14 thành viên, chủ yếu là các phụ nữ dân tộc Thái ở hai xã Chiềng Chung, Mường Chanh của huyện Mai Sơn. Diện tích sản xuất của các thành viên HTX khoảng 20ha nhưng nếu tính cả các hộ liên kết bán sản phẩm cà phê cho HTX thì diện tích lên đến 50ha.

Lò Thị Thủy bật mí thêm với chúng tôi, phương thức sản xuất cà phê của HTX còn giảm thiểu tối đa những tác động đến môi trường do tất cả mọi phụ phẩm trong quá trình chế biến cà phê đều được tận dụng. Vỏ cà phê sau chế biến được sấy khô làm trà; bã cà phê làm phân bón, mỹ phẩm. Không những thế, đối với những lao động thời vụ, những hộ vệ tinh bán cà phê cho HTX thì các thành viên của Ara Tay cà phê cũng ưu tiên cho những hộ nghèo, người khuyết tật để giúp họ vừa có thêm thu nhập vừa hòa nhập cộng đồng.

Hiện sản phẩm cà phê đặc sản của Ara Tay đã đạt OCOP 4 sao, đạt chứng nhận VietGAP và khi tham gia cuộc thi cà phê đặc sản tổ chức tại Lâm Đồng, sản phẩm cà phê của Ara Tay đạt thứ hạng rất cao.

Về ý nghĩa của từ Ara Tay, Thủy bật mí: "Ara là cà phê Arabica, đặc sản của đất Mai Sơn; còn từ "Tay" không chỉ có ý nghĩa là người Thái mà còn mang hàm ý bàn tay nâng niu, tận tụy của người phụ nữ Thái với cây cà phê, thể hiện tình yêu của người dân tộc dành cho cây cà phê vùng Tây Bắc; khẳng định vị trí, vai trò không thể thiếu của người phụ nữ Thái trong cộng đồng".

Lập chi bộ đầu tiên trong HTX ở Sơn La

Không chỉ đi tiên phong trong sản xuất cà phê đặc sản, HTX Cà phê Ara Tay còn là HTX đầu tiên trên địa bàn tỉnh Sơn La thành lập được chi bộ. Chị Lường Thị Pành là Bí thư Chi bộ nhiệm kỳ đầu tiên.

Nữ Bí thư Chi bộ HTX Cà phê Ara Tay cho biết: Chi bộ được thành lập vào ngày 16/2/2022. Trước đó, các thành viên HTX sinh sống chủ yếu ở hai xã Chiềng Chung, Mường Chanh, mỗi thành viên lại sinh hoạt Đảng ở một thôn, bản khác nhau. Được các cấp lãnh đạo tỉnh, huyện, xã quan tâm, Ara Tay được chọn làm điểm thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên trong HTX. 

"Khi mới thành lập, chi bộ chỉ có 3 đảng viên, sau hơn 1 năm đã phát triển được 5 đảng viên, trong đó có 2 đảng viên dự bị" - chị Pành cho biết.

Khi tôi hỏi, sinh hoạt chi bộ trong HTX thì có gì khác chi bộ ở thôn, bản, Bí thư Chi bộ HTX Cà phê Ara Tay cho biết: "Có điểm chung là trong các buổi sinh hoạt đều phổ biến các nghị quyết của Đảng đến các đảng viên. Còn sinh hoạt đảng trong HTX, chúng tôi chú trọng nhiều hơn đến các chương trình phát triển kinh tế tập thế, kinh tế hợp tác, thúc đẩy liên kết giữa HTX và nông dân trên địa bàn".

Đối với việc phát triển Đảng trong cộng đồng phụ nữ dân tộc Thái, chị Pành khẳng định: "Rất thuận lợi, chị em đều nhận thức được vai trò tiên phong, gương mẫu của mỗi đảng viên nên thể hiện rõ mong muốn được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Khi tham gia sinh hoạt Đảng, chị em được tham dự nhiều hoạt động xã hội khác, nhận được sự tôn trọng hơn của mọi người trong gia đình".

Đảng viên dự bị Lò Thị Thủy thì không quên được giây phút kết nạp, đứng dưới cờ Đảng, cờ Tổ quốc tuyên thệ. "Vai trò của một đảng viên khiến em thấy có trách nhiệm hơn trong việc đưa đặc sản của địa phương vươn xa hơn" - Thủy khẳng định.

Hà Văn Thân - Phó Giám đốc HTX cà phê Ara Tay, từng là thương lái thu mua cà phê nổi tiếng ở Chiềng Chung và hiện giờ là một quần chúng ưu tú đang được xem xét, bồi dưỡng để kết nạp Đảng. Chàng trai trẻ cho biết, do giá cả bấp bênh nên có thời điểm cà phê Arabica phải cạnh tranh với nhiều loại cây trồng khác, nhưng sau khi phát triển dòng cà phê đặc sản, bà con đã yên tâm gắn bó với cây cà phê hơn.

"Bây giờ Ara Tay đắt hàng đến nỗi chúng tôi không có cà phê mà bán, nên trong thời gian tới chúng tôi dự định tiếp tục kết nạp thêm những thành viên có cùng chí hướng làm cà phê sạch, mở rộng diện tích thu mua của những hộ vệ tinh" - Thân cho hay. 

Bài dự thi tham dự Giải báo chí toàn quốc viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam"

Mời bạn tham gia Giải báo chí toàn quốc viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam"

- Tác phẩm dự thi phải viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam", ưu tiên cho chủ đề về "Nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với chuyển đổi số", là những tác phẩm phản ánh đúng sự thực khách quan. Ban Tổ chức Giải báo chí không nhận các tác phẩm hư cấu, tác phẩm văn học.

- Thể loại của các phẩm dự thi là ký sự, phóng sự, bút ký, bài phản ánh, bài phản biện viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.

- Bài gửi dự thi trên báo in (đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay): Bài viết có dung lượng 1.000-1.500 chữ + 2-3 ảnh, không vi phạm bản quyền hình ảnh.

- Bài dự thi trên báo điện tử (đăng trên Báo điện tử Dân Việt- Danviet.vn): Bài viết có dung lượng tối đa không quá 2.500 từ + 3-4 ảnh + clip, không vi phạm bản quyền hình ảnh.

- Đối với các tác phẩm từ các cơ quan báo chí khác, bài dự thi là một tác phẩm hoặc một chùm bài được đăng tải trên báo, tạp chí in hoặc báo, tạp chí điện tử.

- Mỗi cơ quan báo chí được gửi tối đa 05 tác phẩm về Ban Tổ chức Giải báo chí viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam" để chấm giải (với báo, tạp chí in, phải gửi tác phẩm, kèm số báo đăng tác phẩm, có xác nhận của cơ quan; bài đăng trên báo, tạp chí điện tử phải in tác phẩm ra và gửi kèm đường link, có xác nhận của cơ quan).

- Thời gian: Từ tháng 4 đến tháng 12/2023. (Trong đó, thời gian nhận bài bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc ngày 15/11/2023 để Ban Tổ chức tổng hợp, chấm Giải).

Địa chỉ nhận tác phẩm:

Các tác phẩm gửi về để đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt gửi về hòm thư điện tử nhận bài dự thi: buihongliendv@gmail.com.

Điện thoại: 0902026692 (Nhà báo Bùi Hồng Liên- Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, thư ký Giải).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem