Vùng đất "yên ổn hoàn toàn" mà Bộ trưởng Lê Minh Hoan ấn tượng có những đặc sản gì đặc biệt?

K.Nguyên Chủ nhật, ngày 02/10/2022 17:43 PM (GMT+7)
Về thăm Thái Bình, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan gọi đây là vùng đất "yên ổn hoàn toàn" và nhận định: Lúa gạo Thái Bình là kết quả của tinh thần hợp tác giữa những người nông dân để biến những mảnh ruộng nhỏ thành những mảnh ruộng lớn hơn.
Bình luận 0

Về thăm Thái Bình, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặc biệt ấn tượng với vùng đất “yên ổn hoàn toàn” theo ý nghĩa tên gọi Hán Việt, niềm vui thêm đong đầy khi biết đến câu khẩu hiệu quảng bá du lịch thật hay: “Vùng đất hiền hoà - Thăng hoa cảm xúc”.

 Với ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển, Thái Bình vựa lúa trứ danh của đồng bằng sông Hồng, là nơi có nhiều sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. 

Các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm làng nghề truyền thống được cả nước biết đến như nước mắm, mắm cáy, bánh cáy, kẹo lạc, bánh đa, dệt khăn tay bông, thảm cói, chạm bạc, thêu ren... Một số sản phẩm công nghiệp có lợi thế như sứ vệ sinh, thủy tinh, pha lê... 

Vùng đất "yên ổn hoàn toàn" mà Bộ trưởng Lê Minh Hoan ấn tượng có những đặc sản gì đặc biệt? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan thăm trang trại chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Thoa, xã Thụy Việt, Thái Thụy, Thái Bình. Ảnh: Trung Hiếu.

Đến nay, tỉnh có 64 sản phẩm OCOP hạng 3 sao, 4 sao; có 45 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Các sản phẩm của Thái Bình hiện đã có mặt ở các chợ truyền thống và các trung tâm thương mại, siêu thị thuộc các tập đoàn phân phối lớn và một số sàn thương mại điện tử.

Đánh giá về những tiềm năng, lợi thế của Thái Bình, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: "Người Thái Bình hôm nay đang biến những thách thức thành động lực, biến sự chật chội trong không gian sinh hoạt và không gian sản xuất, thành cơ hội mở ra không gian lớn hơn cho những điều mới mẻ, cho đổi mới, sáng tạo. Đất ít không tạo ra thêm sản lượng, không cải thiện hơn nữa năng suất, thì người Thái Bình lấy chất lượng bù đắp lại, lấy sự khác biệt, độc đáo để tạo ra giá trị.

Rồi cũng trên một đơn vị diện tích đó, người Thái Bình đang tích hợp đa tầng, đa giá trị hơn, như mô hình lúa - rươi ở Thái Thuỵ đang hứa hẹn thu về giá trị cao hơn nhiều lần. Tài hoa của người Thái Bình đã kết tinh vào các sản phẩm làng ghề gốm sứ, đúc đồng, chạm khắc gỗ,… có bề dày truyền thống, nức tiếng gần xa.

Và hôm nay, tài hoa của người Thái Bình đã “thổi hồn” cho nhiều sản vật bản địa, kết hợp sự sáng tạo và ứng dụng công nghệ, thành những sản phẩm công nghiệp - nông thôn, sản phẩm OCOP được tin dùng, ưa chuộng, đi xa".

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tâm đắc với slogan của Thái Bình “Vùng đất hiền hòa, thăng hoa cảm xúc” và cho rằng sản xuất đã khó, bán hàng càng có hơn. Cái khó hiện nay là trên thị trường có quá nhiều sản phẩm tương đồng làm cho người tiêu dùng khó quyết định mua. 

Vì vậy cái gì vượt trội lên sẽ hấp dẫn được người mua và đây cũng là hướng đi mà các địa phương, người dân, doanh nghiệp phải chú ý. 

"Thái Bình cần phát huy tinh thần “Vùng đất hiền hòa, thăng hoa cảm xúc” không chỉ trong du lịch mà cả các ngành, lĩnh vực kinh tế khác để tạo ra những sản phẩm vượt trội, có sức cạnh tranh tốt đưa sản phẩm của Thái Bình ra muôn nơi. Hoạt động kết nối cung cầu tạo ra không gian cho việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, nhưng quan trọng hơn là người dân và doanh nghiệp phải thay đổi tư duy sản xuất làm sao cho ra được những dòng sản phẩm giàu cảm xúc, nhiều giá trị được tích hợp trong đó", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem