Đây là vịnh biển đẹp như phim ở Phú Yên, xưa chỉ dăm túp lều đánh cá, nay sầm uất, nhìn đâu cũng khá giả

Thứ ba, ngày 10/12/2024 13:32 PM (GMT+7)
Đất lành chim đậu. Từ một “vùng kinh tế mới” chỉ một vài hộ rồi vài chục hộ dân nghèo khó ở nhiều địa phương khác nhau đến dựng lều, mưu sinh bằng nghề chài lưới, Vũng Rô đã trở thành một khu dân cư sầm uất, đời sống khá giả ở tỉnh Phú Yên.
Bình luận 0

Vũng Rô thuộc địa phận xã Hòa Xuân Nam, TX Đông Hòa, gồm bãi Mù U, bãi Lách, bãi Ngà, bãi Chùa, bãi Hồ, bãi Chính, bãi Lau, bãi Bàng, bãi Nhãn, Mũi Yến, Mũi Điện và Hòn Nưa.

Ô Rô xưa

Theo những cụ cao niên, tên thuở xưa của Vũng Rô là Ô Rô theo tiếng Chăm. Nhưng nhiều người cho rằng, vì nơi đây cây ô rô, cóc kèn - loại cây thân thảo, thấp, lá tròn, cành nhánh um tùm, thân từ gốc lên ngọn nhiều gai, mọc ken dày trên các bãi nên có tên là Ô Rô.

Đây là vịnh biển đẹp như phim ở Phú Yên, xưa chỉ dăm túp lều đánh cá, nay sầm uất, nhìn đâu cũng khá giả - Ảnh 1.

Một góc vịnh Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam, TX Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Ảnh: XUÂN HIẾU

Vịnh Vũng Rô ba bên đều có núi cao bao bọc, che chắn. Nơi đây quanh năm khí hậu trong lành, sóng êm, biển hiền hòa.

Đây là vịnh biển đẹp như phim ở Phú Yên, xưa chỉ dăm túp lều đánh cá, nay sầm uất, nhìn đâu cũng khá giả - Ảnh 2.

Nơi những con tàu Không số neo đậu cách đây 60 năm. Ảnh: XUÂN HIẾU

Đứng trên đèo Cả nhìn xuống, vịnh Vũng Rô xanh thăm thẳm hiện ra giữa mênh mông đất trời, như một hồ nước khổng lồ biếc xanh và phẳng lặng. Phía Đông là Hòn Nưa, giáp với biển Đại Lãnh (Vạn Ninh, Khánh Hòa) chắn gió từ ngoài khơi; giữa Hòn Nưa và Mũi Yến là cửa ngõ ra vào của tàu thuyền.

Đường sắt Bắc Nam chạy vắt qua một phần phía Tây dưới chân đèo Cả với những đường hầm quanh co, dài, ngắn nối tiếp nhau. Ngồi trên tàu, hành khách có thể phóng tầm mắt qua ô cửa để ngắm vẻ đẹp của Vũng Rô.

Những năm 1990 trở về trước, khi Vũng Rô còn hoang sơ, vịnh Vũng Rô chỉ là nơi khai thác hải sản của ngư dân địa phương và một số tỉnh lân cận, là nơi để tàu thuyền vào trú đậu tránh gió bão. 

Đặc biệt, thời kỳ kháng chiến, Vũng Rô trở thành vị trí chiến lược rất quan trọng của cả hai bên. Những năm 1945- 1954, Pháp coi Vũng Rô như một bàn đạp để tiến đánh và chặn đứng đường tiếp lương thực, vũ khí của ta cho chiến trường Phú Yên, Khánh Hòa và Tây Nguyên.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Vũng Rô là cảng dẫn dầu ra sân bay Đông Tác, nơi vận chuyển khí tài cho chiến trường miền Trung của quân đội Việt Nam Cộng hòa. 

Và cũng chính tại Vũng Rô, cách đây 60 năm quân và dân Phú Yên đã đón chuyến tàu Không số đầu tiên chở hơn 60 tấn vũ khí, thuốc men theo đường Hồ Chí Minh trên biển vào bến an toàn.

Đây là vịnh biển đẹp như phim ở Phú Yên, xưa chỉ dăm túp lều đánh cá, nay sầm uất, nhìn đâu cũng khá giả - Ảnh 3.

Nhà cửa kiên cố mọc lên san sát bên bờ, thôn Vũng Rô (xã Hòa Xuân Nam, TX Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) không còn nhà tạm. Ảnh: XUÂN HIẾU.

Theo Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh, nguyên Thuyền trưởng tàu 41, Đoàn tàu Không số anh hùng, từ tháng 11/1964- 2/1965, bến Vũng Rô đã đón 4 chuyến tàu Không số vận chuyển hơn 200 tấn vũ khí, hàng hóa từ hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam.

Riêng chuyến thứ tư (tàu 143) cập bến đêm 15/2/1965 bị địch phát hiện. Để bảo đảm bí mật an toàn cho đường Hồ Chí Minh trên biển, ta đã chủ động dùng thuốc nổ đánh đắm con tàu ở khu vực bãi Chùa, không để lọt vào tay địch. Những con tàu Không số trên Vũng Rô đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử một cách vẻ vang nhất trong một giai đoạn cực kỳ khó khăn thời bấy giờ.

Thôn Vũng Rô chính thức được thành lập năm 1986, tập hợp cư dân từ nhiều vùng quê khác nhau như: Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Khánh Hòa… và người bản địa. 

Song, trước đó đã có người từ Tuy Hòa vào “vùng kinh tế mới” này khai khẩn, đầu tiên là gia đình ông Châu Đình Kháng ở phường 6 (nay là phường 4); sau đó là nhiều gia đình di cư từ Huế và nhiều nơi khác. Vũng Rô trở thành nơi giao thoa của nhiều nét văn hóa, tập quán khác nhau.

Vịnh Vũng Rô ngày nay

Thôn Vũng Rô hiện có 512 hộ với 1.830 nhân khẩu sinh sống, trong đó hơn 75% khá giả, chỉ còn 7 hộ nghèo và 20 hộ cận nghèo do không có lao động chính. 100% hộ dân sử dụng nước máy trong sinh hoạt hằng ngày, không còn nhà tạm. Ông Trần Hậu, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Vũng Rô

Thời gian đầu khi mới thành lập thôn, đời sống của người dân Vũng Rô gặp không ít khó khăn, việc đi lại chủ yếu bằng đường biển và mọi thứ đều bắt đầu từ con số không. Nhưng kể từ khi tái lập tỉnh Phú Yên đến nay, làng biển nằm dưới chân đèo Cả này đã thực sự thay da đổi thịt, có sự lột xác thần kỳ.

Nhà cửa mọc lên khang trang, san sát bên bờ vịnh cùng với nhiều công trình, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng. Đó là cảng biển Vũng Rô công suất 500.000 tấn hàng hóa mỗi năm, có khả năng tiếp nhận tàu chở khí hóa lỏng đến 250.000 DWT.

Cạnh đó là quốc lộ 29 tiếp giáp với quốc lộ 1 - con đường thiên lý Bắc Nam, nối vùng duyên hải Nam Trung Bộ với Tây Nguyên. Đây cũng là đầu mối giao thông đường biển duy nhất ở Phú Yên hiện nay gắn với KCN Hòa Hiệp, mở ra tầm nhìn mới, thu hút nhiều nhà đầu tư đô thị, du lịch, công nghiệp, thương mại dịch vụ đến với Đông Hòa.

Nơi đây còn có kho xăng dầu thuộc Công ty CP Xăng dầu Dầu khí Phú Yên (PV OIL Phú Yên) với sức chứa 22.700m3 ; có kho gas với sức chứa hàng ngàn tấn của Công ty CP Dầu khí Sài Gòn - Phú Yên; có Văn phòng đại diện Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn, có chùa Linh Sơn, có đồn biên phòng cửa khẩu…

Điểm trường Vũng Rô của Trường tiểu học và THCS Lê Thánh Tôn cũng được đầu tư xây dựng đạt chuẩn, là nơi học tập của hàng trăm học sinh thuộc 3 cấp học mầm non, tiểu học và THCS. 

Và đặc biệt, với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, Khu di tích lịch sử quốc gia Vũng Rô đã trở thành điểm đến du lịch văn hóa, du lịch lịch sử của du khách trong và ngoài nước, gắn liền với huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển.

Đây là vịnh biển đẹp như phim ở Phú Yên, xưa chỉ dăm túp lều đánh cá, nay sầm uất, nhìn đâu cũng khá giả - Ảnh 4.

Tàu trọng tải lớn xuất nhập hàng hóa tại cầu cảng Vũng Rô. Ảnh: XUÂN HIẾU.

Ông Trần Hậu, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Vũng Rô cho biết: So với những ngày đầu mới tái lập tỉnh, đời sống của người dân Vũng Rô hôm nay có sự thay đổi đáng kể. 

Toàn thôn hiện có 512 hộ với hơn 1.830 nhân khẩu sinh sống, trong đó hơn 75% khá giả, chỉ còn 7 hộ nghèo và 20 hộ cận nghèo do không có lao động chính. 100% hộ dân sử dụng nước máy trong sinh hoạt hằng ngày, không còn nhà tạm.

Còn theo ông Nguyễn Nhân, nguyên Bí thư Chi bộ thôn Vũng Rô, người dân Vũng Rô hôm nay không chỉ giỏi khai thác, nuôi trồng thủy hải sản mà còn biết kinh doanh, buôn bán, làm dịch vụ du lịch nên đời sống kinh tế ngày một khấm khá, đời sống tinh thần cũng được nâng lên. 

Những gia đình có thu nhập cao, tiêu biểu như các hộ: Phan Văn Khánh, Nguyễn Văn Khai, Trương Văn Hùng… Cùng với các làng biển trong tỉnh, Vũng Rô hôm nay đang căng tràn sức sống trên con đường đổi mới, vì cuộc sống bình yên, ấm no và hạnh phúc.

Xuân Hiếu (Báo Phú Yên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem