Công trình Niệm Sư Từ cuối cùng trên địa bàn tỉnh An Giang đã hoàn thành

Thứ tư, ngày 11/12/2024 08:55 AM (GMT+7)
Cuối tháng 11, công trình Niệm Sư Từ cuối cùng trên địa bàn tỉnh An Giang (mỗi huyện xây dựng 1 công trình) đã hoàn thành tại huyện Phú Tân.
Bình luận 0

Niệm Sư Từ không chỉ là nơi thắp sáng niềm tin vào con đường tri thức, mà còn là nơi khơi dậy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Tôn sư trọng đạo”, những phẩm hạnh tốt đẹp mà mọi người mong muốn các thế hệ học sinh kế thừa và phát huy.

Trong xã hội xưa, thầy giáo được coi là biểu tượng thiêng liêng cho sự học, là “khuôn vàng thước ngọc” của đạo đức, nhân cách để học trò học, noi theo mà trở thành người có đức, có nhân, có tài đứng ra giúp nước. 

Trong xã hội ngày nay, người thầy vẫn có một vị trí đặc biệt quan trọng trong xã hội. Mặc dù khoa học - kỹ thuật phát triển, nhiều yếu tố hiện đại, tiện ích có thể tham gia vào quá trình giáo dục con người, nhưng thầy giáo vẫn là người truyền lửa đam mê, định hướng tri thức để học trò khám phá, tìm tòi, khôn lớn.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam tự hào đã sáng tạo và xây đắp nên một nền văn hóa đặc sắc và một trong những nét tiêu biểu ấy là truyền thống “tôn sư trọng đạo”. 

Niệm Sư Từ là một biểu tượng của sự kính trọng, lòng biết ơn đối với những thế hệ thầy cô đi trước - những người đã dành trọn tâm huyết và tình yêu thương để truyền đạt kiến thức và đạo lý cho các thế hệ học sinh.

Niệm Sư Từ huyện Phú Tân được xây dựng với tổng kinh phí trên 700 triệu đồng từ nguồn đóng góp của các nhà hảo tâm và sự quan tâm, tâm huyết của lãnh đạo huyện. Tổng diện tích xây dựng công trình 110m2, gồm hoa kiểng, nội thất, đặc biệt Niệm Sư Từ vinh dự đón nhận tượng thầy Chu Văn An do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng trao tặng.

Lãnh đạo huyện Phú Tân đã vận động doanh nghiệp tài trợ cây xanh, vật chất để công trình thêm khang trang.

img

Giáo viên và học sinh Trường THPT Chu Văn An, huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) dâng hương tại Niệm Sư Từ.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thị Ngọc Diễm cho biết, Phú Tân là địa phương cuối cùng trên địa bàn tỉnh An Giang hoàn thành việc xây dựng Niệm Sư Từ. 

Đây là công trình xây dựng mới nhất trong số các Niệm Sư Từ trên địa bàn tỉnh An Giang. Công trình lâu đời nhất là Niệm Sư Từ ở TP Long Xuyên, đặt trong khuôn viên Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu, xây dựng năm 1943. 

Từ năm 2004, được chủ trương của Chủ tịch UBND tỉnh, Niệm Sư Từ TP Long Xuyên được bàn bạc, lựa chọn vị trí, đến năm 2009 mới chính thức xây dựng có hình hài như ngày hôm nay. 

Tiếp đó, năm 1960, Niệm Sư Từ ở TP Châu Đốc (đang đặt trong khuôn viên Trường THPT Chuyên Thủ Khoa Nghĩa) cũng được hình thành. Với lịch sử rất lâu đời, hình dáng ngày nay của Tiên sư miếu đã được trùng tu xây dựng vào năm 2002.

Tự hào trước Niệm Sư Từ uy nghiêm, chính quyền địa phương, nhà trường, học sinh quyết tâm chăm sóc, phát huy giá trị của công trình để thế hệ sau có điều kiện thuận lợi đến tri ân, tôn vinh các bậc tiền bối. 

“Ngành giáo dục và đào tạo kêu gọi các thầy cô không ngừng trau dồi, rèn luyện chuyên môn, phẩm chất đạo đức để các thế hệ học sinh được đào tạo ra vừa có tri thức vừa có nhân cách đạo đức trong sáng. Còn các em học sinh cần cố gắng học tập và rèn luyện để trở thành những công dân tốt. Nhất là những học sinh ở vùng nông thôn phải có ý chí, hoài bão cao hơn các bạn đang học tập ở vùng thuận lợi” - bà Trần Thị Ngọc Diễm nhấn mạnh.

img

Khánh thành Niệm Sư Từ huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.

Thầy Nguyễn Thanh Khiết (giáo viên Trường THPT Chu Văn An) cho hay, công trình Niệm Sư Từ không chỉ là niềm mơ ước của nhân dân huyện Phú Tân bấy lâu nay, mà còn là nguyện vọng của ngành giáo dục huyện, những người trực tiếp tham gia nhiệm vụ “trồng người”. 

“Là giáo viên phụ trách mảng công tác Đoàn, nhờ có công trình này, tôi có thêm nhiều ý tưởng để tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về truyền thống “Tôn sư trọng đạo”. Ngoài những giờ tuyên truyền dưới cờ, Đoàn trường sẽ lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chi đoàn, giờ sinh hoạt chủ nhiệm trên lớp, đặc biệt tham mưu Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức trong các giờ hoạt động trải nghiệm”.

Em Phạm Ngọc Lan Hương (lớp 11A1, Trường THPT Chu Văn An) chia sẻ: “Thật may mắn khi trường của em được chọn làm nơi xây dựng công trình Niệm Sư Từ. Đối với học sinh, việc quan trọng nhất là việc học, chúng em sẽ cố gắng phát huy truyền thống học tập của trường, góp phần rạng danh tinh thần hiếu học của người dân quê mình”.

Ở mỗi huyện, thị xã, thành phố, Niệm Sư Từ trang nghiêm còn là biểu hiện của tinh thần hiếu học, khát vọng vươn lên chinh phục đỉnh cao tri thức của lãnh đạo và nhân dân địa phương để xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp. 

Vào những dịp trọng đại, đông đảo cán bộ, người dân và các thế hệ học sinh sẽ có nơi để gửi gắm niềm tin, kỳ vọng và những niềm mong ước tốt đẹp trên con đường học vấn. 

Hàng năm, các thế hệ sẽ tự hào báo công với bậc tiền nhân rằng ngành giáo dục và đào tạo luôn tiếp nối truyền thống tốt đẹp, viết lên những trang sử vàng cho mảnh đất quê hương.


Mỹ Hạnh (Báo An Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem