Vườn đào phai "đòi ăn tết sớm", dân làng cây cảnh Kim Thành ở Nghệ An đào xung quanh gốc để làm gì?
Vườn đào phai "đòi ăn tết sớm", dân làng cây cảnh Kim Thành ở Nghệ An đào xung quanh gốc để làm gì?
Thắng Tình
Thứ năm, ngày 29/12/2022 07:37 AM (GMT+7)
Dù vẫn còn hơn 20 ngày nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng đào phai ở xã Kim Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An đã "cười toe toét", nhiều cây đã rụng hết hoa khiến người dân lo mất Tết.
Đào phai ở xã Kim Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ là giống đào phai bản địa, cánh hoa dày, hồng mịn, từ lâu đã được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, tìm mua về trưng bày trong nhà mỗi dịp Tết Nguyên đán.
Làng nghề trồng đào phai tại xã Kim Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An hiện tại có khoảng 30 ha. Ảnh: Th.P
Những năm gần đây, nghề trồng đào phai ở xã Kim Thành phát triển với hàng trăm hộ dân trồng làm hàng hóa với tổng diện tích toàn xã khoảng 30 ha, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình. UBND tỉnh Nghệ An cũng đã công nhận Làng nghề trồng cây đào phai ở xã Kim Thành, theo Quyết định số 3469/QĐ-UBND, ngày 8/11/2022.
Tuy nhiên, năm nay, nhiều vườn đào phai ở đây lại nở sớm, mặc dù còn gần 1 tháng nữa mới đến Têt Nguyên đán khiến nhiều gia đình lo lắng. Một số vườn đào phai ở Kim Thành đã nở rộ, có những gốc hoa rụng gần hết, lá đã ra xanh.
Đào phai ở xã Kim Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ là giống đào phai bản địa, cánh hoa dày, hồng mịn, từ lâu đã được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Ảnh: Th.P
Gia đình anh Trương Văn Sỹ (trú tại xóm Đồng Bản, xã Kim Thành, huyện Yên Thành) trồng 300 gốc đào ở vườn nhà và trên đất ruộng thì đã có khoảng 200 gốc đào đến thời điểm này đã bung nở. Mặc dù anh tìm nhiều cách khác nhau để ngăn đào phai tiếp tục bung nở nhưng cũng không ăn thua.
Theo anh Sỹ, nguyên nhân khiến hoa đào phai nở sớm hơn dự kiến là do thời tiết bất thường. Những trận mưa lớn trái mùa khiến vườn đào phai ngập úng, lá rụng hết nên đã bung nụ. Ngập úng cũng khiến một số cây đào chết khô.
Sau những trận mưa lớn, nhiều diện tích trồng đào phai bị ngập, khiến cây đào ở xã Kim Thành, huyện Yên Thành, "cười toe toét" mặc dù còn hơn 20 ngày nữa mới đến Tết Nguyên đán. Ảnh: Th.P
Phương pháp phổ biến mà người dân nơi đây dùng để hãm đào phai tiếp tục bung nở đó là hái bớt hoa, chỉ giữ lại nụ. Hoặc dùng biện pháp chắn rễ để hoa hạn chế hấp thu dưỡng chất, hãm hoa nở.
Riêng với những vườn đào trên đồi, những vườn đào không bị ngập úng dự kiến sẽ ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán. Nhiều hộ dân có diện tích trồng đào phai trên đồi đã hoàn thành việc tuốt lá, tỉa cành khô, cành vụn cho các cây đào phai sẵn sàng đón Tết.
Ông Nguyễn Văn Vân (74 tuổi, trú tại xã Kim Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) trồng hơn 500 gốc đào phai, một số gốc đào phai cũng đã nở sớm do mưa nhiều, mùa đông lại đến muộn. Nhưng đa phần cây đào phai của gia đình ông vẫn "bung lụa" đúng dịp Tết Nguyên đán.
"Thông thường, khoảng giữa tháng 11 âm lịch, gia đình bắt đầu thực hiện công đoạn tuốt lá. Việc tuốt lá đào phải được thực hiện đúng thời gian để đào có thể nẩy lộc, bung chồi và cho ra những lứa hoa to, đẹp vào dịp Tết Nguyên đán", ông Vân chia sẻ thêm.
Kế bên, chị Nguyễn Thị Thuyết cũng đang hối hả tuốt lá đào. "Gia đình tôi có 350 gốc đào. Tùy vào sở thích của từng người mà thích cắt ngang hoặc đào cả gốc. Đào được bán đồng giá 350.000 đồng/cây", chị Thuyết nói.
Theo chị Thuyết, công việc tuốt lá đào đòi hỏi sự cẩn thận và tỉ mỉ bởi không cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến các mắt hoa, các chồi nụ của cây đào. Vì thế toàn bộ công đoạn tuốt lá, tỉa cành đều được thực hiện hoàn toàn theo phương pháp thủ công.
Tại những vườn đào phai đã nở sớm, người dân hái hết hoa chỉ để lại nụ, hoặc ken gốc (đào đất xung quanh gốc) để hạn chế cây hấp thụ dinh dưỡng hạn chế nở sớm. Ảnh: Th.P
Vui lòng nhập nội dung bình luận.