Vô vườn trồng cây ra quả đặc sản ở một thôn của TP Huế, ngước mắt lên thấy trái lưa thưa, có cây toàn lá

Chủ nhật, ngày 23/06/2024 09:41 AM (GMT+7)
Thời tiết khắc nghiệt, diễn biến phức tạp khiến vụ thanh trà năm nay mất mùa, người dân trồng cây thanh trà ở phường Thủy Biều (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) đối diện với nhiều khó khăn.
Bình luận 0

Chủ hộ trồng thanh trà ở thôn Lương Quán, phường Thủy Biều (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) Võ Trần Tuấn Kiệt không thể giấu nỗi buồn khi vụ mùa thanh trà này bị mất năng suất, sản lượng lớn chưa từng có từ trước đến nay. 

Sinh sống ven sông Hương từ nhiều năm nay, đời sống gia đình ông Kiệt chủ yếu dựa vào vườn thanh trà. Mọi chi phí sinh hoạt, nuôi con ăn học, xây nhà cửa đều từ nguồn thu nhập, tích luỹ được từ các vụ thanh trà được mùa.

Hơn 100 gốc cây thanh trà của gia đình ông Kiệt từ trước đến nay hiếm khi mất mùa nặng. Có những vụ mất mùa, nhưng chưa đến mức gần như mất trắng như vụ thanh trà này. 

Gia đình ông cũng như nhiều hộ trồng từ 100 gốc trở lên, nhiều vụ cho thu hoạch 3-5 tấn quả thương phẩm. Riêng năm 2023, nhiều hộ thu hoạch bình quân 3 tấn/100 gốc. Thế nhưng, sản lượng vụ thanh trà năm nay bị sụt giảm bất thường chỉ còn 4-5 tạ/100 gốc.

Nếu như nhiều năm trước, cây thanh trà cho thu nhập bình quân từ 150-200 triệu đồng/ha thì vụ này chỉ thu nhập vài chục triệu đồng. 

Vô vườn trồng cây ra quả đặc sản ở một thôn của TP Huế, ngước mắt lên thấy trái lưa thưa, có cây toàn lá- Ảnh 1.

Một trong những vườn thanh trà có trái với số lượng ít ỏi ở phường Thủy Biều, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nguồn thu nhập ít ỏi này chỉ đủ để mua phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh, chi phí công chăm sóc vườn cây cho vụ sau. Đến nay, người dân chưa biết rõ nguyên nhân cụ thể cây thanh trà mất mùa, nhưng bước đầu nhận định là do thời tiết bất thường, nắng nóng diễn biến phức tạp.

Thanh trà mất mùa là điều đáng lo ngại đối với người dân Thủy Biều nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Mất nguồn thu nhập từ thanh trà đồng nghĩa với mất nguồn sinh kế đối với nhiều hộ chuyên trồng loại cây đặc sản này. 

Ông Kiệt khẳng định, mùa thanh trà bị thiệt hại nặng sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống của gia đình ông cũng như người dân địa phương. Không còn cách nào khác, gia đình ông Kiệt và người dân chăm sóc, bón phân cho vườn cây để hy vọng vụ thanh trà sau được mùa, bù đắp lại vụ này.

Đặc ân phù sa từ dòng sông Hương bồi đắp hằng năm, các vùng đất tại nhiều địa phương ven dòng sông này thích hợp cho nhiều loại cây trái sinh sôi, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là cây thanh trà. Riêng tại phường Thủy Biều có đến hơn 120ha thanh trà. 

Thanh trà từ lâu đã trở thành loại cây kinh tế chủ lực của Thủy Biều và nhiều địa phương ven dòng sông Hương, sông Bồ, Ô Lâu.

Phó Chủ tịch UBND phường Thủy Biều, ông Võ Bá Bình thông tin, các vụ trước, hầu như vụ thanh trà nào của phường Thủy Biều cũng đạt bình quân 600-700 tấn, thu nhập trên dưới 20 tỷ đồng. 

Song, vụ thanh trà năm nay chỉ thu hoạch chừng hơn 100 tấn, được xem là vụ mùa thất bát nhất từ trước đến nay. Nhiều vườn cây hầu như không có trái, hoặc trái rất ít. Năng suất, sản lượng thanh trà vụ này chỉ bằng 15-20% so với vụ trước. 

Nguyên nhân được địa phương, ngành nông nghiệp nhận định bước đầu là do thời tiết phức tạp, thất thường khiến khả năng, tỷ lệ ra hoa và kết trái rất thấp. Mặc dù người dân sử dụng các biện pháp ứng phó nhưng nhiều vườn cây vừa ra trái thì bị rụng.

Theo ông Võ Bá Bình, với thời tiết phức tạp như hiện nay, không còn cách nào khác ngoài việc tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân triển khai đồng bộ các biện pháp chăm sóc, bón phân, cải tạo vườn cây cho vụ mùa sau có thể đạt năng suất, sản lượng.

Ông Hồ Đính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, đây là vụ thanh trà toàn tỉnh bị mất mùa chung, không riêng ở Thủy Biều mà cả nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh. 

Ngoài diễn biến thời tiết phức tạp, một số loại sâu bệnh nguy hiểm gây hại trên cây trồng như bệnh chảy gôm, muội đen và các đối tượng gây hại như sâu đục thân, bệnh vàng lá greening...

Chi cục đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân tăng cường chăm sóc, bón phân cân đối, tăng cường bón phân chuồng hoai mục giúp cây sinh trưởng, phát triển khỏe, chống chịu sâu bệnh gây hại. Đáng chú ý là quản lý, phòng trừ bệnh chảy gôm và tiếp tục theo dõi các đối tượng sinh vật gây hại khác để có biện pháp quản lý và phòng trừ kịp thời.

Hoàng Thế (Báo Thừa Thiên Huế)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem