Vướng lùm xùm vụ ông Nguyễn Xuân Đông bị triệu tập, Vinaconex vẫn báo lãi lớn

Huyền Anh Thứ ba, ngày 30/07/2019 06:30 AM (GMT+7)
Bất chấp những ồn ào quanh chuyện "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" của nhóm cổ đông lớn hay mới đây là việc ông Nguyễn Xuân Đông bị triệu tập liên quan đến vụ mua bán hoá đơn trái phép, “ông lớn” Vinaconex vẫn công bố lợi nhuận 6 tháng đạt 304 tỷ đồng, tăng trưởng đến 65% so với cùng kỳ. Riêng quý II/2019, lãi ròng của Vinaconex gần gấp đôi cùng kỳ.
Bình luận 0

Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HNX: VCG) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019.

Theo đó, doanh thu thuần quý II/2019 của Vinaconex đạt 2.297 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán giảm mạnh hơn với mức giảm 5% đã giúp lợi nhuận gộp của Vinaconex tăng trưởng 4% lên 284 tỷ đồng. Biên lãi gộp đạt mức trên 12%.

img

Kết quả kinh doanh của Vinaconex (tỷ đồng)

Doanh thu và chi phí tài chính trong kỳ lần lượt giảm 19% và 28%, chủ yếu do giảm lãi tiền gửi và chi phí lãi vay của doanh nghiệp. Chi phí doanh nghiệp được cắt giảm hơn 20%, trong đó ghi giảm nhiều nhất ở khoản dự phòng phải thu khó đòi hơn 20 tỷ đồng, theo sau là thuế, phí và lệ phí.

Ở chiều ngược lại, phần lãi trong công ty liên kết tăng từ 28 tỷ đồng lên gần 37 tỷ đồng, tăng 30%. Đáng chú ý, quí II Vinaconex xuất hiện khoản lợi nhuận khác 71 tỷ đồng.

Kết quả, Vinaconex kết thúc quý II với khoản lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 174 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. EPS đạt 394 đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý II/2019 đạt 204 tỷ đồng, tăng 82,5% cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 173,9 tỷ đồng, tăng 104%,

Lũy kế 6 tháng, công ty đạt doanh thu thuần 3.958 tỷ đồng, giảm 4,8% nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn tăng 65,5% lên gần 304 tỷ đồng. Công ty thực hiện 39% chỉ tiêu doanh thu và 41% chỉ tiêu lợi nhuận năm. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 262 tỷ đồng, tăng 97% với EPS 594 đồng.

Trong cơ cấu doanh thu 6 tháng đầu năm 2019 của Vinaconex, mảng xây lắp vẫn giữ tỷ trọng cao nhất với 54% trong tổng doanh thu nhưng đã giảm so với con số 65,5% của cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu xây lắp trong kỳ đạt 2.143 tỷ đồng. Trong khi đó doanh thu bất động sản tăng mạnh từ 12% lên 17,6% tổng doanh thu, doanh thu sản xuất công nghiệp cũng tăng từ 10,7% lên 14%.

Cụ thể, doanh thu bất động sản của Vinaconex 6 tháng đầu năm 2019 đạt gần 700 tỷ, tăng 37% cùng kỳ năm trước và doanh thu sản xuất công nghiệp tăng 21,7%. Doanh thu khác tăng 20% đạt 576 tỷ trong nửa đầu năm nay.

img

Tổng tài sản tại 30/6 của Vinaconex đạt 19.698 tỷ đồng, giảm 2% với 62% là tài sản ngắn hạn. Trong đó, chủ yếu là khoản phải thu ngắn hạn gần 6.073 tỷ đồng. Trong đó khoản phải thu công ty liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An khánh lên tới 738 tỷ, hàng tồn kho hơn 3.120 tỷ.

Nợ phải trả cuối kỳ của Vinaconex đạt 12.044 tỷ đồng với 32% là nợ vay. Chủ yếu là nợ vay ngắn hạn với 2.441 tỷ đồng và vay dài hạn 1.475 tỷ đồng toàn bộ tại công ty con.

Đáng chú ý, Vinaconex đang có khoản phải trả đối với Công ty Vinaconex ITC (Mã: VCR) 273 tỷ đồng, gấp 3 lần so với đầu năm. Vinaconex ITC vốn điều lệ 360 tỷ đồng chính là đơn vị chịu trách nhiệm phát triển dự án Cái Giá - Cát Bà. Đây là công ty do Vinaconex góp vốn 53,56%; Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) nắm 10,86% và CTCP Chứng khoán Ngân hàng NN và PTNN (Agriseco) nắm 13,59%...

Tại thời điểm kết thúc quí II/2019, giá trị tài sản dở dang tại dự án Khu đô thị Cái Giá, Cát Bà không đổi, ở mức 560 tỷ đồng; cùng với đó chi phí xây dựng dở dang dự án ở mức 245 tỷ đồng.

img

img

Ngoài ra, Vinaconex vẫn đang "treo" khoản cho thuê văn phòng, căn hộ tại dự án Trung tâm thương mại Chợ Mơ 931 tỷ vào khoản doanh thu chưa thực hiện. Tổng giá trị doanh thu chưa thực hiện tại thời điểm 30/6 khoảng hơn 1.324 tỷ đồng. Chi phí xây dựng dở dang cho dự án này hiện nay là 265 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính của Vinaconex cũng cho thấy, Vinaconex đang có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 548 tỷ đồng, bên cạnh quỹ đầu tư phát triển 942 tỷ đồng và thặng dư vốn cổ phần 355 tỷ đồng.

Như vậy có thể thấy, sau nửa năm có sự thay đổi lớn trong cơ cấu cổ đông với nhóm cổ đông tư nhân thay thế nhóm cổ đông nhà nước, cơ cấu tài sản của Vinaconex không có nhiều sự thay đổi. Đây cũng là 2 quý đầu tiên Vinaconex hoạt động dưới sự điều hành của ông Đào Ngọc Thanh, người đại diện cho nhóm cổ đông An Quý Hưng, được bầu làm Chủ tịch HĐQT của Vinaconex tại ĐHĐCĐ bất thường kể từ tháng 1/2019 cho tới nay.

Trước đó, lợi nhuận cả năm 2018 của Vinaconex giảm 61% còn 636 tỷ đồng và cũng là mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

img

Trong một diễn biến khác, mới đây CEO của Vinaconex ông Nguyễn Xuân Đông bị triệu tập lên trụ sở Cơ quan An ninh điều tra – Công an TP.Hà Nội địa chỉ: 89 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội để làm việc vì liên quan tới vụ án mua bán trái phép hoá đơn.

Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, đại diện Vinaconex cho biết: Cơ quan chức năng yêu cầu Vinaconex phối hợp cung cấp các tài liệu giai đoạn 2016-2018 (trước thời điểm thoái vốn nhà nước) để phục vụ xác minh. Đồng thời, gửi giấy mời triệu tập ông Nguyễn Xuân Đông với tư cách là Tổng Giám đốc người đại diện pháp luật hiện nay của Vinaconex đến làm việc với cơ quan chức năng về vấn đề trên.

img

TGĐ Vinaconex Nguyễn Xuân Đông bị triệu tập điều tra vụ mua bán hoá đơn trái phép

Sau khi nhận được giấy triệu tập, Tổng Giám đốc đã giao bộ phận Tài Chính kế toàn khẩn trương kiểm tra, rà soát và thống kê toàn bộ hoá đơn/chứng từ có liên quan đến danh sách các công ty/đơn vị cần xác minh theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

“Kết quả bước đầu, toàn bộ số hoá đơn liên quan tới giao dịch giữa Vinaconex và các đối tượng trong danh sách theo yêu cầu của cơ quan chức năng, được thực hiện trước thời điểm các cổ đông Nhà nước hoàn tất việc thoái vốn tại Vinaconex. Thời điểm này, ông Đông chưa tham gia bất kỳ công việc, chức vụ gì tại Vinaconex”, đại diện Vinaconex khẳng định.

Được biết, ông Nguyễn Xuân Đông (sinh năm 1966) là người sáng lập Công ty TNHH An Quý Hưng (An Quý Hưng). Vào cuối năm 2018, An Quý Hưng trở thành nhà đầu tư “ôm trọn” lô cổ phần chiếm tới 57,71% vốn điều lệ của Vinaconex, do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sở hữu, thông qua đấu giá công khai. Giá trị của thương vụ lên tới 7.366 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem