Đến Tây Nguyên, lần nào tôi cũng cùng với một số người bạn mua vài chum rượu cần để mang về làm quà. Gần như, những ai thưởng thức mùi vị của loại rượu này đều tấm tắc khen ngon bởi hương vị của nó rất đặc biệt, có thể gọi là “có một không hai”.
Đồng bào Tây Nguyên từ lâu đã xem rượu cần là một nét đẹp trong văn hoá giao tiếp. Bởi uống rượu cần vào con người mới thăng hoa, âm nhạc mới bốc đến độ cao trào, mọi khả năng nghệ thuật mới được biểu hiện đến mức tuôn chảy tự nhiên. Song cái biểu hiện để nhận biết nhất ở rượu cần là sợi dây gắn kết từng cá nhân với cộng đồng. Thông qua đó mọi người hiểu biết nhau hơn, xích lại gần nhau, đoàn kết vượt qua mọi thử thách.
Du khách giao lưu, thưởng thức rượu cần. (ảnh: Hoàng Lê)
Theo chia sẻ của một số vị cao niên, mỗi khi gia đình có việc, không cần mời mọc mà chỉ cần một tín hiệu như tiếng tù và hoặc hồi chiêng, trống thì cả làng đều có mặt, cùng góp rượu và vật chất để chia sẻ niềm vui, hay những khó khăn, mất mát, đau thương. Rượu cần đã gắn bó với các dân tộc Tây Nguyên qua bao thăng trầm của lịch sử. Cũng vì những giá trị đó, rượu cần đối với con người Tây Nguyên có giá trị thiêng liêng, nâng tầm văn hoá trong đời sống ở nơi này.
Rượu cần là một đặc sản của đồng bào Tây Nguyên. (ảnh: Hoàng Lê)
Để có được chum rượu cần tuyệt diệu cần phải có gạo, ngô, khoai, sắn, chuối, dứa, các loại củ, quả, vỏ trấu và chum đựng. Cách làm phổ thông và đơn giản nhất là dùng gạo tẻ hoặc nếp đãi sạch, ngâm nước lã hoặc nước ấm. Đổ ra rá, dội nước lạnh cho sạch, trộn đều vỏ trấu, đồ chín kỹ rồi đổ ra mẹt để nguội, trộn đều men, theo tỷ lệ một gạo hai trấu (1 kg gạo, 2 kg trấu), 0,5 lạng men (không kể một số loại men mạnh bằng lá tươi). Ủ kỹ bằng lá (hoặc ni lông thật kín) từ 5-7 ngày đến khi dậy mùi thơm, đem đổ vào chum (hoặc hũ) bịt thật kín (dùng tro bếp sạch, hoà nước đặc sền sệt đắp kín, chặt miệng chum) để ở nơi khô ráo, sạch sẽ mười ngày sau thì đem uống.
Hương vị rượu cần lan toả khắp các vùng miền. (ảnh: Hoàng Lê)
Những người thợ nấu rượu ở đây còn cho biết thêm rằng, bí quyết để làm nên hương vị rượu cần đặc trưng của Tây Nguyên là ở chất gây men. Chất gây men được làm từ lá rừng và thường được giữ kín, không tiết lộ cho người ngoài sắc tộc. Về cách chế biến thật đơn giản nhưng độc đáo: Men và tinh bột được trộn đều, bên trong phủ lớp trấu dùng để ủ. Sau đó, thay vì mang đi chưng cất bằng nhiệt như các loại rượu thường, người ta đem chôn sâu xuống đất đúng 100 ngày. Dĩ nhiên, thời gian chôn càng lâu rượu càng thơm ngon, quyến rũ. Ðiểm nữa, trước khi uống phải đổ đầy nước suối vào với mục đích hòa tan chất cồn trong nước đầu tiên này gọi là nước cốt. Nước cốt màu vàng sánh, có mùi hương lan tỏa tuyệt vời hết sức đặc trưng.
Rượu cần độc đáo không chỉ vì mùi vị tuyệt hảo mà còn độc đáo trong cách thưởng thức. Có thể nói, đây là loại rượu duy nhất không uống bằng ly mà được người dùng bằng cách hút cần. Rượu cần không phải là thức uống giải sầu, cũng không phải dùng để nhậu nhẹt, đánh chén. Vì thế, người ta thường uống rượu cần rồi hoà cùng những điệu nhảy, điệu múa, là ánh mắt, lời ca trong tiếng cồng chiêng và tiếng suối reo.
Qua chum rượu cần, người ta xích lại gần nhau hơn, thương yêu đùm bọc nhau hơn. Ðiều này có thể giải thích lý do vì sao càng ngày càng có nhiều du khách ngoại quốc tìm đến rượu cần như là một sản phẩm văn hóa đầy sức hấp dẫn của rừng núi Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.