Vượt dịch Covid–19, nhiều nông sản gặt tỷ đô

Khương Lực Thứ ba, ngày 28/07/2020 09:12 AM (GMT+7)
Các mặt hàng gạo, rau, sắn, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, quế, mây tre đều có giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ 2019. Hiện đã có 6 nhóm, mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đứng đầu là sản phẩm gỗ với trên 6,5 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ 2019.
Bình luận 0

Bộ NNPTNT cho biết, trong tháng 7, giá trị xuất khẩu nông, lâm thủy sản ước đạt 3,4 tỷ USD, tăng 4,6% so với tháng 6/2020. Lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục ghi nhận sự phục hồi sản xuất và lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu.

Vượt qua dịch Covid – 19, nhiều nông sản phục hồi sản xuất, lấy lại đà tăng xuất khẩu - Ảnh 1.

Chế biến gỗ ván thanh tại Xí nghiệp chế biến nông lâm sản Sông Hiếu, Công ty THNN MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu (Nghệ An)

Giá trị xuất khẩu lâm sản chính đạt 1,1 tỷ USD (tăng 9,8%), thủy sản đạt 780 triệu USD (tăng 8,4%). Trong khi đó, hai lĩnh vực ghi nhận đà tăng xuất khẩu giảm là nhóm nông sản chính ước đạt 1,4 tỷ USD (giảm 1,0%), chăn nuôi đạt 33 triệu USD (giảm 2,7%).

Tính chung trong 7 tháng, xuất khẩu lâm sản chính đạt 6,5 tỷ USD, tăng 6,7%. Đây là giá trị đóng góp quan trọng trong tổng số 22,3 tỷ USD giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. 

"Với đà tăng này, chúng tôi hy vọng cuối năm sẽ đạt 12 tỷ USD, tăng khoảng 7% so với 2019" – ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp chia sẻ.

Theo ông Trị, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp đang tổ chức bán hành trực tuyến, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết năm. Trong thời gian tới, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp, hiệp hội để mở rộng thị trường tiêu thụ và nắm bắt những khó khăn, điểm nghẽn để giải quyết kịp thời các ách tắc.

Về bảo vệ rừng, mặc dù nắng nóng kéo dài kết hợp với gió Tây Nam dẫn đến cháy rừng ở ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung (nhất là Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Quảng Bình) nhưng nhờ các địa phương đã thực hiện tốt các giải pháp bảo vệ, phòng và chữa cháy nên diện tích rừng bị thiệt hại trong tháng 7 là 343,2 ha, giảm 59% so với tháng 7/2019.

7 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt gần 39,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 22,3 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019; nhập khẩu ước khoảng 17,2 tỷ USD, giảm 4,6%; xuất siêu gần 5,2 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Mặc dù lĩnh vực thủy sản ghi nhận giá trị xuất khẩu tăng trong 7 tháng, nhưng đang có sự phân hóa mạnh giữa hai mặt hàng tôm và cá tra. 

Tính chung 7 tháng, xuất khẩu tôm thu về gần 2 tỷ USD (tăng 12,1%), trong khi giá trị xuất khẩu cá tra đạt 828 triệu USD (giảm 26,9%).

Theo Bộ NNPTNT,  trong 7 tháng, các mặt hàng gạo, rau, sắn, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, quế, mây tre đều có giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ. 

Cụ thể, xuất khẩu gạo đạt 1,9 tỷ USD (tăng 10,9%); rau đạt 414 triệu USD (tăng 9,6%); sắn đạt 107 triệu USD (tăng 101,8%), xuất khẩu tôm thu về gần 2 tỷ USD (tăng 12,1%); quế đạt 110 triệu USD (tăng 15,4%); sản phẩm gỗ đạt 4,5 tỷ USD (tăng 9,0%); mây, tre, cói thảm đạt 305 triệu USD (tăng 14,7%).

Tuy nhiên, có những mặt hàng giảm nhiều như: Cao su đạt 864 triệu USD (giảm 19,5%), chè đạt 111 triệu USD (giảm 7,7%), hồ tiêu đạt 395 triệu USD (giảm 22,5%), quả đạt 1,5 tỷ USD (giảm 20,2%), cá tra đạt 828 triệu USD (giảm 26,9%).

Hiện Trung Quốc vẫn là thị trường chiếm thị phần lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 5,4 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ và chiếm 24,1% thị phần. 

Tiếp đến là Hoa Kỳ ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ và chiếm 23,1% thị phần; xuất khẩu sang các nước ASEAN đạt gần 2,3 tỷ USD, tăng 6,2% và chiếm 10,27% thị phần; thị trường EU ước đạt 2,2 tỷ USD, giảm 2,7% và chiếm 9,9% thị phần…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem