Vượt Mỹ, Trung Quốc mua tài sản nước ngoài nhiều nhất TG

Trà My - SCMP Thứ sáu, ngày 07/10/2016 06:55 AM (GMT+7)
Các công ty Trung Quốc đang “đổ xô” đi mua tài sản ở nước ngoài, khiến nước này trở thành quốc gia sáp nhập và mua lại xuyên biên giới nhiều nhất thế giới.
Bình luận 0

img

Ảnh chụp tại Bắc Kinh, thủ đô của Trung Quốc

Lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc đã vượt Mỹ trong việc sáp nhập và mua lại các tài sản ở nước ngoài. Điều này thể hiện rõ xu thế “mua sắm” toàn cầu tăng kỉ lục nhờ sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc trong 3 thập kỷ qua và chương trình khuyến khích mua tài sản và công nghệ nước ngoài của Bắc Kinh.

Trong chín tháng đầu năm nay, tổng giá trị các thương vụ sáp nhập và mua lại tài sản nước ngoài của những công ty Trung Quốc đã tăng 68%, lên tới 173,9 tỷ USD, theo số liệu của Dealogic.

Trước đó, Mỹ vẫn luôn là quốc gia đứng đầu trong việc sáp nhập và mua lại xuyên biên giới trong khoảng thời gian 9 tháng đầu năm, kể từ năm 2008 đến nay, theo Dealogic.

Tổng cộng đã có 601 giao dịch được công bố trong 9 tháng đầu năm. Đây là con số nhiều nhất được ghi nhận, so với 441 giao dịch trong cùng kỳ năm 2015. Giao dịch lớn nhất thuộc về Công ty Hóa chất Quốc gia Trung Quốc (ChemChina), với thương vụ 46,7 tỷ USD mua lại Syngenta của Thụy Sĩ, được công bố hồi tháng 2.

img

Trong chín tháng đầu năm nay, tổng giá trị các thương vụ sáp nhập và mua lại tài sản nước ngoài của những công ty Trung Quốc đã tăng 68%, lên tới 173,9 tỷ USD

Tuy nhiên, không phải tất cả các giao dịch của Trung Quốc đều được chấp thuận do những lo ngại về an ninh quốc gia vượt qua lợi ích kinh tế.

42 giao dịch mua lại của Trung Quốc, tổng trị giá 35,8 tỷ USD đã bị rút lại trong 9 tháng đầu năm. Đây cũng là con số cao nhất hàng năm được ghi nhận.

Hai trong số nhiều công ty từ chối yêu cầu mua lại của Trung Quốc nói rằng những quan ngại về pháp lý là lý do chính khiến họ chấm dứt đàm phán. Cụ thể, họ phải đối mặt với quy định, yêu cầu của các cơ quan như Ủy ban Đầu tư nước ngoài ở Mỹ (CFIUS), Bộ Tài chính Mỹ nhằm đảm bảo các thương vụ sáp nhập không gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia Mỹ.

"Các nhà quản lý nước ngoài rất nhạy cảm với việc bảo vệ lợi ích quốc gia của họ, ví dụ như quyền sử dụng đất và các ngành công nghiệp được bảo hộ tại Úc, vấn đề an ninh quốc gia ở các nước như Mỹ", Keith Pogson, một đối tác cao cấp với các dịch vụ tài chính EY châu Á-Thái Bình Dương cho biết.

"Những vấn đề này sẽ tiếp tục xuất hiện khi các công ty Trung Quốc đầu tư ở nước ngoài. Một hoặc hai giao dịch có thể không làm dấy lên mối lo chính trị ở các nước nhận đầu tư, nhưng nhiều giao dịch thì có. Chúng ta đang trong thời điểm chính trị nhạy cảm, và rõ ràng những vấn đề này có thể trở nên nhạy cảm hơn vì những lý do chính trị rất địa phương", ông nói thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem